📞

Kyrgyzstan vẫn ngàn cân treo sợi tóc

21:06 | 26/06/2010
Các vụ lộn xộn và xung đột sắc tộc mới đây tại hai tỉnh Osh và Jalal-Abad của Kyrgyzstan đã làm ít nhất 214 người thiệt mạng, hơn 2.100 người bị thương và những thiệt hại to lớn về vật chất khác. Lo ngại về các cuộc xung đột tương tự cũng như đảo chính có thể xảy ra đang gây khó khăn rất lớn cho chính quyền lâm thời của Tổng thống Rosa Otounbaieva, vốn đang nỗ lực để ổn định tình hình đất nước.
Lực lượng đối lập ở Kyrgyzstan chiếm giữ tòa nhà Quốc hội ở Jalalabad.

Bàn tay từ bên ngoài?

Ngoài số thương vong lớn kể trên, các cuộc xung đột còn khiến một triệu người bị ảnh hưởng, trong đó khoảng 300.000 người chạy nạn và 100.000 người phải chạy sang nước láng giềng Uzbekistan tị nạn. Lệnh tình trạng khẩn cấp đã được ban bố ngay sau đó ở Osh và 3 vùng xung quanh. Chính quyền cũng đưa xe bọc thép đến trấn giữ các ngả đường và dựng các chướng ngại vật trên phố nhằm ngăn chặn các vụ bạo lực lan rộng. Lực lượng an ninh được huy động tiến hành tuần tra nhằm phát hiện và xử lý các phần tử quá khích. Ngoài việc bắt giữ những kẻ tình nghi, nhà chức trách cũng đã tiến hành hàng chục cuộc thẩm vấn với những đối tượng được cho liên quan đến các vụ chém giết, đốt phá nhà cửa và bắt cóc. Bộ quốc phòng Kyrgyzstan thông báo huy động quân dự bị và quân đội được quyền nổ súng mà không cần bắn cảnh cáo trong khu vực áp dụng tình trạng khẩn cấp.

Đề cập tới nguyên nhân của các vụ bạo lực, ông M. Zheinbekov, Thị trưởng lâm thời thành phố Jalal-Abad, khẳng định những hung thủ thật sự là những kẻ ủng hộ Tổng thống bị lật đổ Bakiyev. Theo ông, bọn chúng đã tấn công cả người Kyrgyzstan và người Uzbekistan để kích động bạo lực sắc tộc. Còn Phó Thủ tướng lâm thời Omurbek Tekebayev tuyên bố một số thế lực thù địch với chính quyền mới đã vạch kế hoạch tiến hành cuộc đảo chính tại nước này. Trong khi đó, Phó Giám đốc thứ nhất Cơ quan An ninh quốc gia kiêm Tư lệnh quân quản tỉnh Jalal-Abad, ông Kubat Baibolov, cũng lên tiếng cảnh báo rằng những cuộc xung đột quy mô lớn theo "kịch bản Osh", có thể tái diễn tại thủ đô Bishkek. Ông Baibolov cáo buộc phe ủng hộ cựu Tổng thống Kurmanbek Bakiyev đã đứng đằng sau các vụ lộn xộn và xung đột sắc tộc trên. Nếu những chiến dịch này là có thật và được thực hiện thì đây sẽ là khó khăn rất lớn đối với chính quyền lâm thời, hơn nữa sẽ đẩy tình hình nước cộng hòa Trung Á này lún sâu thêm vào bất ổn.

Đâu là giải pháp?

Cộng hòa Kyrgyzstan là một nước nhỏ, không giàu tài nguyên, nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế. Đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, nhất là khi chính phủ trước được cho là không quan tâm đến người dân, để tham nhũng tràn lan. Cuộc biểu tình hồi tháng 4 với sự ra đời của chính phủ lâm thời một mặt tạo ra niềm hy vọng mới cho người dân về một chính quyền lo cho dân nhiều hơn, nhưng một mặt cũng gây ra sự chia rẽ xã hội sâu sắc, khi thế lực ủng hộ tổng thống bị lật đổ còn rất lớn ở miền Nam. Họ thường xuyên gây xung đột với chính quyền mới. Hồi tháng 5, hàng trăm người biểu tình chống chính phủ lâm thời đã chiếm giữ và kiểm soát trụ sở chính quyền của hai thành phố Osh và Jalal-Abad. Tại những thành phố này, nhiều cuộc biểu tình chống đối chính quyền lâm thời đã biến thành những cuộc bạo động, chống phá lực lượng an ninh... Những bất ổn này là thách thức lớn nhất đối với Chính phủ lâm thời Kyrgyzstan mới được thành lập 2 tháng trước sau cuộc bạo động lật đổ Tổng thống Bakiyev, người đang phải lưu trú tại Belarus.

Bên cạnh đó, sự can thiệp quá mức của nước ngoài cũng có thể khiến tình hình trong nước thêm rối. Điều này là khó tránh khỏi đối với Kyrgyzstan, nước duy nhất có cả căn cứ quân sự của Nga và Mỹ trên lãnh thổ. Một chi tiết đáng chú ý trong sự kiện vừa qua là bên cạnh việc chính thức kêu gọi Nga giúp đỡ về mặt quân sự để tái lập trật tự vì tình hình nằm ngoài khả năng kiểm soát, chính phủ Kyrgyzstan lại phải lên tiếng đính chính vì một thông tin không chính thức rằng nước này cũng nhờ Mỹ viện trợ quân sự để giải quyết xung đột sắc tộc. Ngoài ra, nhiều tổ chức quốc tế khác như Liên hợp quốc, OSCE, CSTO…cũng đều lên tiếng can thiệp, viện trợ nhân đạo đối với nước này. Điều này cho thấy sự phụ thuộc quá lớn của đất nước vào các nguồn lực bên ngoài nhiều khi là "lợi bất cập hại".

Bất chấp lo ngại về tình hình an ninh, ngày 21/6, phát biểu trong chuyến thị sát các khu vực gần thành phố Jalal-Abad, Tổng thống lâm thời Roza Otunbayeva cam kết sẽ xúc tiến tổ chức cuộc trưng cầu ý dân dự kiến vào ngày 27/6 về hiến pháp mới. Bà Otunbayeva khẳng định, việc tổ chức cuộc trưng cầu là cần thiết do Kyrgyzstan cần phải có khuôn khổ pháp lý mới và đây chính là "hòn đá tảng" cho các cuộc bầu cử Tổng thống và quốc hội sắp tới vào ngày 10/10 tại nước này. Bà nhấn mạnh bất ổn sẽ còn rình rập nếu tiến trình này bị trì hoãn. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, do cuộc trưng cầu dân ý đánh dấu một bước lớn hướng tới việc hợp pháp hóa chính phủ lâm thời, nên một số lực lượng chính trị bị gạt ra khỏi chính phủ muốn cản trở cuộc trưng cầu hoặc thậm chí là buộc chính phủ phải cải tổ bằng cách kích động các cuộc xung đột sắc tộc ở miền Nam. Vì những lẽ đó, số phận của cuộc trưng cầu dân ý trước mắt vẫn đang là "ngàn cân treo sợi tóc".

Hòa Bình