Đại sứ Saudi Arabia tại Mỹ. |
Những lời buộc tội của Mỹ làm người ta thấy rõ hơn cuộc chiến tranh lạnh tranh giành quyền lực ngày càng quyết liệt tại vùng Vịnh giữa Saudi Arabia và Iran do hai nước này nghi ngờ nhau là "thủ phạm" kích động bất ổn tại nước kia hay tại các nước đồng minh. Tổng thống Syria, ông Bashar al-Assad, một đồng minh thân cận của Iran, đã cáo buộc các nhóm vũ trang được nước ngoài hậu thuẫn gây ra bất ổn trong 6 tháng qua tại nước này. Trong khi đó, Saudi Arabia phải đương đầu với các cuộc biểu tình tại tỉnh miền Đông của người Shi'ite và đã phái binh sỹ tới nước Bahrain láng giềng để giúp dẹp tan các cuộc biểu tình tại nước này được cho là do Tehran kích động.
Song, nhiều nhà phân tích tỏ ra hoài nghi về bằng chứng và thời điểm mà Mỹ đưa ra những cáo buộc này. Họ cho rằng Tehran "chẳng được lợi ích chính trị nào" khi tìm cách gây thù chuốc oán bằng cách sát hại một nhà ngoại giao cấp cao của Saudi Arabia trên đất Mỹ. Thêm vào đó, có một thực tế khá mâu thuẫn với cáo buộc của Washington, đó là từ trước đến nay, nếu muốn tiến hành bất cứ vụ ám sát nào, Tehran thường đặt trọn niềm tin và ủy thác cho lực lượng Hezbollah hành động. Chưa hết, nhiều người Arập vẫn hoài nghi về động cơ của Mỹ ở khu vực Trung Đông, nơi nhiều người vẫn chưa quên cái cớ giả tạo mà Washington đưa ra để lấy làm lý do tấn công Iraq năm 2003.
Thực tế, có vẻ như Mỹ hơi sốt sắng quá mức trong các động thái sau đó như đóng băng tài sản của hãng hàng không Iran Mahan Air vì bí mật vận chuyển các thành viên thuộc lực lượng liên quan đến vụ ám sát. Các công dân Mỹ cũng bị cấm hợp tác kinh doanh với Mahan Air. Nghiêm trọng hơn, giới chức Mỹ còn lên tiếng cảnh báo Iran có thể sẽ đối mặt với sự trả đũa về âm mưu và kêu gọi mở rộng lệnh trừng phạt… Căng thẳng đến mức có người đặt câu hỏi phải chăng hai nước sắp đi đến xung đột quân sự?
Thường thì Mỹ vẫn là nước đi đầu trong nỗ lực toàn cầu nhằm cô lập Iran và thúc đẩy các biện pháp trừng phạt nước này của LHQ với cáo buộc theo đuổi việc chế tạo vũ khí hạt nhân. Thế nhưng trong khi Iran có rất nhiều đề xuất nhượng bộ như: sẽ cho phép Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) "giám sát toàn diện" chương trình hạt nhân của Iran hay sẵn sàng nối lại đàm phán về hạt nhân mà không cần điều kiện tiên quyết; thậm chí Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad còn đề xuất sẵn sàng đình chỉ hoạt động sản xuất hạt nhân nếu Mỹ đồng ý bán các thanh nhiên liệu hạt nhân uranium loại 20% cho Iran… thì Mỹ dường như vẫn chưa sẵn sàng nói chuyện với Iran trên bàn đàm phán. Có lẽ màn kịch này dường như lại là một dấu hiệu "cự tuyệt" nữa của Mỹ. Song tờ Diplomat lại có cách lý giải "khác người" về chủ ý gây căng thẳng này của Mỹ khi cho rằng vấn đề hạt nhân Iran có liên quan đến khả năng tái nhiệm của ông Obama vào năm sau. Bởi trong khi trong nước, thất nghiệp, nợ của Chính phủ... đều là những vấn đề hóc búa, thì sự thành công trong đối ngoại, đặc biệt là vấn đề Iran, sẽ khiến ông Obama có lợi thế để tái cử.
Không ai nói rõ được ý định của Iran cũng như tiềm lực thực sự của nước này. Nhưng đạt được hiểu biết chung và Washington ngồi vào bàn đàm phán với Iran thì vẫn tốt hơn là thờ ơ như hiện tại hay “đánh sau lưng” như việc bí mật cung cấp cho Israel 55 quả bom chuyên dụng phá hầm ngầm có sức công phá cực mạnh nhằm vào chương trình nghiên cứu hạt nhân của Iran. Xây dựng lòng tin vẫn tốt hơn là dựng lên những màn kịch khó thuyết phục được dư luận, có như vậy mới có thể phá vỡ thế bế tắc ngoại giao như hiện nay.
Nguyễn Kim