📞

Kỷ nguyên hợp tác mới với Ngôi sao phương Đông

16:03 | 01/06/2017
Châu Âu đóng vai trò then chốt trong chiến lược “Make in India” của Thủ tướng Modi. Mở rộng quan hệ với Ấn Độ - cường quốc đang trỗi dậy - sẽ giúp “lục địa già” giảm bớt sự lệ thuộc vào Mỹ dưới thời chính quyền Donald Trump.

Từ ngày 29/5-4/6, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi có chuyến công du đến bốn cường quốc hàng đầu châu Âu là Đức, Tây Ban Nha, Nga và Pháp với mục tiêu tăng cường thương mại, thu hút đầu tư và thắt chặt quan hệ song phương. 

Ưu tiên quan trọng 

Ông Modi lên cầm quyền năm 2014 trong bối cảnh nền kinh tế của quốc gia đông dân thứ hai thế giới tăng trưởng với tốc độ trung bình 7% trong hai thập kỷ liên tiếp và ảnh hưởng quốc tế của Ấn Độ không ngừng mở rộng. Năm 2016, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ đạt 7,6%, vượt Trung Quốc và trở thành nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong G20. Mục tiêu của ông Modi là tiếp tục duy trì đà cải cách và tăng trưởng kinh tế thông qua chiến lược “Make in India”, đưa Ấn Độ trở thành thành trung tâm sản xuất của thế giới và trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới sau Trung Quốc và Mỹ vào năm 2030.  

Để thực hiện tham vọng, ông Modi và các nhà lãnh đạo Ấn Độ coi việc thúc đẩy và thắt chặt quan hệ thương mại, đầu tư với châu Âu là ưu tiên quan trọng. Châu Âu không chỉ là thị trường lớn tiêu thụ hàng hóa của Ấn Độ, mà còn là nguồn vốn đầu tư, chuyển giao công nghệ quan trọng. Bản thân kinh tế châu Âu cũng đang chao đảo do tăng trưởng trì trệ kéo dài, tiến trình xử lý “hậu Brexit” và thách thức bảo hộ mậu dịch của Mỹ dưới chính quyền Trump… nên rất cần mở rộng và khai thác tiềm năng thị trường Ấn Độ khổng lồ.  

Thủ tướng Ấn Độ Modi gặp người đồng cấp Đức Merkel, ngày 30/5. (Nguồn: PTI)

Trong bốn nước nói trên, Đức là đối tác kinh tế quan trọng nhất của New Delhi. Thương mại Ấn Độ - Đức năm 2016 đạt 17,5 tỷ USD, và hiện có 1.600 công ty Đức với hơn 400.000 chuyên gia, kỹ sư đang làm việc tại Ấn Độ. Trong chuyến thăm Đức lần này, Thủ tướng Modi và người đồng cấp chủ nhà Angela Merkel đồng chủ trì cuộc họp Tham vấn Ủy ban Liên chính phủ Ấn Độ - Đức lần thứ tư (IGC) và chứng kiến lễ ký kết tám văn kiện quan trọng tập trung vào các lĩnh vực đầu tư, khoa học công nghệ, cơ sở hạ tầng, hàng không dân dụng, năng lượng sạch, dạy nghề... 

Đây là chuyến thăm chính thức Đức lần thứ hai trong vòng hai năm của ông Modi. Sau cuộc gặp này, hai Thủ tướng sẽ gặp lại nhau trong vòng một tháng nữa tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Hamburg, Đức. Điều này cho thấy Đức có vị trí quan trọng, phù hợp với tầm nhìn và hướng đi của Ấn Độ trong tương lai. 

Tây Ban Nha là điểm đến tiếp theo và là chuyến thăm đầu tiên trong 30 năm qua của một Thủ tướng Ấn Độ. Ông Modi thực sự mong muốn tăng cường hợp tác, tìm kiếm sự hỗ trợ của Tây Ban Nha - nhà đầu tư lớn thứ 12 của Ấn Độ, trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là cơ sở hạ tầng, hợp tác quốc phòng, công nghiệp, năng lượng tái tạo sản xuất linh kiện ô tô. 

Làm nồng ấm đối tác chiến lược

Tuy là điểm đến thứ ba, chuyến thăm Nga của Thủ tướng Modi lại nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Cho đến gần đây, Nga luôn được xem là đối tác chiến lược quan trọng và là đối tác thương mại hàng đầu của Ấn Độ. Tuy nhiên, do thay đổi môi trường khu vực và định hướng chiến lược của mỗi nước, quan hệ Nga - Ấn có những biến động mạnh. Từ chỗ là đồng minh số một, nhà cung cấp trang thiết bị quốc phòng hàng đầu của Ấn Độ, nay Nga bị đẩy xuống hàng thứ hai sau Mỹ, còn Ấn Độ vẫn đang nỗ lực tìm cách đa dạng hóa nguồn cung cấp vũ khí từ Pháp và Israel.

Về kinh tế-thương mại, năm 2016 thương mại hai chiều Ấn Độ - Nga đã giảm xuống còn 8 tỷ USD, như vậy sẽ rất khó đạt được mục tiêu 30 tỷ USD kim ngạch thương mại hai chiều vào năm 2030. 

Do đó, chuyến thăm Nga của ông Modi lần này nhằm mục tiêu làm nồng ấm trở lại quan hệ kinh tế - thương mại và đối tác chiến lược Nga - Ấn. Theo kế hoạch, ngoài họp thượng đỉnh với ông Putin, ông Modi sẽ tham dự các hoạt động kỷ niệm 70 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Nga - Ấn, tham dự Diễn đàn Kinh tế quốc tế St. Petersburg. Hai nước dự kiến sẽ ký thỏa thuận khung xây dựng các nhà máy điện hạt nhân Kudankulam 5 và 6 cũng như thảo luận về hợp tác quốc phòng, chống khủng bố, hợp tác năng lượng.

Thúc đẩy hợp tác với Pháp, đối tác kinh tế lớn thứ chín của Ấn Độ, cũng là một trong những ưu tiên quan trọng của Chính phủ Modi. Thủ tướng Modi sẽ có cuộc hội kiến đầu tiên với tân Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Nội dung chính của chương trình nghị sự cuộc gặp xoay quanh các chủ đề cải tổ Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, hợp tác chống khủng bố, biến đổi khí hậu, việc Pháp tham gia các dự án hạ tầng ở Ấn Độ...  

Với các mục tiêu chiến lược rõ ràng như vậy, cả Đức, Tây Ban Nha, Nga, Pháp và Ấn Độ đều có lý do để tin vào thành công của chuyến thăm và hy vọng chuyến thăm sẽ mở ra kỷ nguyên mới trong quan hệ song phương với “ngôi sao mới trên bầu trời phương Đông”.