TIN LIÊN QUAN | |
EU yêu cầu CEO Facebook điều trần trực tiếp | |
EU đưa Mỹ "ra tòa" vì mâu thuẫn thương mại |
Theo đó, ông Macron so sánh những chia rẽ trong lòng châu Âu hiện nay như là hình thức mới của một cuộc nội chiến. Tổng thống Pháp cũng cảnh báo về sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc, kêu gọi bảo vệ công dân châu Âu khỏi mối đe dọa của chiến tranh và chế độ độc tài.
Phần lớn bài phát biểu của Tổng thống Pháp đề cập đến tương lai của châu Âu sau “cuộc ly hôn“ với Anh, đồng thời nhấn mạnh tính cấp thiết của việc 27 nước thành viên còn lại đoàn kết chống chủ nghĩa dân tộc đang trỗi dậy. Theo ông, châu Âu đang phải đối mặt với “bóng ma từ các cuộc nội chiến ngầm, sự khác biệt, chủ nghĩa dân tộc ích kỷ, nhấn chìm tinh thần đoàn kết của khối”.
Ông Macron kêu gọi các nước trong Liên minh châu Âu (EU) duy trì mối quan hệ hội nhập và gần gũi nhất có thể thời kỳ hậu Brexit, bảo vệ nền dân chủ tự do của châu Âu, bảo vệ quyền và lợi ích của những nhóm thiểu số, đồng thời lên án những người muốn mang đất nước họ tách ra khỏi liên minh để theo đuổi cuộc “phiêu lưu cổ tích”.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu trước Nghị viện châu Âu về tầm nhìn cho tương lai châu Âu ngày 17/4. (Nguồn: Reuters) |
Dù không trực tiếp nhắc đến cuộc bầu cử Hungary, song lời chỉ trích những chính trị gia mang “người nhập cư” làm “vật tế thần” nhằm tranh thủ lá phiếu cử tri của ông Macron khiến người nghe trực tiếp liên tưởng đến chiến thắng vang dội của Thủ tướng Hungary Viktor Orban và quan điểm tranh cử dựa trên nỗi sợ hãi của người dân trước dòng người nhập cư.
Cuộc khủng hoảng tị nạn lâu nay vẫn khiến châu Âu rơi vào bế tắc và chính phủ các nước EU tiếp tục bất đồng trong tìm kiếm giải pháp, khi liên tục đổ lỗi cho nhau. Một số nước nhất mực đóng cửa biên giới, trong khi số khác như Pháp và Đức lại muốn xây dựng cơ sở hạn ngạch, tiếp nhận người di cư.
Có thể nói, tinh thần đoàn kết và chia sẻ mà các nhà lãnh đạo châu Âu đưa ra nhận được sự đồng thuận về mặt chủ trương, nhưng “nói thì dễ, làm thì khó”. Một số nước phản đối hạn ngạch bắt buộc, từ chối tiếp nhận thêm người tị nạn do kinh tế trong nước còn trì trệ. Các bên cũng không thống nhất về cách tiếp cận vấn đề, giữa một phe muốn tạo điều kiện cho người nhập cư theo tinh thần nhân đạo, một bên là siết chặt các quy định nhập cư.
Trong bài phát biểu trước Nghị viên lần này, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng bày tỏ mong muốn xây dựng một quỹ tài trợ của châu Âu cho các cộng đồng tiếp nhận người tị nạn: “Tôi đề xuất thành lập một chương trình của châu Âu hỗ trợ tài chính trực tiếp cho các cộng đồng địa phương, những nơi đã chào đón và tiếp nhận người tị nạn”.
Về phần mình, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker đã hoan nghênh những nỗ lực của Pháp nhằm mang lại “niềm hy vọng mới” cho EU, song đồng thời nhắn nhủ: “Hãy nhớ rằng châu Âu không chỉ có Pháp và Đức”.
Trước đó, phát biểu trên truyền hình cuối tuần qua, Tổng thống Macron cho rằng, đã đến lúc số phận của châu Âu cần được định đoạt: EU cần tiến lên phía trước, còn những người không ủng hộ con đường này sẽ phải chấp nhận ở “bên lề” của châu Âu.
EU tìm cách thu hẹp bất đồng về cuộc tấn công Syria Ngày 16/4, Ngoại trưởng các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã nhóm họp tại Luxembourg với nỗ lực tạo ra một mặt ... |
Hungary - EU: Có sóng yên biển lặng? Việc chính trị gia theo quan điểm chủ nghĩa dân tộc Viktor Orban tái đắc cử nhiệm kỳ Thủ tướng thứ ba liên tiếp sẽ ảnh ... |
Italy sẽ quyết định tương lai châu Âu? Bài viết của tác giả Jeffrey D. Sachs đăng trên mạng tin Project Syndicate ngày 9/4 cho rằng, hơn bao giờ hết, Liên minh châu ... |