📞

‘Khởi động lại’ quan hệ Mỹ-Mexico

Minh Vương 14:00 | 12/07/2022
Liệu chuyến thăm của Tổng thống Mexico Andrés Manuel López Obrador tới Mỹ ngày 12/7 có thể cài đặt lại quan hệ song phương đầy trắc trở hiện nay?
Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador gặp người đồng cấp Mỹ Joe Biden tại Nhà Trắng ngày 18/11/2021. (Nguồn: Getty Images)

Ngày 12/7 (giờ địa phương), Tổng thống Mexico Andrés Manuel López Obrador sẽ thăm Washington D.C. (Mỹ) và gặp gỡ người đồng cấp chủ nhà Joe Biden. Đây là chuyến thăm Mỹ thứ hai của ông Obrador từ khi ông Biden làm Tổng thống.

Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh quan hệ song phương đang trải qua một giai đoạn khó khăn. Chính quyền Mỹ và Mexico tiếp tục cho thấy bất đồng trong nhiều lĩnh vực then chốt, dù đó là thương mại, năng lượng, đối ngoại hay biến đổi khí hậu.

Dưới thời Tổng thống Mỹ Joe Biden, Washington đã nhiều lần tạo sức ép thông qua Thỏa thuận thương mại tự do Mỹ-Mexico-Canada (USMCA), buộc chính quyền ông Obrador giảm phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch và từ bỏ sự ủng hộ doanh nghiệp năng lượng nhà nước.

Đáp lại, Mexico đã phủ nhận mọi cáo buộc liên quan tới cái chết của một số nhà báo. Ông Obrador tỏ ra khó chịu trước việc chính quyền của ông Biden tài trợ một số tổ chức dân sự và phi chính phủ mà ông coi là một phần của phe đối lập.

Đồng thời, Mexico cũng thường xuyên chỉ trích các quyết định của Mỹ. Ông Obrador từng nói Tổng thống Joe Biden nên “dỡ tượng Nữ thần Tự do và trả lại Pháp” nếu Washington dẫn độ và xét xử nhà sáng lập WikiLeaks Julian Assange. Mexico cũng gọi các hỗ trợ của Mỹ dành cho Ukraine là “sai lầm nghiêm trọng”.

Mới đây, sau khi chính quyền ông Joe Biden từ chối mời Cuba, Nicaragua và Venezuela dự Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ tại Los Angeles (Mỹ), ông Obrador đã từ chối tham dự sự kiện này nhằm phản đối “chính sách cũ kỹ, chủ nghĩa can dự thiếu tôn trọng người dân và đất nước của họ”.

Ông Obrador từng nói Tổng thống Joe Biden nên “dỡ tượng Nữ thần Tự do và trả lại Pháp” nếu Washington dẫn độ và xét xử nhà sáng lập WikiLeaks Julian Assange.

Đây là thực trạng đáng ngại trong một mối quan hệ then chốt với Washington, như cựu Đại sứ Mexico tại Mỹ Arturo Sarukhan (giai đoạn 2006-2013) từng khẳng định: “Với Mỹ, Mexico là đối tác then chốt trong gia công… xét về tính cạnh tranh, hay trong nỗ lực đảm bảo an ninh năng lượng một cách độc lập và hiệu quả”.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre đã khéo léo nhấn mạnh: “Chúng tôi coi ông Obrador, Tổng thống Mexico là một đối tác”. Bà cho biết lãnh đạo hai nước sẽ thảo luận về “một nghị trình rộng mở và sâu sắc, bao gồm các nỗ lực chung nhằm cải thiện vấn đề nhập cư, an ninh lương thực và cơ hội kinh tế”.

Thật vậy, kiểm soát dòng người nhập cư sẽ là nội dung thảo luận quan trọng ngày 12/7 tới. Ông Obrador muốn Mỹ cấp thêm visa lao động cho người Mexico và Trung Mỹ. Chính sách này có thể khiến biên giới hai nước bớt căng thẳng hơn, song các nghị sĩ đảng Cộng hòa của Mỹ đã nhiều lần phản đối chủ trương này. Họ cho rằng Mexico đang “nắm đằng chuôi” khi chỉ tiếp nhận công dân của mình, trong khi vẫn cho phép Washington trục xuất người có quốc tịch khác.

Tuy nhiên, vấn đề được ông Obrador đặc biệt quan tâm là lạm phát. Phát biểu trước thềm chuyến thăm, ông khẳng định hai nước sẽ “giúp đỡ nhau kiểm soát lạm phát”. Trong tháng Sáu, lạm phát tại Mexico đã lên tới gần 8%. Yếu tố này, kết hợp cùng tác động của đại dịch Covid-19 tới nền kinh tế đã khiến nhiều người lựa chọn di cư trái phép sang nước láng giềng, bất chấp vô vàn hiểm nguy. Gần đây, nước Mỹ đã rúng động sau khi phát hiện 53 người nhập cư trái phép thiệt mạng trong xe rơ moóc ở Texas; 22 trong số đó có quốc tịch Mexico.

Trên thực tế, chính quyền của ông Obrador đã có hành động cho thấy sự thiện chí trong cải thiện quan hệ với Mỹ. Kể từ cuối tháng Năm, Mexico đã mở một chiến dịch lớn truy quét các cơ sở sản xuất, tàng trữ trái phép ma túy đá. Số vụ bắt giữ đã tăng từ 6 lên 72 chỉ sau một tháng, với nhiều vụ triệt phá các cơ sở quan trọng. Ngay trước khi ông Obrador tới Mỹ, lực lượng Mexico đã lục soát hai nhà kho lớn tại thành phố Culiacan, thu giữ nửa tấn fentanyl cùng nửa triệu viên fentanyl.

Chiến dịch này đã thể hiện thiện chí của Mexico, trong bối cảnh phòng chống ma túy tràn qua biên giới đã là một vấn nạn nhức nhối của nước Mỹ nhiều năm qua.

Hai bên cần tận dụng hiệu quả chất xúc tác này để thúc đẩy quan tâm chung, thu hẹp bất đồng, đưa quan hệ song phương tiến triển tích cực sau giai đoạn bế tắc. Cuộc gặp giữa ông Obrador và ông Biden sẽ là một bước khởi động lại cần thiết.