Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ (hàng đầu, thứ tư, từ phải) đón Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Nguyễn Duy Trinh (giữa) đến Paris ngày 25/01/1973 để ký chính thức Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. |
Hình ảnh lắng đọng nhất trong tôi về đồng chí Lê Đức Thọ là mái đầu bạc trắng khi đồng chí tuyên cáo với thế giới về thắng lợi của Việt Nam sau ký kết Hiệp định Paris năm 1973. Những trọng trách mà đồng chí đảm nhận, những tháng ngày trăn trở trên chiến trường cũng như trên bàn đàm phán đã để lại dấu ấn trên mái tóc bạc phơ ấy khiến tôi liên tưởng tới các vị tiền nhân suốt cả cuộc đời tận tụy phấn đấu và hy sinh, dành trọn trí lực và tâm hồn cho dân tộc và đất nước.
Tôi tham gia công tác ngoại giao từ năm 1954-2006. Điều vinh dự lớn đối với tôi là ngành Ngoại giao được làm việc dưới sự chỉ đạo, dẫn dắt của những “ngôi sao” ngoại giao Việt Nam như: Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ, Nguyễn Duy Trinh và sau này là đồng chí Nguyễn Cơ Thạch. Với đồng chí Lê Đức Thọ, điều tôi ấn tượng nhất là sự lãnh đạo của đồng chí trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hội nghị Paris và giải quyết vấn đề Campuchia.
Hội nghị Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được tiến hành từ tháng 05/1968-01/1973. Cuộc đấu trí gần năm năm này là cuộc thương lượng kéo dài nhất thế giới để chấm dứt một cuộc chiến tranh. Ở đây có các cuộc thương lượng công khai và bí mật. Thương lượng công khai để đấu lý và tranh thủ dư luận. Thương lượng bí mật để mặc cả, đây mới là thực chất. Phía Mỹ cử Henri Kissinger, một học giả kỳ cựu và là một trong những khối óc (think-tank) lớn nhất của nước Mỹ thời bấy giờ, dẫn đầu đoàn Mỹ đàm phán bí mật. Phía ta, Bác Hồ đích thân lựa chọn đồng chí Lê Đức Thọ dẫn đầu đoàn đàm phán.
Trong suốt gần năm năm đàm phán ở Paris, Lê Đức Thọ được ví như vị tướng ở ngoài biên. Ông thực hiện rất nghiêm túc đường lối chiến lược trong đàm phán mà Bác Hồ đã trực tiếp căn dặn và những chủ trương của Bộ Chính trị đề ra. Nhưng phần đóng góp của cá nhân ông thật là to lớn. Ông đã có sự vận dụng sáng tạo, luôn luôn giành thế chủ động tấn công, buộc đối phương phải đi vào đàm phán theo cách của mình. Đã có lúc Kissinger phải thốt lên: “Tôi có thể làm tốt hơn nếu như đối diện trên bàn đàm phán không phải là ông Lê Đức Thọ”, “đàm phán với ông Thọ quả là cân não!”.
Sau khi Hiệp định Paris được ký kết ngày 27/01/1973, cả thế giới ca ngợi tài trí ngoại giao của ông Lê Đức Thọ. Hình ảnh của ông, danh tiếng của ông tràn ngập trên các trang báo lớn của Mỹ, phương Tây và các nước khác. Vì vậy, ngay năm 1973, Ủy ban Giải thưởng Nobel đã quyết định trao Giải Nobel Hòa bình, một trong những giải thưởng danh giá nhất thế giới cho ông. Với bản lĩnh và sự nhạy cảm của mình, ông từ chối nhận giải vì lúc đó Việt Nam chưa thực sự có hòa bình, nhưng thật ra trong thời điểm đó khó có thể nhận Giải Nobel Hòa bình cùng đứng liên danh Lê Đức Thọ - Kissinger vì cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ quá khủng khiếp, tang tóc, đau thương còn hiển hiện khắp nơi trên đất nước…
Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ và Cố vấn an ninh Henry Kissinger, ngày 24/01/1973. |
Nhiều lúc tôi tự hỏi một người như ông Thọ, không qua một trường lớp ngoại giao nào, có thể nói ngoại giao là nghề tay trái của ông vì sở trường của ông là chính trị, quân sự và tổ chức, nhưng tại sao trong ngoại giao, ông lại thể hiện tài ba đến như vậy, đến kẻ thù cũng phải kính nể ông. Có lẽ trong con người ông đã hội tụ những tố chất:
Thứ nhất, đó là nhiệt huyết của một người cách mạng luôn phấn đấu cho độc lập, tự do, thống nhất của Tổ quốc. Ở tuổi 20, ông đã tham gia cách mạng, hai lần bị giam cầm trong nhà tù của thực dân Pháp, vào sinh ra tử trong các địa bàn nguy hiểm nhất của cuộc đấu tranh đã hun đúc trong ông ý chí và quyết tâm chiến đấu cho lý tưởng cách mạng dưới ngọn cờ của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Thứ hai, đó là sự thông minh bẩm sinh kế thừa truyền thống gia đình và quê hương. Nhưng không có sự thông minh nào mà không có rèn luyện, tìm tòi, học hỏi, tích lũy và sáng tạo và ông đã tích lũy được kiến thức trong cuộc chiến tranh, trong cuộc sống, trong nhân dân và nhất là sự tiếp cận với trí tuệ của lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc Việt Nam, của nhân loại và biến nó thành nguồn trí tuệ của ông.
Thứ ba, đó là một phương pháp khoa học hết sức logic, hệ thống. Có lẽ ông nắm vững ngũ tri (biết mình, biết người, biết thời thế, biết dừng và biết biến hóa). Ông là nhà lãnh đạo dày dạn kinh nghiệm nên ông biết mình lắm, biết rõ chỗ mạnh, chỗ yếu của Việt Nam ở chiến trường và những nơi khác. Biết người, ông tinh tường lắm, biết Mỹ đang bế tắc tìm lối ra khỏi vũng lầy chiến tranh, nhưng lại muốn ra đi trong thế mạnh và bảo toàn cho đồng minh của mình. Ông nắm vững thời thế lúc đó, khi phong trào chống chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam lan rộng ra toàn thế giới và trong lòng nước Mỹ, buộc chính quyền Mỹ phải sớm kết thúc đàm phán với Việt Nam. Đàm phán có lúc rất căng, ông phê phán Mỹ hết sức gay gắt, nhưng ông biết dừng đúng chỗ, đúng lúc. Khi đàm phán đi vào bế tắc, ngõ cụt, nhất là việc Mỹ đòi quân đội miền Bắc rút khỏi miền Nam như quân đội Mỹ. Đó là điều không thể được. Tuy nhiên, ông biết biến hóa phá vỡ bế tắc. Ông đưa ra sáng kiến vấn đề lực lượng vũ trang ở miền Nam Việt Nam do các bên Việt Nam giải quyết với nhau. Cuối cùng, Mỹ không có sự lựa chọn nào khác đành phải chấp nhận phương án đó.
Thứ tư, đó là dũng khí của một chiến sĩ cách mạng kiên cường, của một nhà thương lượng ngoại giao đầy bản lĩnh. Trong suốt quá trình thương lượng, phía Mỹ không ít lần đưa ra những lời đe dọa. Ông Thọ đã không ngần ngại đáp lại: “Chúng tôi đã đánh nhau với các ông 10 năm và cũng đã đàm phán năm năm rồi. Nay các ông có sẵn sàng mới đi đến giải quyết, không thể dùng đe dọa với chúng tôi được đâu”. Và đúng như vậy, dưới mái đầu bạc trắng như mây, vẫn toát lên những lời nói đanh thép, nhiều lần Kissinger phải cúi mặt xuống nghe ông Thọ nói với những từ ngữ khá nặng nề như lừa dối, tráo trở, lật lọng... Thật là dũng cảm! Không có dũng khí không làm được. Khi nghỉ giải lao, Kissinger hỏi ông Thọ: “Ông có bao giờ phê phán cán bộ mình như phê phán tôi không?”. Ông Thọ nói: “Tôi chỉ nói lên tiếng nói của nhân dân tôi thôi. Cán bộ của tôi có quay quắt, lật lọng, tráo trở đâu mà tôi phê phán họ”.
Chân dung đồng chí Lê Đức Thọ. |
Ông Lê Đức Thọ, tức Phan Đình Khải, sinh ngày 10/10/1911 tại xã Nam Vân, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định, trong một gia đình nhà Nho. Trong quá trình công tác, ông từng đảm trách các chức vụ quan trọng: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TƯ Đảng, Trưởng Ban Thống nhất Trung ương, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Giám đốc Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc Trung ương, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Bí thư Trung ương Cục miền Nam… |
Ngũ tri và “dĩ bất biến, ứng vạn biến” là điều mà Bác Hồ luôn căn dặn các nhà ngoại giao Việt Nam. Ở ông Lê Đức Thọ, những điều đó hình như đã nhập tâm, đã nhuần nhuyễn. Cái bất biến trong thương lượng của ông với Kissinger là “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” nhưng muốn bảo vệ được cái bất biến đó thì cần phải biết cách vạn biến và trí tuệ của ông được thể hiện chính là ở đây và điều này cũng toát lên tài trí và sự khôn khéo của nhà ngoại giao tài ba Lê Đức Thọ.
Những năm sau này, tôi mới được làm việc trực tiếp với ông Thọ. Hơn 10 năm sau Hội nghị Paris mà ông vẫn sôi nổi, quyết liệt, quyết đoán và quyết tâm như hồi nào. Có một vài lần ông đã cho những ý kiến nhận xét, phê phán gay gắt vào những đề án đấu tranh ngoại giao của chúng tôi khi trình lên. Nhiều lúc tôi ngồi nghe mà toát mồ hôi, nhưng về bình tĩnh suy ngẫm kỹ mới thấy nhiều điều được soi sáng. Đầu năm 1990, thật là một tổn thất to lớn khi ông ốm nặng, chúng tôi không xin được ý kiến chỉ đạo của ông về công tác ngoại giao, nhất là những vấn đề liên quan đến Campuchia đang đi vào giai đoạn cuối của giải pháp.
Lê Đức Thọ là con người đấu tranh không khoan nhượng để bảo vệ cái đúng, chống cái sai. Chính cái không khoan nhượng đó đã đưa đến sự nhận thức khác nhau về con người ông. Khi làm thơ, thi sĩ phải thật lòng. Không thật thì làm sao có cảm xúc để có những vần thơ hay. Hãy đọc những vần thơ của Lê Đức Thọ. Trong thơ, ông giãi bày tình cảm của ông đối với đất nước, quê hương, với đồng bào, đồng chí, với cán bộ, với chiến sĩ... Tình thương của ông là bao la, là chân thật từ trái tim ông, như con gái ông - chị Lê Trung Nguyệt - đã viết về người cha của mình:
“Để cha yên nghỉ - linh hồn Người
Chỉ nước trắng và hoa”.
Từ lăng kính ngoại giao, chúng tôi chỉ muốn sự trung thực đến với ông, một con người đã hiến dâng trọn cuộc đời cho cách mạng và dân tộc… Nhân kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh của ông, tôi xin được thắp nén nhang với một chén nước trắng tinh khiết từ lòng đất của quê hương Nam Định trên bàn thờ ông để tỏ tấm lòng tôn kính và tri ân ông.
(*Bài viết nhân dịp kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh của đồng chí Lê Đức Thọ (10/10/1911-10/10/2011)
Cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Henry Kissinger đã chia sẻ trong hồi ký rằng: “Tôi đã có thể làm tốt hơn nếu như người đối diện bên bàn đàm phán Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam không phải là ông Lê Đức Thọ”; “Ông lúc nào cũng tỏ ra rất bình tĩnh, thái độ bao giờ cũng không có điều gì chê trách được. Ông hoàn toàn biết ông muốn gì và phục vụ lý tưởng của ông một cách tận tụy và khéo léo”. |
“Lê Đức Thọ là người rất kiên trì, thận trọng khi đưa ra các ý kiến, rất khéo léo, mềm mỏng trong khi phát biểu trên bàn hội nghị. Tuy nhiên khi cần thiết, ông cũng rất cứng rắn, phản ứng quyết liệt, không bao giờ chịu nhường bước đối phương trước những yêu cầu có tính nguyên tắc của Đảng, Nhà nước ta. Đã có lần, khi H. Kissinger ngoan cố đòi thảo luận lại các nguyên tắc đã được hai bên thỏa thuận về chính trị nội bộ miền Nam, Lê Đức Thọ đã trả lời không thể rắn hơn: “Các ông có muốn đàm phán nữa không? Nếu ông Cố vấn muốn thôi thì chúng tôi cũng thôi, mà muốn bàn nữa thì chúng tôi bàn, mà bàn thì phải có đi có lại”. Khi H. Kissinger hỏi lại có phải “Ông Cố vấn đưa ra một tối hậu thư?”, Lê Đức Thọ đập bàn, dằn giọng: “Về chương IV thì đúng như thế. Mấy chữ chúng tôi nói không thể nào thay đổi: ba thành phần, hội đồng các cấp, tên hội đồng. Ba điều đó chúng tôi không nhân nhượng!”. (GS.TS. Tạ Ngọc Tấn) |