📞

Không bị gọi tên, Trung Quốc vẫn có nhiều lý do để 'e ngại' Bộ tứ

Quyên Trần 20:00 | 16/03/2021
TGVN. Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của nhóm Bộ tứ không trực tiếp nêu tên Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh lại có phần căng thẳng và lo sợ trước sự kiện này.
Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của nhóm Bộ tứ ngày 12/3 đã nhất trí ra Tuyên bố chung, cam kết tổ chức hội nghị các nhà lãnh đạo dưới hình thức trực tiếp vào cuối năm 2021. (Nguồn: Getty)

Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của nhóm Bộ tứ diễn ra ngày 12/3/2021 không trực tiếp nêu tên Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh lại có phần căng thẳng và lo sợ trước sự kiện này, khi tờ Thời báo Hoàn Cầu của nước này suy đoán rằng Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia đang "thổi phồng mối đe dọa Trung Quốc" ngay từ trước khi sự kiện này diễn ra.

Rõ ràng, Trung Quốc đã nhận thấy một thách thức lớn đối với giấc mơ về một châu Á-Thái Bình Dương lấy Trung Quốc làm trung tâm khi lời kêu gọi của Bộ tứ về một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, cởi mở, bao trùm và lành mạnh, dựa trên các giá trị dân chủ và không bị kiềm chế bởi những hành động ép buộc.

Nghị trình ôn hòa nhưng có thông điệp rõ ràng

Bên cạnh sự nhất trí về tính cần thiết của một trật tự tự do, cởi mở dựa trên các quy tắc, bắt nguồn từ luật pháp quốc tế nhằm thúc đẩy an ninh, thịnh vượng đồng thời chống lại các mối đe dọa cả trong và ngoài khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, thì phản ứng tập thể trước đại dịch Covid-19 trong việc hiệp đồng các nỗ lực tiêm chủng cho nhân loại cũng là một nghị trình then chốt của Bộ tứ thu hút sự chú ý của toàn cầu.

Các nhóm công tác của Bộ tứ còn tập trung vào hai vấn đề khác, đó là các công nghệ trọng yếu mới nổi và biến đổi khí hậu.

Nghị trình này có vẻ ôn hòa và không một ai trực tiếp chỉ đích danh Trung Quốc trong hội nghị, nhưng có lẽ Trung Quốc hiểu rằng nước này đã thách thức trật tự dựa trên các quy tắc bằng cách bác bỏ phán quyết của tòa trọng tài ở biển Biển Đông và tiếp tục các hành động quyết đoán trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Việc Trung Quốc gọi hội nghị Bộ tứ là “chủ nghĩa đa phương có chọn lọc” và “chính trị Covid-19” cho thấy nỗi bức xúc của nước này trước sự xuất hiện của một mối quan hệ hợp tác tiêm chủng toàn cầu.

Việc Bộ tứ khẳng định ủng hộ pháp quyền, tự do hàng hải, hàng không, các giá trị dân chủ và toàn vẹn lãnh thổ càng làm gia tăng nỗi bức xúc của Bắc Kinh.

Vượt qua những bất đồng

Trung Quốc muốn thế giới tin rằng việc 4 nền dân chủ kết hợp với nhau sẽ làm nảy sinh những bất đồng lớn, nhưng trong tiến trình phát triển của mình, Bộ tứ dường như đang vượt qua một vài trong số đó.

Những điểm khác biệt về các định nghĩa và lĩnh vực trọng tâm trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương dễ được chấp nhận hơn nhiều, với việc Ấn Độ tập trung vào phía Tây Ấn Độ Dương, nơi giáp với châu Phi và các nước vùng Vịnh, trong khi các khu vực khác thuộc Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là trọng tâm của tất cả các nước Bộ tứ.

Với một loạt thỏa thuận nền tảng như Thỏa thuận an ninh và tương thích liên lạc (COMCASA), Thỏa thuận hợp tác và trao đổi cơ bản (BECA) được ký kết giữa Mỹ và Ấn Độ, cùng với đó là các cuộc tập trận hải quân, khả năng của Ấn Độ trong việc phối hợp hoạt động với các nước thành viên Bộ tứ khác, vốn hoạt động trong khuôn khổ liên minh quân sự NATO, đã được cải thiện.

Các bên cũng có sự đồng thuận về việc ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN cũng như triển vọng về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Tuy nhiên, việc kêu gọi sự tham gia của ASEAN sẽ là vấn đề gây tranh cãi do ảnh hưởng của Trung Quốc lên khối này.

Con đường phía trước cho Bộ tứ

Việc thực hiện ý tưởng về một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở trên khuôn khổ pháp lý “dựa trên các quy tắc” là điều cần thiết.

Tất cả các thành viên của Bộ tứ, trừ Mỹ, đã phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về Luật biển, do đó Mỹ cũng cần phê chuẩn văn kiện này để có nền tảng đạo đức cho thực hiện công ước.

Trung Quốc có cơ sở để tin rằng Mỹ hoặc bất kỳ quốc gia nào khác sẽ không sử dụng sức mạnh quân sự để phá bỏ cơ sở hạ tầng nước này đã xây dựng ở Biển Đông. Trung Quốc cũng đang tăng cường năng lực hải quân của mình với tốc độ chưa từng thấy.

Trong bối cảnh này, Bộ tứ cần củng cố sức mạnh của mình ngoài các cuộc tập trận Malabar và can dự nhiều hơn theo hình thức xây dựng năng lực hàng hải của các thành viên, cải thiện hơn nữa khả năng tương tác và năng lực kiểm soát các vị trí án ngữ nhạy cảm đối với Trung Quốc, vì nhóm này cho tới nay không phải là một liên minh quân sự. Do đó, Bộ tứ sẽ cần một cơ cấu chính thức và một ban thư ký để tiếp tục phát triển.

Vaccine Covid-19 sẽ được sản xuất tại Ấn Độ, do Mỹ và Nhật Bản tài trợ với sự hỗ trợ hậu cần từ Australia. Ý đồ của Bộ tứ nhằm hợp lực về các mặt y tế, khoa học, tài chính, sản xuất, công nghệ mới nổi quan trọng và các khả năng phát triển trong tương lai, là một bước đi đúng hướng.

Chia sẻ công nghệ đổi mới và xây dựng năng lực đối phó với các thách thức về biến đổi khí hậu sẽ phục vụ lợi ích của nhân loại. Những tuyên bố này nhận được sự ủng hộ của người dân, nhưng nếu được thực hiện một cách chân thành, chúng chắc chắn sẽ làm cho Bộ tứ trở thành một nhóm hiệu quả.

Nếu tình hình chiến lược ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trở nên xấu đi, có thể nhóm này cần phải bố trí một “Nhóm quan sát viên quân sự trên biển của Liên hợp quốc” vì việc ngăn chặn xung đột bất ngờ xảy ở một khu vực có mật độ dày đặc tàu chiến tiến hành các nhiệm vụ tự do hàng hải là điều cần thiết.

Bộ tứ ở khuôn khổ hiện tại có thể không có cơ chế để kiềm chế các hành động quyết đoán của Trung Quốc, nhưng nhóm này chắc chắn có tiềm năng trở thành một trong những công cụ hiệu quả nhất để thực hiện điều đó.

Phản ứng của Trung Quốc cho thấy Bộ tứ chắc chắn đã khiến Bắc Kinh chú ý ngay cả khi Hội nghị của nhóm không "gọi tên" Trung Quốc.

(theo Financial Express)