Tên lửa hành trình DF-21D của Trung Quốc diễu hành trên quảng trường Thiên An Môn tháng 9/2015. (Nguồn: Getty Images) |
Ngày 2/8, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố Mỹ đã chính thức rút khỏi Hiệp ước các Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF). Trước đó, cùng ngày, phía Nga cũng khẳng định INF “đã chết”.
Phát biểu sau khi INF chính thức lùi vào dĩ vãng, ông chủ Nhà Trắng cho rằng một thoả thuận tốt hơn thay thế cho INF, với sự tham dự của Trung Quốc sẽ là “điều tuyệt vời”.
Tuy nhiên, cuộc sống không phải lúc nào cũng toàn những “điều tuyệt vời”. Trong trường hợp này, Chủ tịch Tập Cận Bình rõ ràng không thể khiến Tổng thống Donald Trump toại nguyện, vì hai lý do chính.
Tránh vòng kim cô
Đầu tiên, tham gia một hiệp ước vũ khí tầm trung và ngắn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến lợi ích quốc gia của Trung Quốc.
Kể từ khi được thành lập năm 2015, Lực lượng Tên lửa Chiến lược, tiền thân là Lực lượng Pháo binh số 2, đã trở thành nòng cốt trong chiến lược phát triển của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA). Đơn vị này quản lý và sử dụng các tên lửa đạn đạo liên lục địa, các tên lửa đạn đạo chiến dịch, chiến thuật cùng tên lửa hành trình có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.
Trong những năm vừa qua, lực lượng tinh nhuệ trên đã được chính quyền Trung Quốc tập trung đầu tư, với tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung sử dụng cho những chiến dịch đánh chặn trên biển, tấn công các đảo và đá xa bờ. Do đó, với tầm bắn xa hàng trăm tới hàng nghìn km, hơn 90% số tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình của Trung Quốc nằm trong danh sách cấm của INF.
Một Tôn Ngộ Không, dù tài giỏi với 72 phép thần thông biến hoá cùng gậy Như Ý, cũng chẳng thoát được vòng Kim Cô trên đầu khi bị Đường Tăng niệm chú. Trung Quốc cũng vậy: Tham gia vào một hiệp ước ràng buộc về hạn chế vũ khí tầm trung và ngắn đồng nghĩa với việc Bắc Kinh tự “trói tay mình”, đứng nhìn sức mạnh quân sự cùng tầm ảnh hưởng chính trị dày công xây dựng dần tan theo cơn sóng. Hồi tuần trước, trong Thông điệp Quốc gia năm 2019, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte từng thừa nhận tên lửa Trung Quốc chỉ mất 7 phút để bay từ các đảo do Bắc Kinh kiểm soát tới lãnh thổ Manila. Mất đi vũ khí chiến lược ấy, Trung Quốc còn lại gì?
Một lý do khác có thể kể đến là việc Bắc Kinh không muốn tham gia thoả thuận do Washington và Moscow chủ trì. Để trở thành nước lớn không chỉ cần tiềm lực kinh tế và quân sự, mà quốc gia còn phải có khả năng tham gia định hình và xây dựng luật chơi. Trong trường hợp này, nếu tham gia vào hiệp ước kiểm soát vũ khí tầm trung và ngắn do Nga và Mỹ dẫn dắt, Trung Quốc sẽ khó phát huy được vai trò của mình, thậm chí đối mặt với nguy cơ bị trói buộc với điều khoản được Tổng thống Donald Trump “ưu ái” dành riêng cho Trung Quốc.
Đây chính là hai lý do cơ bản chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình gần như chắc chắn sẽ phớt lờ lời kêu gọi từ Mỹ. Ngày 2/8, lập trường này một lần nữa được Đại sứ Trung Quốc tại Liên hợp quốc Zhang Jun nêu ra, theo đó ông lấy làm tiếc về sự tan vỡ của INF, song không cho rằng Bắc Kinh sẽ hưởng ứng lời đề nghị của Tổng thống Trump. Tương tự, Tân Hoa Xã ngà 30/7 dẫn lời một quan chức ngoại giao Trung Quốc khẳng định: “Trung Quốc sẽ không, dưới bất kỳ hình thức nào, đồng ý biến Hiệp ước INF thành đa phương”.
Làm nước lớn, cần chơi lớn
Tuy nhiên, câu chuyện không đơn giản như vậy. Đầu tiên, như đã nêu trên, thời gian qua Trung Quốc đã đầu tư không ít tiền của phát triển các tên lửa đạn đạo tầm ngắn – trung và tên lửa hành trình. Điều này khiến quốc gia châu Á này thành một trong những cường quốc tên lửa hàng đầu thế giới, đứng sau Nga và Mỹ. Khi đó, từ chối tham gia vào tiến trình kiểm soát tên lửa đạn đạo tầm trung có thể ảnh hưởng tiêu cực đến vị thế và hình ảnh quốc gia có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế mà Trung Quốc đang muốn tỏ ra như vậy với thế giới.
Tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper khẳng định Mỹ sẽ sớm triển khai các hệ thống tên lửa dẫn đường và đạn đạo mặt đất. (Nguồn: NYTimes) |
Quan trọng hơn, INF bị huỷ bỏ đồng nghĩa với việc Mỹ tự do phát triển và triển khai các tên lửa tầm trung tại châu Á. Ngày 2/8, ít lâu sau tuyên bố của Ngoại trưởng Mike Pompeo, tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper khẳng định cho biết Washington đã bắt đầu phát triển “các hệ thống tên lửa dẫn đường và đạn đạo mặt đất, thông thường và có tính di động”, mong muốn triển khai các tên lửa tầm trung phóng từ mặt đất tại châu Á.
Điều này sẽ đe doạ trực tiếp tới vị thế của Bắc Kinh tại khu vực, đánh mạnh vào chiến lược gia tăng và mở rộng ảnh hưởng của quốc gia này, dù đó có là thống nhất Đài Loan (Trung Quốc), đòi hỏi về chủ quyền tại Biển Đông hay chiến thắng trong tranh chấp đảo Điếu Ngư/Senkaku với Tokyo. Chừng nào chưa có hiệp ước thay thế INF, Trung Quốc sẽ tiếp tục phải đối mặt với nguy cơ chứng kiến tên lửa đạn đạo của Mỹ hiện diện tại các khu vực trọng yếu ở châu Á. Trớ trêu thay, gần như chắc chắn hiệp ước chỉ được thông qua chừng nào có sự hiện diện của Bắc Kinh (và có thể thêm một số quốc gia sở hữu tên lửa khác nữa).
Trong bối cảnh đó, việc INF bị khai tử chỉ làm chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình thêm “bù đầu tóc rối”, đặc biệt sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố áp mức thuế 10% với 300 tỷ USD hàng hoá Trung Quốc, bắt đầu từ ngày 1/9.
Không loại trừ khả năng trong đàm phán thương mại sắp tới, Washington có thể xem xét "móc" thêm điều kiện giảm thuế quan hàng hoá với yêu cầu Bắc Kinh tham gia hiệp ước kiểm soát tên lửa đạn đạo tầm trung và tầm ngắn.
Ở phía trước, phá thế “tiến thoái lưỡng nan” do Mỹ bày ra trên "bàn cờ tên lửa" này sẽ là con tính không hề đơn giản dành cho chính quyền Trung Quốc của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Minh Quân