📞

Mỹ - Đức: Vượt qua khác biệt, vì lợi ích chung

15:21 | 16/03/2017
Cuộc gặp với Thủ tướng Đức Angela Merkel là một trong những cuộc gặp quan trọng nhất với một nhà lãnh đạo nước ngoài mà ông Donald Trump thực hiện kể từ khi nhậm chức Tổng thống Mỹ.

Trong hơn 70 năm qua, quan hệ giữa Mỹ với châu Âu nói chung và Đức nói riêng đã góp phần quan trọng định hình nên một trật tự quốc tế, ít nhất là ở phương Tây. Việc ông Donald Trump thắng cử Tổng thống Mỹ và có những phát biểu làm mếch lòng các nước châu Âu đã ít nhiều ảnh hưởng đến mối quan hệ mang tính chiến lược xuyên Đại Tây Dương này. Kể từ khi ông Trump nhậm chức, ông chưa đi thăm châu Âu và mới chỉ chính thức gặp Thủ tướng Anh Theresa May. Vì thế, chuyến thăm của Thủ tướng Đức Angela Merkel đến Mỹ trong tháng 3/2017 rất được chú ý.

Hai phong cách đối lập

Về chính sách kinh tế và ngoại giao, khoảng cách giữa hai nhà lãnh đạo Đức - Mỹ là rất lớn. Tổng thống Trump gọi quyết định cho phép người tị nạn nhập cảnh vào Đức là một sai lầm tệ hại. Ông Trump tìm cách đóng cửa người Hồi giáo, trong khi bà Merkel sẵn lòng đón nhận người di cư và tị nạn.

Ông Trump đặt nước Mỹ "lên trên hết", đưa nước Mỹ "vĩ đại trở lại", dựng lên các rào cản thương mại. Bà Merkel lại là một người ủng hộ chủ nghĩa toàn cầu, hội nhập khu vực.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Đức Angela Merkel. (Nguồn: The Gateway Pundit)

Tổng thống Mỹ đã nhiều lần ca ngợi quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) của nước Anh, đồng thời có thể tiếp tục làm ảnh hưởng đển tổ chức hội nhập khu vực này bằng những phát biểu không mang tính xây dựng tại một thời điểm mà tinh thần dân túy chống hội nhập châu Âu đang lên cao. Ngược lại, bà Merkel lại phải chứng tỏ rằng bà vẫn đứng lên và đại diện cho vị thế cũng như bảo vệ những giá trị chung mà EU đã dày công thiết lập.

Ông Trump tự coi mình là một nhà đàm phán cứng rắn. Bà Merkel là một người điềm đạm đi tìm kiếm đồng thuận.

Vị thế chính trị của hai nhà lãnh đạo cũng khác biệt. Trong khi ông Trump mới trải qua những ngày lãnh đạo đầu tiên thì bà Merkel đang ở trong thời gian cuối của nhiệm kỳ Thủ tướng.

Cuộc gặp gỡ sắp tới giữa ông Trump và bà Merkel tại Nhà Trắng là lần đầu tiên vị tổng tư lệnh của nước Mỹ và người phụ nữ được coi là quyền lực nhất thế giới, nhà lãnh đạo thực tế của EU, gặp nhau trực tiếp. Khi họ gặp nhau, với rất ít điểm chung, họ sẽ phải tìm cách thúc đẩy một mối quan hệ mà có khả năng ảnh hưởng mạnh đến mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương trong tương lai.

Những vấn đề chủ chốt

Sau khi Tổng thống Obama rời chính trường, bà Merkel đã được ca ngợi là người cầm trịch của tư tưởng dân chủ tự do. Nhưng lần này bà Merkel đến Mỹ với một chút thực dụng. Bà đã từng là đối tượng chỉ trích của ông Trump nhưng bà sẵn sàng gạt vấn đề đó sang một bên. Bà Merkel đã phát biểu rằng: “Nói với nhau chứ không phải nói về nhau là tinh thần của tôi trong chuyến thăm này, chuyến thăm mà tôi rất chờ đợi.” Liệu ông Trump có tiếp nhận tinh thần cầu thị của bà Merkel hay không vẫn là một dấu hỏi.

Dự kiến, bà Merkel chỉ hội đàm với ông Trump trong khoảng 30 phút. Các quan chức khác của hai bên sẽ cùng tham gia hội đàm mở rộng sau đó, với cả sự hiện diện của đại diện các doanh nghiệp lớn hai bên.

Vấn đề lớn đầu tiên là tổng thể mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương giữa châu Âu và Mỹ. Chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Đức còn mang theo lo lắng về khả năng bùng nổ tranh chấp thương mại. Với việc ông Trump coi nhẹ quan hệ xuyên Đại Tây Dương, lên tiếng một cách rất bi quan về tương lai EU, chỉ trích các thành viên NATO thiếu trách nhiệm, bà Merkel được kỳ vọng sẽ nhắc lại tầm quan trọng của NATO trong hoàn cảnh xung đột ở Ukraina và quan hệ giữa châu Âu với Nga còn rất căng thẳng. Đó và vấn đề sống còn của liên minh xuyên Đại Tây Dương cũng như nội bộ EU.

Quan hệ với Nga cũng là vấn đề mà hai nhà lãnh đạo có thể đề cập tới, với cách tiếp cận cẩn trọng mang tính thăm dò thái độ của nhau đối với Nga. Nhìn chung, những khía cạnh quan trọng nhất đối với một trật tự chính trị và an ninh ở châu Âu kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai sẽ cần được hai nhà lãnh đạo thảo luận.

Ông Anthony Gardner, cựu Đại sứ Mỹ tại EU, cho rằng: “Châu Âu đang ở trong tình trạng rất mong manh, yếu ớt và nước Đức đang cố gắng để đảm bảo chương trình hội nhập châu Âu được tiếp tục. Tôi nghĩ rằng bà Thủ tướng sẽ muốn làm rõ vấn đề này với Tổng thống Mỹ… Đây là một cơ hội để phác ra những lĩnh vực có lợi ích chung, để xác định một chương trình làm việc tích cực…”

Vấn đề lớn thứ hai nằm ở quan hệ Mỹ - Đức. Tổng thống Mỹ từng chỉ trích Đức không chi tiền cho hoạt động quốc phòng, điều mà Mỹ cho rằng bà Merkel đã hứa hẹn sẽ giải quyết. Không những vậy, Tổng thống Trump còn đe dọa áp thuế đối với một số nhà sản xuất xe hơi của Đức xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Mỹ.

Một vấn đề căng thẳng nữa trong quan hệ giữa hai bên là khoản tiền 50 tỷ Euro thặng dư thương mại của Đức trong quan hệ thương mại song phương. Cố vấn Peter Navarro của Tổng thống Trump đã cáo buộc Đức giành lấy những lợi thế thương mại không công bằng thông qua việc đồng Euro yếu. Bà Merkel và các bộ trưởng của mình cho rằng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) chứ không phải nước Đức mới là chủ thể kiểm soát số phận, tỉ giá của đồng tiền chung châu Âu.

Hãng xe hơi Đức Volswagen đang gặp khó khăn tại thị trường Mỹ. (Nguồn: BBC)

Đức sẽ bước vào đàm phán với những con số cho thấy quan hệ kinh tế giữa Đức và Mỹ là hai bên cùng có lợi. Tổng vốn đầu tư của Đức ở Mỹ lên tới 271 tỉ Euro, lớn gấp 10 lần số tiền Mỹ đầu tư vào Đức. Phái đoàn Đức có thể sẽ nói với ông Trump rằng con số việc làm mà công ty Đức tạo ra ở Mỹ là 810.000. Do đó, quan điểm cực đoan của Mỹ đối với thương mại song phương sẽ phản đòn vào chính nước Mỹ.

Chuẩn bị những việc khó lường

Chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Đức dự kiến diễn ra vào ngày 14/3, nhưng theo thông tin từ Nhà Trắng, chuyến thăm sẽ bị hoãn đến 17/3 vì tình hình thời tiết giá lạnh ở Washington.

Một trong những vấn đề mà phái đoàn Đức phải chú ý là khả năng sẽ có những hành động bất ngờ mà ông Trump tạo ra. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã có 19 giây lúng túng với cái bắt tay của Tổng thống Mỹ. Thủ tướng Anh Theresa May bị báo giới nước này chỉ trích vì nắm tay ông Trump khi dạo bước ở Nhà Trắng. Khi phái đoàn Israel do Thủ tướng Benjamin Netayahu thăm Mỹ, họ đã chuẩn bị mọi kịch bản để không bị động nhưng cuối cùng cũng phải lúng túng khi trong buổi họp báo, ông Trump đề cập tới những vấn đề nhạy cảm như tương lai của nhà nước Palestine và vấn đề tái định cư của người Do Thái. Vì thế, khi gặp Tổng thống Trump, Thủ tướng Merkel nên chuẩn bị tinh thần để đón nhận những điều mà bà chưa nghĩ tới.

Dù vậy, với một cuộc bầu cử sẽ được tiến hành tại nước Đức vào tháng 9 tới, bà Merkel sẽ hết sức cẩn trọng, tránh bất kỳ động thái hay lời nói nào mà có thể mang tới cơ hội cho các đối thủ chính trị của bà cũng như tạo ra tranh cãi giữa hai nước có thể hủy hoại lợi ích của Đức.

Thích ứng với cách làm việc của nhau

Donald Trump là Tổng thống Mỹ thứ ba mà bà Merkel – nhà lãnh đạo có thâm niên nhất châu Âu – cùng hợp tác. Bà Merkel đã thiết lập quan hệ tốt với cựu Tổng thống George W. Bush vì cựu Tổng thống Mỹ cũng muốn hàn gắn mối quan hệ vốn sứt mẻ vì khác biệt quan điểm về cuộc chiến Iraq.

Quan hệ giữa Thủ tướng Merkel với cựu Tổng thống Barack Obama cũng khởi đầu không thực sự thuận lợi do bà Merkel đã từng từ chối đề nghị được phát biểu tại cổng Brandenburg khi ông Obama thực hiện chiến dịch tranh cử năm 2008. Nhưng sau đó, qua thời gian, Đức và Mỹ cũng đã hợp tác chặt chẽ trong nhiều vấn đề, đặc biệt là trong việc đưa ra các biện pháp trừng phạt đối với Nga và đàm phán về một hiệp định thương mại tự do xuyên Đại Tây Dương.

Việc hai nhà lãnh đạo của Mỹ và Đức chuẩn bị một khởi đầu khó khăn mới trong quan hệ song phương và đa phương là điều không còn bí mật nữa. Cuộc gặp bà Merkel tới đây là cuộc gặp quan trọng nhất với một nhà lãnh đạo nước ngoài mà ông Trump thực hiện kể từ khi nhậm chức. Nhưng có lẽ, vì những lợi ích chung về chiến lược lâu dài, hai bên sẽ phải học cách thích ứng với cách làm việc của nhau mà cuộc gặp sắp tới chỉ là sự khởi đầu.

(Viện Kinh tế và Chính trị thế giới)