📞

Mỹ "loay hoay" trong quan hệ với Nga

16:52 | 04/08/2017
Việc Quốc hội Mỹ thông qua dự luật trừng phạt Nga càng đẩy Washington vào thế khó trong việc cải thiện quan hệ với Moscow, vốn đang trở nên căng thẳng.

Báo Độc lập của Nga số ra ngày 3/8 có bài viết nhận định về việc Tổng thống Mỹ Donald Trump phê chuẩn các biện pháp trừng phạt cứng rắn đối với Nga. Theo đó, Ngoại trưởng Rex Tillerson, trong một phát biểu tại Washington trước báo giới, đã khẳng định cả ông lẫn Chính quyền Nhà Trắng đều không cảm thấy vui khi thông qua tài liệu kể trên.

Ông cho rằng, ngay cả khi phải tiến hành các biện pháp đó, Mỹ cũng sẽ không từ bỏ mong muốn khôi phục quan hệ với Nga. Quan điểm này nhiều khả năng sẽ được ông nhắc lại trong cuộc gặp cuối tuần này với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov tại Manila.

Ngoại Trưởng Mỹ Rex Tillerson. (Nguồn: AP)

Điểm sáng hiếm hoi

Trong bài phát biểu tại Washington, người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố: “Quan hệ với Nga đang tạo ra một sức ép đáng kể tới Mỹ. Như tôi đã từng đề cập trong chuyến thăm Moscow lần đầu tiên, quan hệ hai nước đang ở mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh, thậm chí có thể chuyển biến xấu hơn. Tôi nghĩ rằng, việc Quốc hội thông qua gói trừng phạt mới chống Nga chỉ làm tình trạng này thêm trầm trọng. Cả Washington và Moscow cần nỗ lực duy trì quan hệ, đồng thời cùng tìm cách giải quyết các vấn đề cùng quan tâm”.

Một trong những vấn đề mà ông Tillerson cho rằng Nhà Trắng và Kremlin có tiềm năng hợp tác lớn là Syria: “Chúng tôi chọn Syria là nơi kiểm tra khả năng làm việc cùng nhau. Nga và Mỹ đều coi Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và các nhóm khủng bố khác là mối đe dọa tới an ninh quốc gia và cần phải bị tiêu diệt”. Ông cũng cho biết, Washington cam kết giữ ổn định cho Syria thời hậu chiến, tuy nhiên, chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad sẽ không có bất cứ vai trò nào trong tương lai của quốc gia Trung Đông này. Mỹ cũng đòi hỏi Iran rút quân khỏi lãnh thổ Syria. 

Ngoại trưởng Mỹ cũng đề cập về những bước tiến trong quá trình hợp tác song phương tại Syria: “Cho tới nay, dưới sự hỗ trợ của Jordan, hai bên đã đạt được những thành công nhất định khi cùng hợp tác xây dựng các khu vực giảm căng thẳng ở Tây Nam Syria, qua đó hạn chế thương vong cho dân thường từ những vụ đánh bom và pháo kích. Hy vọng rằng Nga sẽ hỗ trợ duy trì vùng giảm căng thẳng đầu tiên này, để Mỹ có thể tiếp tục mở rộng thêm các vùng tương tự ở khu vực phía Bắc Syria”.

Đáng chú ý, ngay cả trong vấn đề khó có thể thỏa hiệp như về Đông Nam Ukraine, Ngoại trưởng Mỹ Tillerson cho biết Washington đều đã thảo luận với Moscow. Ông mong rằng trong thời gian tới, tình hình sẽ có những tiến triển nhất định: “Thoả thuận Minsk phải được thực hiện, nếu không Mỹ sẽ từ chối xem xét lại bất cứ biện pháp trừng phạt nào dành cho Nga. Chúng tôi đã bổ nhiệm cựu Đại diện thường trực của Mỹ tại Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Kurt Volker làm đại diện đặc biệt về Ukraine. Ông Kurt là một nhà ngoại giao am hiểu về Nga, các đối tác của Mỹ và hiểu rất rõ về sứ mệnh của mình”.

Đại diện đặc biệt về Ukraine Kurt Volker (giữa) được kì vọng là sẽ mang đến những thay đổi cho tình hình chính trị bế tắc tại khu vực Đông Nam Ukraine. (Nguồn: The National Interest)

Mỹ nhiệt tình, Nga hờ hững

Đây không phải là những tín hiệu tích cực duy nhất từ phía Ngoại trưởng Mỹ, người được xem là một trong những nhân vật quan trọng trong quá trình tái thiết quan hệ Moscow – Washington. Tờ Politico cho rằng, ông Tillerson đang cố tình phớt lờ những yêu cầu của Quốc hội trong việc phân bổ thêm 80 triệu USD cho các Cơ quan tuyên truyền chống Nga của Bộ Ngoại giao. Giải thích cho hành động của mình, Ngoại trưởng Tillerson cho rằng, việc tăng ngân sách cho Trung tâm hợp tác toàn cầu, cơ quan đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến thông tin với Nga, sẽ chỉ khiến quan hệ Moscow – Washington tiếp tục xuống dốc.

Tuy nhiên, sự nhiệt tình của phía Washington dường như chỉ nhận được thái độ lạnh nhạt từ phía Moscow. Cộng đồng chuyên gia Nga nhận định rằng Mỹ đã tự trói tay mình bằng dự luật trừng phạt. Andrey Sushento, người đứng đầu hãng thông tấn Chính sách đối ngoại, kiêm Giám đốc chương trình thuộc Câu lạc bộ cố vấn Valdai, nhận định: “Trong thời điểm hiện tại, Mỹ không có trong tay quân bài nào giá trị để đổi lấy sự hợp tác của Nga trong các vấn đề quan trọng đối với Washington.

Trên thực tế, dự thảo luật trừng phạt Kremlin đang chống lại lợi ích của Nhà Trắng và giới hạn sự tự do của Mỹ về các vấn đề quốc tế. Việc Washington không thể hòa giải với Moscow sẽ khiến tiến trình giải quyết cuộc xung đột Ukraine tiếp tục trì trệ trong thời gian tới. Hướng đi quan hệ hai nước trong thời gian tới giờ chỉ còn phụ thuộc vào chính quyền của Tổng thống Vladimir Putin”.

(theo TTXVN)