📞

Màn trình diễn tại Paris

21:50 | 12/11/2018
Việc Thủ tướng Đức Angela Merkel rút khỏi chính trường châu Âu chỉ là sớm muộn, và vị chính khách đang được kỳ vọng sẽ lấp chỗ trống của bà tại Liên minh châu Âu (EU) là Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Thấy gì qua "màn trình diễn của nước Pháp" - theo cách gọi mà giới truyền thông quốc tế gán cho các sự kiện kỷ niệm 100 năm kết thúc CTTG 1 - vừa diễn ra tại Paris.

Loạt sự kiện diễn ra trong những ngày cuối tuần vừa qua tại Paris, thủ đô nước Pháp, nhân kỷ niệm 100 năm ngày kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất được đánh giá là hoạt động ngoại giao quan trọng nhất của nước Pháp trong năm 2018. Gần 70 người đứng đầu nhà nước và chính phủ từ khắp các châu lục đã nhận lời mời của Tổng thống Emmanuel Macron đến tham dự. 

Với quy mô, tầm vóc và đặc biệt là ý nghĩa quan trọng của sự kiện "Ngày Đình chiến" này đối với châu Âu và thế giới, áp lực với nước Pháp nói chung và với ông Macron, Tổng thống nước chủ nhà nói riêng, là không nhỏ. Nhất là trong bối cảnh cả về "nội trị" lẫn "ngoại giao", vị Tổng thống "trẻ tuổi nhất của nền cộng hoà thứ 5" của nước Pháp đang gặp nhiều khó khăn. 

Ở trong nước, ông Macron đang chịu nhiều chỉ trích sau khi ông đề xuất tăng thuế xăng dầu, nhằm thể hiện quyết tâm của Paris trong việc giảm khí thải nhà kính. Tuy nhiên, quyết định áp thuế đối với dầu diesel, nhiên liệu được sử dụng rộng rãi tại Pháp, trong bối cảnh giá dầu đã tăng từ mức dưới 50 USD/thùng (tháng 12/2017) lên 85 USD/thùng (tháng 10/2018), thổi bùng làn sóng phản đối mạnh mẽ.

Dân Pháp tổ chức biểu tình tại Paris và nhiều thành phố lớn trên toàn nước Pháp. Đáng lo ngại hơn, một số dự đoán rằng cuộc tuần hành lần này có khả năng bùng phát trên toàn quốc và khiến chính quyền của nhà lãnh đạo trẻ này lao đao.

Theo thăm dò mới nhất, tỷ lệ ủng hộ ông Macron đã giảm xuống 21%, mức thấp nhất kể từ khi ông trở thành Tổng thống.

Trong bối cảnh “trị quốc” đang gặp khó, Tổng thống Emmanuel Macron dường như mong muốn tận dụng dịp lãnh đạo thế giới tề tựu tại Paris kỷ niệm 100 năm kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ Nhất để nói lên tiếng nói của Pháp và để được mọi người lắng nghe. 

Trong một diễn biến khác vào cuối tuần trước, thay vì đóng vai trò trung gian tổ chức thượng đỉnh Nga - Mỹ, qua đó nâng cao vị thế quốc gia, chính Pháp lại để cho các nước hiểu là mình đã ngăn cản không cho thượng đỉnh Nga - Mỹ diễn ra tại Paris như kế hoạch, với lo ngại rằng cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo hai cường quốc này sẽ làm lu mờ đi ánh hào quang của mình trong lễ kỷ niệm trọng đại ngày 11/11. 

Hôm đó, dưới chân tượng đài Arc de Triomphe, Tổng thống Macron đã có bài phát biểu hùng hồn, kêu gọi chống lại sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc và cho nó là “sự phản bội của lòng yêu nước”, đồng thời cảnh báo về “sự trở lại của những con ác quỷ từ quá khứ, nhằm reo rắc hỗn loạn và cái chết”. Không khó để nhận ra hàm ý trong từng câu chữ được Tổng thống Pháp sử dụng là nhắm vào ai và những nước nào. 

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu trước nguyên thủ hơn 60 quốc gia tại Paris ngày 11/11. (Nguồn: The Independent)

Bài phát biểu của ông Macron nhằm cổ vũ các giá trị đa phương và phản đối chủ nghĩa dân tộc, đưa ra thông điệp kêu gọi tình đoàn kết (trước hết của các nước châu Âu) nhằm đối phó với làn sóng dân tộc chủ nghĩa, dân tuý và chủ nghĩa biệt lập. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, các tuyên bố trên chỉ có tiếng vang một khi sát cánh cùng ông vẫn là Thủ tướng Đức Angela Merkel, người được cho là kiên định bảo vệ các giá trị phương Tây. Song, thời gian tại vị của chính trị gia lão làng này không còn nhiều. Kinh nghiệm nhất thể hoá tại Liên minh châu Âu chỉ ra rằng, không có kế hoạch hay đề án nào của Pháp, dù khiêm tốn hay tham vọng, có thể thành công mà thiếu sự hậu thuẫn của nước Đức. 

Có lẽ chính từ thực tế đó, một bình luận gia chính trị đã ví "màn trình diễn Paris" tuần qua như chú "Gà trống Gaullois" vừa cất lên tiếng gáy, nhưng không phải trong một sớm bình minh báo hiệu ngày mới mà lại vào buối chiều tà của lục địa châu Âu già cỗi.