📞

Mặt trận ngoại giao - từ Hiệp định Paris đến ngày đại thắng năm 1975

16:25 | 28/04/2020
TGVN. Trong bối cảnh cả nước đang hướng tới kỷ niệm 45 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2020), ngày 28/4, tại Nhà làm việc số 2 Lê Quang Đạo, Bộ Ngoại giao tổ chức Tọa đàm khoa học “Từ Hiệp định Paris về Việt Nam đến đại thắng mùa xuân năm 1975: Vai trò của mặt trận ngoại giao góp phần vào thắng lợi lịch sử 30/4”.
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chủ trì Tọa đàm khoa học ngày 28/4. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Tọa đàm do Thứ trưởng Thường trực Bùi Thanh Sơn chủ trì, với sự tham dự của nhiều đồng chí nguyên Lãnh đạo tham gia trực tiếp vào quá trình đấu tranh ngoại giao để đi đến Hiệp định Paris, các nhân chứng lịch sử, các chuyên gia nghiên cứu, nhà khoa học, đại diện các đơn vị trong Bộ Ngoại giao, học viên cao học và sinh viên Học viện Ngoại giao.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam đánh dấu thắng lợi lịch sử của nhân dân Việt Nam sau hơn 19 năm đấu tranh trên các mặt trận chính trị, quân sự, ngoại giao chống Mỹ xâm lược ở hai miền Nam Bắc; là sự kết thúc thắng lợi của cuộc đấu tranh ngoại giao tại Hội nghị Paris kéo dài 4 năm, 8 tháng và 14 ngày.

Trải qua 202 phiên họp công khai và 45 cuộc gặp riêng giữa Việt Nam và Mỹ, Hội nghị Paris là một cuộc đấu trí, đấu bản lĩnh quyết liệt giữa nền ngoại giao cách mạng non trẻ với nền ngoại giao lão luyện của siêu cường hàng đầu thế giới.

Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu khai mạc Tọa đàm khoa học. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Tọa đàm tập trung thảo luận về quá trình đấu tranh thực thi Hiệp định Paris bắt đầu ngay từ khi hiệp định có hiệu lực ngày 28/1/1973 kéo dài cho đến ngày Đại thắng 30/4/1975. Tại tọa đàm, các nhân chứng lịch sử và các nhà nghiên cứu đã chia sẻ nhiều ký ức và thông tin, đặc biệt là liên quan đến giai đoạn thực thi Hiệp định Paris, góp phần bổ sung và làm phong phú thêm tư liệu lịch sử truyền thống của ngành ngoại giao.

Phát biểu dẫn đề, GS.TS Nguyễn Vũ Tùng, Giám đốc Học viện Ngoại giao đã đề cập 4 nội dung cụ thể được thảo luận tại Tọa đàm: Bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế của giai đoạn 1973 – 1975; Chiến lược kháng chiến trong tình hình mới; Triển khai mặt trận ngoại giao; và Các bài học kinh nghiệm trong giai đoạn này.

GS. TS Nguyễn Vũ Tùng tin tưởng rằng những bài học từ giai đoạn này sẽ đóng góp đáng kể vào quá trình Bộ Ngoại giao tổng kết công tác đối ngoại và xây dựng ngành.

Phát biểu tại Tọa đàm, GS.TS Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn đã trình bày về bối cảnh quốc tế đầy khó khăn tại thời điểm hậu Hiệp định Paris: Bất cân xứng về lực lượng giữa Việt Nam và bên kia chiến tuyến; cuộc đối đầu giữa phe Tư bản và Xã hội chủ nghĩa trong trật tự hai cực; mâu thuẫn giữa các đồng minh; thách thức ngoại giao từ nước lớn. Hoàn cảnh quốc tế khó khăn càng làm nổi bật hơn chính sách ngoại giao tỉnh táo, độc lập song mềm dẻo của Đảng và Nhà nước, ý chí quyết liệt cùng sự hy sinh của nhiều thế hệ cha anh để đi đến ngày Đại thắng 30/4/1975.

Hiệu trưởng trưởng Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Quang Minh đã chia sẻ về bối cảnh quốc tế hậu Hiệp định Paris giai đoạn 1973 - 1975. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Về nghệ thuật ngoại giao Việt Nam trong đàm phán Hiệp định Paris và ngoại giao giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, GS.TS Vũ Dương Huân, nguyên Giám đốc Học viện Ngoại giao, nguyên Trưởng ban Nghiên cứu lịch sử ngoại giao (Bộ Ngoại giao) cho rằng có 6 điểm mấu chốt: Kết hợp đánh và đàm; Biết giành thắng lợi từng bước, tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn; Phối hợp các binh chủng của ngoại giao, các hình thức ngoại giao; Áp dụng nghệ thuật đàm phán: chờ đợi thời cơ, xây dựng lập luận thuyết phục, có chiến lược sách lược rõ ràng, nhân nhượng có nguyên tắc và xác định điểm dừng; Ứng xử khéo léo với Liên Xô và Trung Quốc và Xây dựng, phát huy vai trò cơ quan nghiên cứu chiến lược.

Từng đảm nhiệm vai trò cố vấn cho Trưởng đoàn đại diện Chính phủ Cách mạng Lâm thời miềm Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình trong giai đoạn đàm phán Hiệp định Paris, nguyên Tổng Biên tập báo Nhân dân và Tạp chí Cộng sản Hà Đăng đã kể về những ký ức đấu lý, đấu trí đầy căng thẳng tại Paris vì một mục tiêu duy nhất, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên đã nhấn mạnh về dấu ấn Hồ Chí Minh trong đàm phán lịch sử, cho rằng chiến thắng của ngành Ngoại giao nói riêng và Chính phủ Việt Nam nói chung là sự tổng hòa của nhiều yếu tố đáng chú ý trong quá trình đàm phán như nắm vững và vận dụng tư tưởng Ngoại giao Hồ Chí Minh; chọn thời điểm đàm phán phù hợp, hiểu rõ nhân tố con người lịch sử và văn hóa, qua đó đưa đến thắng lợi trong tầm tay.

Nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên nhấn mạnh về dấu ấn ngoại giao Hồ Chí Minh trong công tác đàm phán và triển khai Hiệp định Paris. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Phát biểu tại Tọa đàm, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cho rằng còn nhiều mảng tối trong công tác nghiên cứu về giai đoạn 1973–1975 cần làm sáng tỏ với cách tiếp cận đa chiều, để bức tranh về giai đoạn hậu Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình năm 1973 tới ngày đại thắng 30/4/1975 hoàn chỉnh hơn nữa.

Nguyên Phó Thủ tướng cũng chia sẻ nhiều câu chuyện, dẫn chứng cụ thể về quan hệ nước lớn vô cùng phức tạp thời điểm đó, tác động tới cục diện và cách Việt Nam khéo léo thích ứng, tận dụng để đi tới thắng lợi cuối cùng.

Thượng tướng Võ Văn Tuấn, nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam đã chia sẻ một số ký ức về giai đoạn đầy căng thẳng, nhưng cũng đầy tự hào mà cha ông là nhà ngoại giao kỳ cựu Võ Văn Sung, từng trải qua.

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan phát biểu tại Tọa đàm khoa học. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Đề cập về vai trò của ngoại giao quân sự trong Đại thắng mùa Xuân năm 1975, nguyên Sỹ quan phiên dịch Đoàn đại biểu quân sự Ban liên hiệp bốn bên Phan Đức Thắng cho rằng công tác thi hành Hiệp định Paris là một cuộc đấu tranh gay go, quyết liệt không kém gì quá trình thương lượng, với 3 nhiệm vụ chính: đấu tranh góp phần buộc quân Mỹ và các nước chư hầu rút khỏi miền Nam Việt Nam; đấu tranh góp phần buộc đối phương thực hiện nghiêm chỉnh việc trao trả tủ quân sự và tù dân sự của các bên bị bắt trong chiến tranh và đấu tranh góp phần buộc đối phương chấm dứt chiến sự, nghiêm chỉnh thực hiện ngừng bắn, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Từ những tham luận nêu trên về giai đoạn thi hành Hiệp định Paris giai đoạn 1973–1975, Đại sứ Nguyễn Tất Thành, Vụ trưởng Vụ Đông Nam Á – Nam Á – Nam Thái Bình Dương (Bộ Ngoại giao), cho rằng ngành Ngoại giao có thể rút ra những bài học kinh nghiệm và giá trị vận dụng trong công tác đối ngoại hiện nay như xác định, bảo vệ lợi ích cốt lõi, duy trì chính sách đối ngoại độc lập tự chủ; nắm bắt thời cơ song cũng cần trân trọng lợi ích cốt lõi phù hợp với luật pháp quốc tế của các đối tác.

Khép lại Tọa đàm, Thứ trưởng Thường trực Bùi Thanh Sơn cảm ơn sự tham dự của các khách mời, cho rằng đây là cơ hội quý báu để lắng nghe ý kiến của những nhà nghiên cứu, người trong cuộc về thời kỳ lịch sử của đất nước; khẳng định Hiệp định Paris cùng quá trình đàm phán là đỉnh cao của đấu tranh ngoại giao, của ngành Ngoại giao Việt Nam hiện đại, vận dụng nhuần nhuyễn tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh trong đàm phán và triển khai Hiệp định để đi đến thắng lợi cuối cùng.

Thứ trưởng Thường trực Bùi Thanh Sơn đặc biệt lưu tâm và tiếp thu ý tưởng nghiên cứu về góc nhìn bên kia chiến tuyến theo phương châm “biết người biết ta”, đề cao ý nghĩa của cuộc tọa đàm nhân kỷ niệm 75 năm thành lập ngành Ngoại giao, đặc biệt là những bài học kinh nghiệm quý báu cho công tác Ngoại giao thời gian tới.