Nhỏ Bình thường Lớn

Làn gió mới trên chính trường Hàn Quốc

Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak ngày 8/8 đã bất ngờ chọn ứng viên trẻ tuổi Kim Tae-ho cho vị trí Thủ tướng thay thế ông Chung Un-chan vừa từ chức. Đồng thời 9 vị trí trong nội các cũng được thay thế. Đây là quyết định cải tổ nội các với quy mô lớn nhất kể từ khi nhậm chức của ông Lee Myung-bak.
Tổng thống Lee Myung-bak bắt tay ông Kim Tae-ho (phải) trong cuộc gặp giữa Tổng thống và các Tỉnh trưởng tại Nhà Xanh ở Seoul, tháng 5/2008.

“Trong sạch và trẻ trung”

Ông Kim Tae-ho sinh ra trong một gia đình nghèo tại một ngôi làng ở Koch'ang-gun, tỉnh South Gyeongsang vào năm 1962. Gia đình Kim nghèo tới mức không đủ tiền để ông vào học đại học. Tuy nhiên, ông đã nỗ lực thi đỗ và tự kiếm tiền để học tập. Kim tốt nghiệp Đại học Quốc gia Seoul (SNU) vào năm 1985, chuyên ngành nông nghiệp. Ông tiếp tục lấy bằng Thạc sĩ và Tiến sĩ chuyên ngành giáo dục tại SNU trong các năm 1987 và 1992. Sau đó, ông làm giảng viên tại SNU và nghiên cứu viên tại một trung tâm nghiên cứu thuộc đảng Đại dân tộc (GNP).

Sự nghiệp chính trị của ông Kim Tae-ho bắt đầu mở ra vào năm 2004 khi ông trúng cử Tỉnh trưởng South Gyeongsang lúc mới 42 tuổi. Trước đó, ông là thành viên hội đồng địa phương ở Koch'ang-gun, tỉnh South Gyeongsang.

Trong quá trình cầm quyền, ông được công chúng đánh giá là lãnh đạo trẻ có tư duy đổi mới và cầm quyền liêm khiết. Hãng thông tấn Yonhap đã dành cụm từ "trong sạch và trẻ trung" để nói về ông Kim. Ông tái đắc cử hồi năm 2006, qua đó nâng cao hình ảnh chính trị. Mặc dù được dự đoán sẽ thành công trong cuộc bầu cử địa phương năm nay, ông Kim đã không ra tranh cử, qua đó làm xuất hiện tin đồn có thể ông đã được GNP bố trí vào những vị trí cao hơn.

Nếu được Quốc hội thông qua, Kim sẽ trở thành Thủ tướng đầu tiên của đất nước Hàn Quốc có tuổi đời dưới 50 trong vòng 4 thập kỷ, kể từ khi Thủ tướng Kim Jong-pil được chỉ định vào năm 1971 ở tuổi 45. Cho tới nay mới có 4 Thủ tướng Hàn Quốc từng nhậm chức khi đang trong độ tuổi 40. Sự kiện cũng khiến ông Kim có cơ hội trở thành ứng viên "hạt giống" trong cuộc đua vào ghế Tổng thống Hàn Quốc vào năm 2012.

Dư luận trái chiều

Ngay sau khi ông Kim Tae-ho được bổ nhiệm làm Thủ tướng, các đảng phái đối lập đã lên tiếng phản đối với cáo buộc ông Lee chọn người thiếu công bằng và những thành viên mới được bổ nhiệm vào nội các đều thân cận với Tổng thống. Phát ngôn viên đảng Dân chủ (DP) Jeon Hyun-hee tuyên bố: "Đây là cơ cấu kém nhất trong lịch sử bởi Tổng thống chỉ chọn vào nội các những người bảo vệ mình". Các đảng đối lập cho rằng việc bổ nhiệm đã cho thấy có xu hướng "địa phương chủ nghĩa" bởi ít nhất có 4 vị trí (Thủ tướng và 3 Bộ trưởng ) đều là người của tỉnh Gyeongsang, quê hương của Tổng thống. Họ cho rằng chính quyền Lee Myung-bak đúng ra phải thay thế các Bộ trưởng phụ trách lĩnh vực an ninh và đối ngoại do đã không hoàn thành tốt nhiệm vụ. Người phát ngôn của Đảng Tự do Tiến bộ đối lập Park Sun-young còn cho rằng ông Kim Tae-ho còn quá trẻ và không hề có năng lực thực sự.

Tuy nhiên, GNP thì cho rằng cuộc cải tổ sẽ hình thành một nội các cân bằng hơn với cách bố trí nhân sự hợp lý để có thể thực hiện thành công các chính sách quan trọng. Họ nhấn mạnh "động thái này là kết quả của việc Tổng thống đã lắng nghe ý kiến của lãnh đạo đảng và điều này cũng sẽ góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa chính phủ và Ban lãnh đạo đảng".

Liên đoàn các ngành công nghiệp Hàn Quốc thì đã lên tiếng ủng hộ cuộc cải tổ: "Nội các mới được trẻ hóa sẽ thúc đẩy nền kinh tế phát triển". Trong khi đó, Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc hy vọng tân nội các sẽ góp phần tăng cường giao dịch thương mại và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động. Điều cần làm ngay là tổ chức thành công Hội nghị Thượng đỉnh G-20 và các hội nghị liên quan khác trong tháng 11 tới.

Thủ tướng là quan chức có quyền lực thứ hai ở Hàn Quốc, là phụ tá cho Tổng thống, có quyền giám sát các Bộ và đề nghị chức danh Bộ trưởng. Việc bổ nhiệm một người trẻ tuổi như ông Kim vào ghế Thủ tướng được xem là nỗ lực mới của Tổng thống Lee và GNP trong việc lấy lòng các cử tri trẻ tuổi ở Hàn Quốc. Các thành viên Chính phủ mới đều là những người ở độ tuổi 50-60, giàu kinh nghiệm và chuyên môn sâu, nhằm tạo ra cầu nối tốt hơn với thế hệ trẻ và đoàn kết các tầng lớp nhân dân và các khu vực với nhau.

Theo các nhà phân tích, điểm đáng chú ý nhất của cuộc cải tổ nội các lần này là việc chính quyền Lee Myung-bak giữ lại hai vị trí Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng cho thấy Hàn Quốc sẽ vẫn tiếp tục duy trì chính sách cứng rắn đối với CHDCND Triều Tiên trong thời gian tới.

Hòa Bình