📞

Libya - “lò lửa” mới tại Trung Đông?

Minh Vương 10:15 | 31/12/2019
TGVN. Việc Thổ Nhĩ Kỳ điều động lực lượng tới tham chiến tại Libya có thể biến xung đột giữa Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya (GNA) và Quân đội Quốc gia Libya (LNA) thành chiến tranh ủy nhiệm mới tại Trung Đông. Bình luận của báo Thế giới & Việt Nam.
Thổ Nhĩ Kỳ đang xem xét điều quân tới Libya. (Nguồn: AFP)

Ngày 26/12, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho biết sẽ gửi quân tới Libya theo đề nghị của quốc gia Bắc Phi này và sẽ trình dự luật triển khai lên Quốc hội vào tháng 1/2020. Trước đó một ngày, ông cũng tới Tunisia để thảo luận về hợp tác thiết lập lệnh ngừng bắn ở Libya. Họp báo chung với người đồng cấp Kais Saied, ông Erdogan nhấn mạnh Thổ Nhĩ Kỳ và Tunisia nhất trí ủng hộ GNA được Liên hợp quốc công nhận của Thủ tướng Fayez al-Serraj.

Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ và Chính phủ Libya đã ký kết thỏa thuận hợp tác an ninh và quân sự, cho phép Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ trang thiết bị và huấn luyện quân sự cho GNA, hiện đang kiểm soát Tripoli. Ông Erdogan cũng nhiều lần khẳng định sẵn sàng tăng cường hỗ trợ quân sự cho Libya, đồng thời cử các lực lượng hải quân, không quân và bộ binh tới Tripoli nếu nhận được lời đề nghị tương ứng.

Miền đất hứa của Thổ Nhĩ Kỳ…

Can thiệp của Thổ Nhĩ Kỳ vào Libya có thể được lý giải bằng hai yếu tố sau. Thứ nhất, LNA đang triển khai các chiến dịch tấn công quyết liệt vào GNA. Ngày 28/12, người phát ngôn LNA Ahmed al-Mismari cho biết lực lượng này đang chuẩn bị thực hiện các vụ tấn công vào các địa điểm xung quanh Tripoli để tiến sâu hơn vào Thủ đô. Theo ông al-Mismari, LNA đã kiểm soát được khu vực chiến lược trên cung đường dẫn đến sân bay Tripoli và chỉ cách trung tâm thủ đô dưới 4 km; lực lượng tinh nhuệ đang chuẩn bị tiến vào các khu dân cư chính ở Tripoli.

GNA là Chính phủ được Liên hợp quốc cùng Thổ Nhĩ Kỳ bảo trợ. Trong khi đó, LNA được hai nước lớn trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Nga, Pháp, cùng Ai Cập, Saudi Arabia và một số nước khác trong khu vực hậu thuẫn. Thiếu vắng sự trợ giúp về mặt quân sự một cách nhanh, mạnh mẽ và thiết thực, quyền kiểm soát Tripoli sẽ sớm tuột khỏi tầm tay của GNA. Do đó, việc Ankara khẩn trương điều động lực lượng tới Tripoli nhằm đẩy lùi bước tiến của LNA là có thể hiểu được.

Thứ hai, thông qua hoạt động quân sự, Thổ Nhĩ Kỳ muốn mở rộng ảnh hưởng tại Libya. Nhiều động thái gần đây của Ankara như chiến dịch “Khởi nguồn Hòa bình” tại Syria, mở rộng quan hệ với Nga, bày tỏ mong muốn sở hữu vũ khí hạt nhân cho thấy nước này quyết trở thành cường quốc Trung Đông nói riêng và thế giới nói chung. Khi câu chuyện về lợi ích lâu dài tại Syria về cơ bản đã được thu xếp ổn thỏa thông qua thỏa thuận với Nga, Thổ Nhĩ Kỳ mong muốn tìm kiếm lợi ích khác trong khu vực và Tripoli nổi lên như một điểm nóng lý tưởng mà Ankara có thể can dự.

GNA sụp đổ đồng nghĩa với việc Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không thể áp đặt cục diện mà nước này mong muốn tại Libya, đó là: tạo dựng cục diện chính trị, quân sự và an ninh có lợi nhất cho Thổ Nhĩ Kỳ ở Libya, triển khai lực lượng tại đây, kết nối với các căn cứ quân sự miền Bắc Syria, Iraq và Qatar; gây dựng vai trò, ảnh hưởng về chính trị, quân sự nổi trội tại khu vực, sánh vai Mỹ và các nước lớn trong Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU).

Và số phận của Libya

Với sự tham dự của Thổ Nhĩ Kỳ, thậm chí là phiến quân Syria, vào chiến trường Libya, số phận của quốc gia này sẽ đi về đâu? Sau khi Thủ tướng Fayez Al-Sarraj ký hai Biên bản ghi nhớ với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tại Istanbul về hợp tác trong lĩnh vực an ninh và hàng hải, đã có sự dao động nhất định trong các quốc gia hậu thuẫn cho GNA. Ngày 2/12, Saudi Arabia lên kế hoạch rút sự công nhận và hậu thuẫn với GNA và thay vào đó là chính thể do Hạ viện Libya chủ trì và người phát ngôn Aguila Saleh đứng đầu.

Trong một động thái hiếm hoi, cả Mỹ, Nga và Ai Cập đều lên tiếng phản đối bất kỳ hoạt động “can thiệp từ bên ngoài” vào tình hình Syria. Người phát ngôn Tổng thống Nga Dmitry Peskov khẳng định: “Chúng tôi tin rằng sự can thiệp của bên thứ ba vào tình hình hiện nay sẽ không mang lại kết quả, song bất kỳ nỗ lực nào của bên thứ ba nhằm giải quyết tình hình và giúp các bên trong xung đột tìm kiếm giải pháp luôn được chào đón”. Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Ai Cập Fattah al-Sisi, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng nhất trí phản đối sự can thiệp của các nước thứ ba.

Có thể thấy “nước thứ ba” hay “nước ngoài” ở đây được đề cập không ai khác là Thổ Nhĩ Kỳ. Một khi Ankara đã phá vỡ quy tắc vô hình về không “can thiệp từ bên ngoài”, Moscow hay Cairo sẽ không đứng ngoài nhìn thế trận diễn biến theo chiều hướng bất lợi cho LNA và có thể tăng cường viện trợ, hậu thuẫn, thậm chí trực tiếp gửi lực lượng tham chiến tại đây nhằm đảm bảo một cục diện có lợi cho các quốc gia này trong khu vực. GNA cũng đã thúc giục Mỹ “chọn phe”, song Washington đang ngần ngừ khi không muốn sa vào vũng lầy Libya thêm lần nữa. Một thập kỷ đang khép lại, nhưng bóng ma chiến tranh xung đột và bất ổn tại quốc gia Trung Đông này thì chưa.