Cựu sĩ quan tình báo Mỹ Archimedes Patti tặng Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch cuốn sách "Why Viet Nam? Prelude to America's Albatross". Ông Hà Huy Thông (giữa) ghi biên bản vào ngày 9/9/1982. (Ảnh: NVCC) |
Từng được tham dự cùng Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch trong một số hoạt động đối ngoại, hẳn Đại sứ còn nhớ kỷ niệm đầu tiên gắn với cố Bộ trưởng?
Đó là lần tôi được cử đi dự để ghi biên bản cuộc Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch tiếp ông Archimedes Patti tại Nhà khách Chính phủ ở 12 phố Ngô Quyền vào ngày 9/9/1982.
Ông Patti nguyên là Trưởng Cơ quan phục vụ chiến lược OSS (Office of Strategic Services) - tiền thân của Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA), phụ trách theo dõi tình hình Đông Dương giai đoạn 1943-1944 và đã có nhiều dịp gặp Bác Hồ ở Côn Minh (Trung Quốc).
Cuối tháng 8/1945, ông Patti đến Hà Nội gặp Bác Hồ và được nghe Hồ Chủ tịch đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tại Quảng trường Ba Đình ngày mồng 2/9/1945. Cũng trong tháng 9/1945, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch được chuyển về công tác tại Bộ Quốc phòng, làm Thư ký, giúp việc cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Năm 1982 là lần đầu tiên ông Patti trở lại Việt Nam kể từ năm 1945, là khách của Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam (nay là Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) và được thu xếp làm việc với các bộ, ngành của Việt Nam liên quan đến nghiên cứu lịch sử Việt Nam, Bác Hồ và quan hệ Việt - Mỹ giai đoạn những năm 1940.
Nhân dịp trở lại Việt Nam lần này, ông Patti đã tặng Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch một món quà đặc biệt là cuốn sách Tại sao Việt Nam: Khúc dạo đầu chim Hải Âu của nước Mỹ (Why Viet Nam?: Prelude to America's Albatross) do chính ông viết vào năm 1980.
Thời điểm đó, ông còn rất trẻ. Là một "tân binh" được tham dự cuộc gặp giữa những con người tầm cỡ như vậy, điều gì ấn tượng nhất với ông?
Là cán bộ mới vào công tác tại Bộ Ngoại giao, tôi cảm thấy nhỏ bé và may mắn được nghe Bộ trưởng và một cựu tình báo Mỹ, đều là nhân chứng lịch sử và đã từng được trực tiếp làm việc với Bác Hồ, trao đổi với nhau về những câu chuyện quanh bước ngoặt lịch sử tháng 8-9/1945 của Việt Nam và quan hệ Việt - Mỹ.
Điều ấn tượng nhất với tôi là 37 năm sau ngày lập quốc, cả Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch và ông Patti đã trao đổi về những tư tưởng văn minh bất tử của nhân loại là “Độc lập", "Tự do", "Dân chủ", "Bình đẳng" và "Hạnh phúc” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà mới ra đời và người dân Việt Nam được hưởng, và đều mong Mỹ và Việt Nam sớm bình thường hoá quan hệ như Hồ Chủ tịch đã đề nghị với Mỹ từ năm 1944-1945.
Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch gặp Ngoại trưởng Mỹ James Baker tại New York, ngày 29/9/1990. (Ảnh tư liệu) |
Như vậy là ông rất "có duyên" với quan hệ Việt - Mỹ, tham gia rất sớm trong các cuộc đàm phán về quan hệ Việt - Mỹ từ thời Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch...
Bình thường hoá quan hệ Việt-Mỹ là một quá trình dài, có nhiều người tham gia. Từ năm 1977, Việt Nam và Mỹ đã có những cuộc đàm phán để bình thường hóa.
Cuối năm 1978, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch và Vụ trưởng Bắc Mỹ (Bộ Ngoại giao) Trần Quang Cơ sang New York để tiếp tục thúc đây cơ hội bình thường hoá quan hệ Việt - Mỹ, mà giới học giả, báo chí, đối tác.... coi là một trong những “cơ hội” hay “nỗ lực cuối cùng” trước khi quan hệ hai nước bước sang giai đoạn khó khăn mới cùng với nhiều biến cố phức tạp trên phạm vi toàn cầu.
Tôi chỉ được tham gia một số cuộc tiếp xúc và đàm phán, trong đó có cuộc đối thoại đầu tiên giữa hai nước tại New York (tháng 6/1990) kể từ sau khi Việt Nam rút hết quân khỏi Campuchia (tháng 9/1989), chuẩn bị cho cuộc gặp ở New York ngày 29/9/1990 giữa Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch và Ngoại trưởng Mỹ James Baker - là cuộc gặp cấp ngoại trưởng Việt - Mỹ đầu tiên và cao nhất kể từ khi ký kết Hiệp định Paris (27/1/1973).
Sau đó, ngày 9/4/1991, Mỹ đưa ra “Lộ trình về bình thường hoá quan hệ với Việt Nam và mời Thứ trưởng Ngoại giao Lê Mai (đi thay Thứ trưởng thứ nhất Trần Quang Cơ bận đột xuất) sang Mỹ tham dự cuộc đối thoại đầu tiên với Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á - Thái Bình dương Richard Solomon về bình thường hoá quan hệ Việt -Mỹ vào ngày 21/11/1991 mà tôi may mắn được cử đi tháp tùng.
Trong cuốn Việt Nam: Con rồng đang vươn lên (Vietnam: Rising Dragon), tác giả Bill Hayton đã kể lại vào cuối những năm 1980 khi Việt Nam gặp khủng hoảng, ông Nguyễn Cơ Thạch và các đồng nghiệp của mình đã xác định được: “Mối đe dọa chủ yếu với đất nước là sự lạc hậu về kinh tế, và cách vượt qua khủng hoảng là sự hợp tác với phương Tây, nơi có nguồn tài chính và công nghệ tiên tiến”. Cách tiếp cận của ông Thạch đã được Bộ Chính trị chấp thuận vào tháng 5/1988 khi thông qua Nghị quyết 13, đề ra định hướng đa dạng hoá, đa phương hóa quan hệ, hơn là phụ thuộc vào một nước. Ông Bill Hayton coi đây là “bước thay đổi kịch tính”. Khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Đại hội Đảng lần thứ VII (1991) đã chính thức đề ra chủ trương đa dạng hoá và đa phương hoá quan hệ đối ngoại, "làm bạn với các nước". |
Các đối tác Mỹ có đánh giá như thế nào về những đóng góp của ông Nguyễn Cơ Thạch cho quan hệ Việt-Mỹ, thưa Đại sứ?
Là cán bộ cấp thấp, tôi chỉ được tham gia một số cuộc tiếp xúc của Bộ trưởng với Mỹ, nên chỉ biết một số điều nghe hay đọc được nhận xét của một số đối tác đã trực tiếp tiếp xúc làm việc với Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch.
Sau khi trao đổi và ăn trưa với Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch ngày 9/9/1982, ông Patti ca ngợi Bộ trưởng là nhân chứng bước ngoặt lịch sử của Việt Nam tháng 9/1945, nắm thực chất tư tưởng dựng nước, yêu cầu chiến lược đối ngoại của Hồ Chủ tịch ngay từ ngày đầu lập quốc, hiểu rất rõ tình hình thế giới và Mỹ, đặc biệt là lợi ích phát triển lâu dài đất nước cũng như bình thường hoá quan hệ Việt - Mỹ...
Trong cuốn Hồi ký Kết thúc chiến tranh ở Việt Nam: Lịch sử dính líu và rút ra của Mỹ (Ending the Vietnam War: A History of America's Involvement in and Extrication from the Vietnam War) xuất bản năm 2003, Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger đã đánh giá cao vai trò của Thứ trưởng Nguyễn Cơ Thạch khi đó trong quá trình đàm phán Hiệp định Paris về khôi phục hoà bình ở Việt Nam (1968-1973).
Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch rất coi trọng ý kiến của các học giả trong nước và quốc tế và đã tiếp nhiều học giả Mỹ, trong đó có Giáo sư David W.P. Elliot thuộc Đại học Pomona (Mỹ) lần đầu tiên thăm Việt Nam (cùng vợ là người Việt) năm 1982. Lần này tôi cũng may mắn được dự cùng.
Năm 2012, ông Elliot viết kể lại cuộc gặp và đánh giá Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch là “một chính khách sắc sảo, tài tình và nổi bật” ở Việt Nam lúc đó. Ông Elliot còn kể năm 1991 là năm ông Thạch thôi làm Bộ trưởng Ngoại giao, vô tình gặp ông Thạch trên cùng chuyến bay về Việt Nam, ông Thạch vẫn cam kết về công cuộc đổi mới của đất nước.
Ông Hà Huy Thông, Trưởng đoàn tiền trạm mở Cơ quan liên lạc Việt Nam tại Washington D.C, ký Thoả thuận với đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ bàn giao lại tòa nhà 2251 phố R, nay là "Nhà Việt Nam" (Vietnam House). |
Khi ông là Trưởng đoàn tiền trạm mở Cơ quan liên lạc tại Washington vào những năm 1990, những cuộc gặp tại Washington D.C hẳn nhắc đến ông Nguyễn Cơ Thạch.
Cuối năm 1994, khi được cử đến Mỹ để tiền trạm, mở Cơ quan Liên lạc tại Washington D.C, tôi gặp lại nhiều đối tác, bạn bè, doanh nghiệp, cựu binh Mỹ trong chiến tranh ở Việt Nam, phóng viên báo chí, doanh nghiệp, học giả Mỹ... như Trợ lý Ngoại trưởng về Đông Á-Thái Bình Dương Winston Lord (từng là Trợ lý của Ngoại trưởng Kisinger) hay Chủ tịch Hội đồng Thương mại Mỹ - Việt Virginia Foote (đã gặp Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch nhiều lần) và bà con người Việt Nam định cư ở Mỹ...
Có những người kể lúc đầu mặc cảm do quá khứ, không thích Việt Nam, không ủng hộ bình thường hoá quan hệ Việt - Mỹ, nhưng sau cuộc gặp với Bộ trưởng Thạch - thẳng thắn, thân thiện và chân tình, thì đã hiểu Việt Nam và lợi ích của bình thường hoá quan hệ Việt - Mỹ hơn, nên đã đi vào hợp tác, đóng góp cho quan hệ hai nước.
Đến nay, nhiều đối tác và bà con người Việt còn ghi nhớ những cuộc gặp thân tình và những phát biểu thực chất, nhiều khi bộc trực của Bộ trưởng. Họ vẫn bày tỏ những tình cảm tốt đẹp, sự ngưỡng mộ và lòng biết ơn sâu sắc với Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch.
Hàng chục năm đã trôi qua, “cát bụi chiến tranh” đã và đang lắng xuống. Nhìn lại lịch sử, có thể khẳng định rằng hơn 10 năm (1980-1991) mà ông Nguyễn Cơ Thạch làm Bộ trưởng Ngoại giao là một trong những giai đoạn có nhiều thách thức khắc nghiệt nhất. Tuy nhiên, qua khó khăn, thử thách, năng lực và tầm nhìn của nhiều cán bộ, đặc biệt là cố Bộ trưởng, càng được minh chứng.
Trải qua nhiều bước thăng trầm, quan hệ Việt - Mỹ đang ngày càng phát triển vì chính lợi ích của nhân dân hai nước cũng như hoà bình, ổn định và phát triển trong khu vực, điều mà cố Bộ trưởng sớm đã nhìn thấy trong quá khứ.
Xin cảm ơn Đại sứ!