TIN LIÊN QUAN | |
'Cuộc chiến' chống đại dịch Covid-19: Thế giới cần niềm tin và sự lạc quan | |
Dịch Covid-19 có thể thổi bùng một cuộc chiến tiền tệ mới |
Các chuyên gia y tế vẫn chưa nhất trí về việc đeo khẩu trang liệu có bảo vệ con người khỏi Covid-19 hay không. (Nguồn: Financial Times) |
Những tháng đầu khi dịch Covid-19 hoành hành tại các nước châu Á, dường như chỉ có người châu Á mới sử dụng khẩu trang khi ra đường. Và đương nhiên, họ tuân thủ rất chặt chẽ điều này nhằm đảm bảo an toàn cho mình.
Còn truyền thông phương Tây lại luôn nói, bạn chỉ nên đeo khẩu trang nếu có triệu chứng ho, sốt... Vì vậy, nhiều trường hợp đeo khẩu trang khi ra đường đã phải nhận những lời chửi rủa, phân biệt, thậm chí là bị đánh đập...
Thế nhưng, hiện tại này dường như đang thay đổi khi các quốc gia phương Tây mới là những đối tượng chịu ảnh hưởng lớn nhất từ đại dịch này. Mỹ, Italy và Tây Ban Nha hiện là những quốc gia có nhiều ca nhiễm Covid-19 nhất trên thế giới.
Trong lúc tại Mỹ, người dân vẫn đang tranh luận liệu có nên đeo bất cứ thứ gì để che mặt khi ra ngoài đường hay không, các nước châu Âu đã thừa nhận việc đeo khẩu trang có tác dụng phòng tránh dịch bệnh và đã khuyến cáo người dân đeo khẩu trang. Tại Đức và Italy, thậm chí việc không khẩu trang khi ra ngoài đã trở thành không hợp thời trang.
Nên hay không nên?
Các chuyên gia y tế trên thế giới dường như vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong việc liệu đeo khẩu trang có giúp người dân an toàn trước virus SARS-CoV-2 hay không. Tuy nhiên, họ dường như đều đồng ý, nếu bạn không phải là nhân viên y tế, đừng mua khẩu trang N95.
Nếu không biết cách sử dụng đúng, khẩu trang N95 cũng không thể chắc chắn bảo vệ người dân khỏi Covid-19. Nhưng quan trọng hơn, số lượng khẩu trang N95 không còn nhiều và chính các y bác sỹ, những người đang ở tiền tuyến phòng chống dịch mới cần khẩu trang N95 khi họ đang từng ngày làm việc hết mình để cứu sống bệnh nhân nhiễm dịch.
Một số chuyên gia cho rằng, việc đeo khẩu trang có thể giúp ích cho việc phòng dịch, nhưng không phải bằng cách bảo vệ người đeo khỏi virus, mà bằng cách bảo vệ người khác khỏi người đeo khẩu trang. Virus SARS-CoV-2 lây lan chủ yếu qua các giọt nước nhỏ li ti mà những người nhiễm bệnh bắn ra từ đường hô hấp (khi ho, hắt hơi) hoặc tiếp xúc gần với người nhiễm bệnh.
Người dân tại New York, Mỹ xếp hàng, đeo khẩu trang để tự bảo vệ bản thân (Nguồn: Getty) |
Mới đây, trong một dòng trạng thái trên mạng Twitter, Thủ tướng Czech Andrej Babis đã kêu gọi Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra quyết định tương tự về đeo khẩu trang bắt buộc tại Mỹ. Ông viết: "...hãy chống virus theo cách của người Czech. Chỉ cần đeo một chiếc khẩu trang vải sẽ giảm 80% tốc độ lây lan của virus!"
Ngày 30/3, Chính phủ Áo cũng yêu cầu người dân ở nước này phải đeo khẩu khi vào mua hàng trong các siêu thị. Từ ngày 1/4, Áo đã phát khẩu trang miễn phí tại các cửa hàng tạp hóa và hiệu thuốc. Thủ tướng Áo đã xuất hiện cùng một chiếc khẩu trang in màu cờ nước Áo.
Các động thái trên cho thấy chính phủ các nước phương Tây đã nghiên cứu và học theo kinh nghiệm chống dịch Covid-19 của nhiều nước châu Á, trong đó có Việt Nam thay vì làm theo khuyến cáo của Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDPC) rằng chỉ những người nhiễm bệnh mới cần đeo khẩu trang.
Khi mà cuộc tranh luận về tác dụng của khẩu trang của giới chuyên gia y tế chưa đến hồi kết thì với người dân châu Á, đặc biệt là tại tâm dịch Trung Quốc, việc đeo khẩu trang đã được thực hiện gần như khắp nơi ngay khi dịch bùng phát. Kết quả cho thấy khả năng kiểm soát dịch tốt hơn và tốc độ lây nhiễm thấp hơn.
Mỹ ‘nẫng tay trên’ đơn hàng khẩu trang của Pháp
Báo Libération của Pháp số ra ngày 2/4 ghi nhận một thực tế đang diễn ra, đó là các cường quốc trên thế giới đều đang thiếu lượng khẩu trang cần thiết cho khâu phòng dịch cộng đồng. Trong tình cảnh đó, ngoài việc đẩy mạnh sản xuất khẩu trang trong nước, nhiều quốc gia đã tìm đến Trung Quốc, nhà sản xuất hàng đầu thế giới để đặt mua khẩu trang.
Tuy nhiên, trước các đơn đặt hàng khổng lồ của các cường quốc đối với sản phẩm y tế Trung Quốc, các địa phương Pháp đã gặp muôn vàn khó khăn trong việc chuyển vận hàng đã đặt mua. Các quan chức địa phương tại Pháp xác nhận trên truyền thông nước này về thông tin một lô khẩu trang lớn mà các vùng của Pháp đặt mua ở Trung Quốc đã bị Mỹ trả giá cao và "nẫng tay trên" ngay tại sân bay Trung Quốc.
Pháp đã bị Mỹ 'nẫng tay trên' lô hàng khẩu trang từ Trung Quốc. (Nguồn: Reuters) |
Trả lời phỏng vấn Đài phát thanh Pháp (RTL), Chủ tịch vùng Grand-Est của Pháp, ông Jean Rottner khẳng định, người Mỹ đã đến sân bay Trung Quốc, trả đắt hơn 3-4 lần bằng tiền mặt và lấy đi một lô hàng khẩu trang đang chuẩn bị được vận chuyển về Pháp. Tuy nhiên, sau đó phía Pháp cũng đã lấy lại được 2 triệu khẩu trang trong ngày 2/4.
Một quan chức địa phương khác tại Pháp là ông Renaud Muselier, Chủ tịch vùng Provence-Alpes Côte d’Azur cũng xác nhận vụ scandal liên quan đến lô hàng khẩu trang tại Trung Quốc và cho biết, việc mua khẩu trang giờ đây là một cuộc chiến thực sự.
“Khẩu trang đã trở thành mặt hàng khan hiếm, và Mỹ đang tìm mua mọi nơi, và giá cả đối với họ không quan trọng. Họ trả gấp đôi, trả tiền ngay, ngay cả trước khi thấy hàng. Chúng tôi không thể làm như thế, không thể ứng tiền trước và chỉ trả khi nhận hàng.'' – ông Muselier cho hay.
Theo Libération, vùng Nouvelle-Aquitaine, miền Tây Nam Pháp, gặp một vấn đề khác trong cuộc cạnh tranh với Mỹ, đó là vấn đề hậu cần. Do lượng khẩu trang mà vùng này đặt chỉ vọn vẹn 5 triệu chiếc so với 2 hay 3 tỷ chiếc mà Mỹ đặt, cho nên họ đành phải chờ tới lượt. Không những vậy, tình trạng sân bay quá tải, đường xá kẹt cũng khiến cho lô hàng này được giao chậm hơn so với dự kiến là 10 ngày.
Cẩn thận từng khâu
Nhưng không phải chỉ có vấn đề hậu cần. Trước sự canh tranh và đơn đặt hàng dồn dập, cái bẫy đối với với các địa phương Pháp còn nằm phía các nhà sản xuất Trung Quốc.
Tờ Libération trích nguồn tin vùng Nouvelle-Aquitaine, cho rằng những công ty nhỏ và những kẻ tự xưng là nhà sản xuất khẩu trang, có lô hàng đến hàng triệu chiếc đang nằm chờ ở biên giới Bỉ thường là những nguồn không đáng tin cậy. Quan chức tại vùng này đã phải xác định thông tin rất nhiều, từ hỏi cơ quan thuế xem những công ty, ngân hàng có tên lạ lùng có bị điều tra gì hay không. Nhưng do tình trạng gấp gáp, họ đành phải mua liều.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến nghiêm trọng hiện nay tại Pháp, nước này đang thiếu hụt khẩu trang trầm trọng, đặc biệt là khẩu trang y tế có chất lượng đảm bảo cho các y bác sỹ và nhân viên làm việc trong các nhà dưỡng lão. Toàn nước Pháp hiện chỉ có 1 nhà máy sản xuất khẩu trang với công suất 5 triệu khẩu trang/tuần.
Cách đây vài ngày, đích thân Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đến thăm nhà máy này và yêu cầu nâng công suất tối đa lên 15 triệu khẩu trang/tuần vào cuối tháng này vì theo tính toán, nước Pháp cần đến 40 triệu khẩu trang/tuần.
Trước đó, Pháp đã đặt hàng 1 tỷ khẩu trang từ Trung Quốc và lập cầu hàng không với nước này trong vòng 1 tháng để đưa hàng về nước, do lo ngại các nguy cơ bị đánh tráo trên đường vận chuyển.
Cuộc chiến về khẩu trang chắc sẽ còn kéo dài, ít nhất là đến khi dịch bệnh có dấu hiệu ngừng lại. Đây vẫn sẽ là câu chuyện của nhiều nước chứ không riêng gì Pháp và Mỹ.
| Các nước châu Âu thừa nhận tác dụng của khẩu trang trong phòng dịch Covid-19 TGVN. Chính phủ nhiều nước châu Âu đã thừa nhận việc đeo khẩu trang có tác dụng phòng tránh dịch bệnh và đã khuyến cáo ... |
| Hành trình của những chiếc khẩu trang quý giá trong mùa dịch TGVN. "Phong trào khẩu trang" và hỗ trợ nhau vượt qua dịch bệnh Covid-19 đang lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng người Việt tại ... |
| Hình ảnh người dân Mỹ dùng máy khâu làm vũ khí chống Covid-19 TGVN. Máy khâu đã trở thành vũ khí mới nhất để chống đại dịch Covid-19 khi nhiều người dân California, Mỹ hành động theo lời kêu ... |