Cái bắt tay lịch sử. |
Diễn ra từ 11-12/4, Hội nghị OAS lần đầu tiên quy tụ được toàn bộ 35 quốc gia trong khu vực sau nhiều thập kỷ chia rẽ và bất đồng. Mặc dù không đưa ra được tuyên bố chung cùng nhiều vấn đề khu vực chưa được giải quyết, nhưng Hội nghị vẫn được đánh giá là thành công khi chứng kiến những tuyên bố tích cực hướng đến sự hòa giải giữa các nước, đặc biệt là Mỹ và Cuba.
Cuộc gặp lịch sử
Có thể nói, sự tham dự của Cuba tại OAS-7 là một thông điệp mạnh mẽ mà các quốc gia châu Mỹ muốn nhắn nhủ với thế giới, nhất là trong bối cảnh hợp tác là một trong những thách thức lớn nhất của khu vực. Đáng chú ý, ngày 11/4, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có cuộc gặp được mong đợi với Chủ tịch Cuba Raul Castro, trong đó hai bên khẳng định quyết tâm đối thoại, đẩy mạnh nỗ lực cải thiện quan hệ song phương nhằm mở ra trang sử mới cho hai dân tộc. Đây cũng là cuộc tiếp xúc đầu tiên giữa lãnh đạo cấp cao của Washington và Havana kể từ cuộc gặp tháng 4/1959 giữa Phó Tổng thống Mỹ Richard Nixon và lãnh tụ Fidel Castro, khi đó là Thủ tướng Cuba.
Theo giới quan sát, việc lãnh đạo hai nước gặp nhau dường như là một bước đi tất yếu khi quan hệ Mỹ - Cuba đang đạt được tiến triển nhất định. Với Cuba, cuộc gặp sẽ góp phần khai thông bế tắc trong bối cảnh nước này đang tập trung vào công cuộc cải cách và rất cần sự dỡ bỏ lệnh trừng phạt. Bản thân Chủ tịch Raul Castro cũng không muốn bỏ lỡ cơ hội tuyệt vời để dẫn dắt Cuba trên con đường hiện đại hóa cùng sự tăng trưởng ngoạn mục của nền kinh tế đất nước.
Đối với Mỹ, cải thiện quan hệ với Cuba là quyết tâm “gác lại quá khứ” giữa hai cựu thù, đồng thời là cơ hội mở ra giai đoạn mới trong hợp tác với các nước Mỹ Latinh. Thời gian qua, nhiều quốc gia thành viên OAS thất vọng khi cho rằng tổ chức này bị Mỹ chi phối và không đồng tình với chính sách của Washington đối với Havana. Vì thế, triển vọng về sự xích lại giữa Mỹ - Cuba vừa làm dịu đi tâm lý chống Mỹ, vừa tạo không khí thuận lợi để Washington củng cố lại ảnh hưởng tại khu vực “sân sau”...
Băng nào chưa tan?
Trên thực tế, từ khi đưa ra thông báo về việc nối lại liên lạc với Cuba hồi tháng 12/2014, Mỹ đã bãi bỏ nhiều hạn chế đối với đảo quốc này, chẳng hạn như nới lỏng quy định về du lịch cũng như việc chuyển tiền đến Cuba. Những trao đổi thương mại với Havana trong các lĩnh vực chủ chốt như viễn thông cũng đã được Washington mở rộng. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều trở ngại để hai nước đi đến bình thường hóa hoàn toàn quan hệ ngoại giao.
Trước yêu sách chủ chốt của Havana là Washington phải bỏ lệnh cấm vận vẫn còn đè nặng lên nền kinh tế Cuba, Tổng thống Obama cũng đã tích cực vận động tại lưỡng viện Quốc hội. Tuy nhiên, ông Obama luôn gặp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các nghị sỹ của cả hai phe Cộng hòa và Dân chủ, đặc biệt là một số nhân vật gốc Cuba.
Trong nỗ lực mới nhất, ngày 14/4, Tổng thống Obama đồng ý đưa Cuba ra khỏi danh sách các quốc gia tài trợ chủ nghĩa khủng bố, bước đi quan trọng hướng đến bình thường hóa quan hệ song phương sau nhiều thập niên đối đầu. Nếu được đưa ra khỏi danh sách trên, Cuba sẽ lại được tiếp cận hệ thống ngân hàng Mỹ, cho phép mở đại sứ quán và mở đường cho hợp tác thương mại sau này.
Bên cạnh đó là việc Chủ tịch Raul Castro đòi Mỹ trao trả lại Cuba phần lãnh thổ “chiếm đóng trái phép” để xây căn cứ Guantanamo. Đối với vấn đề này, mặc dù đã có kế hoạch đóng cửa trại tù Guantanamo song Washington dứt khoát không muốn trả lại Havana phần lãnh thổ mà họ đã chiếm đóng từ năm 1903. Đáp lại, Mỹ cũng yêu cầu chính quyền Havana trả lại các khoản tài sản của công dân Mỹ bị tịch biên sau cuộc cách mạng của lãnh tụ Fidel Castro, được ước lượng lên tới 7 tỷ USD.
Rõ ràng, sau 54 năm bao vây, cấm vận và thù địch, mối quan hệ giữa Mỹ và Cuba không thể bỗng chốc trở nên nồng ấm ngay, bất chấp hai bên có rất nhiều thiện chí. Giới phân tích nhận định, những gì diễn ra tại Panama vừa qua đã phản ánh đặc trưng của quá trình tái thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Mỹ - Cuba: nhất trí về chủ trương đối thoại nhưng bất đồng trong thương lượng cụ thể.
Tổng thống Obama sẽ hết nhiệm kỳ vào cuối năm 2016, còn Đảng Cộng sản Cuba đã ấn định lịch trình tổ chức Đại hội VII vào tháng 4/2016 và bầu cử toàn quốc vào năm 2018. Đặt mối quan hệ Mỹ - Cuba vào hoàn cảnh sắp tới, nếu hai bên muốn đạt được những tiến triển đột phá thực sự, họ sẽ còn phải nỗ lực hơn rất nhiều. Bước đầu của một trong những quá trình bình thường hóa quan hệ được quan tâm nhất trên thế giới đã xuôi, mong rằng hai bên sẽ vượt qua mọi khó khăn để sớm đi đến đích cuối cùng.
Hàn Giang