Chính trị gia tự do Moon Jae-in đã giành chiến thắng trong bầu cử Tổng thống Hàn Quốc. Sự kiện này được cho là kết thúc một thập niên theo đường lối bảo thủ của xứ sở kim chi, đồng thời mở ra thời kì mới cho chính sách đối ngoại của quốc gia này, đặc biệt là trong vấn đề Triều Tiên.
Làn gió tự do mới mẻ
Sự ủng hộ của công chúng Hàn Quốc đối với ông Moon Jae-in được thúc đẩy mạnh mẽ sau khi cựu Tổng thống theo đường lối bảo thủ Park Geun-hye bị luận tội và phế truất do cáo buộc thông đồng với người bạn thân Choi Soon-sil trong nhiều năm để nhận hối lộ hàng chục triệu USD từ nhiều doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc nhằm đổi lấy sự ủng hộ của chính phủ. Theo Ủy ban Bầu cử Quốc gia Hàn Quốc (NEC), hơn 33,8 triệu người đã đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử vừa qua, tương ứng với tỷ lệ 77%, mức cao nhất trong hai thập kỷ qua. Điều này cho thấy sự quyết tâm bầu chọn và đặt kỳ vọng cao độ của người dân nước này vào vị tân thủ lĩnh.
Phát biểu sau khi giành chiến thắng, Tổng thống Moon Jae-in tuyên bố: “Đây là một chiến thắng vĩ đại dành cho những con người vĩ đại đã cùng tôi xây dựng một đất nước công bằng, thống nhất, một đất nước có nguyên tắc và ý thức chung”. Đồng thời, ông cho biết ông cùng đảng của mình đã "đầu tư mọi nỗ lực với mong muốn cùng người dân xây dựng một đất nước đáng tự hào trở lại”.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cùng những người ủng hộ tại quảng trường Gwanghwamun, Seoul. (Nguồn: Reuters) |
Trong những năm 1970 khi còn là một sinh viên, ông Moon Jae-in từng bị bắt và ngồi tù vì phản đối cựu Tổng thống độc tài Park Chung-hee (cha bà Park Geun-hye). Theo đuổi lý tưởng dân chủ tự do, sau đó ông Moon Jae-in trở thành luật sư về quyền con người, từng là trợ lý hàng đầu của cựu Tổng thống Roh Moo-hyun và nhận thất bại trước bà Park Geun-hye trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2012.
Lợi ích quốc gia tối thượng
So với các ứng cử viên khác, ông Moon Jae-in theo đuổi một lập trường kiềm chế và hòa giải hơn với Triều Tiên, ít nhất là giọng điệu của ông khác biệt với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Trong khi Mỹ quan tâm đến chính sách đối với Triều Tiên hơn cả trong lần chuyển đổi lãnh đạo tại Hàn Quốc lần này thì ngược lại, các cuộc thăm dò cho thấy cử tri Hàn Quốc chủ yếu quan tâm đến các vấn đề trong nước hơn.
Do ảnh hưởng của vụ bê bối chính trị của cựu Tổng thống Park Geun-hye, ông Moon Jae-in được xem là một người có khả năng chấm dứt tình trạng tham nhũng và khôi phục nền kinh tế đang phát triển chậm chạp của Hàn Quốc. Trong quá trình tranh cử, ông Moon đã tiết lộ kế hoạch chống tham nhũng của mình, tập trung vào việc kiểm soát các tập đoàn, các công ty bị nghi ngờ là có giao dịch lợi ích với chính phủ.
Nhu cầu siết chặt các quy định và chấm dứt nạn tham nhũng đã trở nên mãnh liệt hơn kể từ sau khi Phó Chủ tịch Samsung Lee Jae-yong bị bắt giữ và truy tố với nhiều tội danh, trong đó có hối lộ và tham ô liên quan đến bê bối của cựu Tổng thống Park Geun-hye.
Phó Chủ tịch Samsung Lee Jae-yong (giữa) phải hầu tòa vì các cáo buộc đưa hối lộ, khai man. (Nguồn: AP). |
Bên cạnh đó, tỷ lệ thất nghiệp ngày một tăng của các thanh niên nước này cũng là một trong những yếu tố khiến lượng ủng hộ ông Moon Jae-in tăng lên do cam kết của ông về kế hoạch kích thích thị trường lao động nhằm tạo ra hơn 800.000 việc làm cho người dân. Trong chiến dịch vận động tranh cử của mình, ông Moon Jae-in nhấn mạnh chính sách đặt quốc gia lên trên hết, qua đó ưu tiên các lợi ích của Hàn Quốc hơn cả các đồng minh nước ngoài, bao gồm cả Mỹ.
Khi “Ánh Dương” trở lại
Chắc chắn rằng Hàn Quốc là một đồng minh lâu năm của Mỹ và mối quan hệ hữu nghị gần gũi này chắc chắn sẽ tiếp diễn. Tuy nhiên, nó được dự đoán sẽ có nhiều thay đổi dưới thời ông Moon Jae-in, khi ông lên nắm quyền trong bối cảnh tình hình trên bán đảo Triều Tiên đang có nhiều diễn biến căng thẳng. Trong khi Bình Nhưỡng liên tục triển khai các hoạt động thử tên lửa, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump lại phản ứng với giọng điệu cứng rắn, thậm chí tuyên bố có thể sử dụng các hành động quân sự.
Tuy nhiên, đảng Dân chủ tự do của ông Moon Jae-in lại theo đuổi ủng hộ chính sách “Ánh Dương” với Triều Tiên - chiến lược “mật ngọt chết ruồi” thông qua thúc đẩy đối thoại, hòa giải đồng thời trao đổi văn hoá, kinh tế để cải thiện quan hệ với Bình Nhưỡng. Bản thân ông Moon cũng bày tỏ hoài nghi về việc triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc bởi ông “hy vọng có thể bắt tay với nhân dân Triều Tiên để một ngày nào đó đạt được sự hòa bình thống nhất”.
Mặc dù vậy, xét cho cùng, mối quan hệ đồng minh Mỹ - Hàn trong nhiệm kỳ của ông Moon Jae-in vẫn sẽ không thay đổi mặc dù tân Tổng thống Hàn Quốc dường như ít quan tâm đến chính quyền Trump hơn bà Park Geun-hye, nhưng ông Moon Jae-in vẫn bày tỏ hy vọng hòa hợp với Tổng thống Mỹ.
Trong một cuộc phỏng vấn hồi đầu tháng với Washington Post, ông Moon Jae-in khẳng định: “Tôi tin rằng Tổng thống Trump một người suy tính sâu sắc hơn những gì người ta nhìn nhận bên ngoài. Tuy ông Trump sử dụng giọng điệu cứng rắn với Triều Tiên, nhưng ông ấy cũng nói rằng ông ấy có thể gặp và nói chuyện với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Tôi cho rằng cách tiếp cận thực tiễn này có thể giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên”.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. (Nguồn: PTI) |
Lịch sử cho thấy rằng sẽ không có vấn đề gì lớn nếu Hàn Quốc có một Tổng thống theo đường lối tự do và Mỹ có một nhà lãnh đạo bảo thủ hoặc ngược lại. Đơn giản vì họ có cùng một mối quan tâm là vấn đề Triều Tiên và cả hai đều không muốn chiến tranh. Cũng như cuộc bầu cử tại Mỹ vừa qua, người dân Hàn Quốc đã chọn ra một vị lãnh đạo cam kết theo đuổi lợi ích quốc gia hơn là cố gắng làm hài lòng các đồng minh.