📞

Mỹ - Nga hợp tác Phòng thủ tên lửa đạn đạo?

14:38 | 11/07/2010
Một số nhà phân tích cho rằng bước tiếp theo trong tiến trình xây dựng quan hệ đối tác chiến lược Mỹ - Nga sau khi hai bên ký Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới (START mới) hồi tháng 4/2010 là phối hợp trong lĩnh vực Phòng thủ tên lửa đạn đạo (BMD). Nếu đạt thỏa thuận BMD, Mỹ sẽ tăng cường được sự tin tưởng từ phía Nga, củng cố khả năng phòng thủ chống lại mối đe dọa từ các nước mà Washington cho là thù địch như Iran và CHDCND Triều Tiên, đồng thời sẽ là tiền đề để cắt giảm nhiều hơn nữa kho hạt nhân của hai nước, tiến tới một thế giới không có vũ khí hạt nhân như tuyên bố của Tổng thống Obama.
Nếu đạt được thỏa thuận BMD, Mỹ sẽ tăng cường được sự tin tưởng từ phía Nga.

Mặc dù ý tưởng hợp tác Mỹ - Nga trên lĩnh vực BMD đã được đưa ra cách đây vài thập kỷ nhưng hai nước hầu như chưa đạt được tiến triển gì kể từ khi Hệ thống Bảo vệ toàn cầu do Tổng thống George H.W. Bush và người đồng nhiệm Nga Boris Yelsin khởi xướng năm 1992. Nguyên nhân một phần là do hợp tác BMD không phải là ưu tiên chiến lược của Bill Clinton và George W. Bush, hơn nữa trong giai đoạn này công nghệ BMD vẫn đang trong quá trình hình thành. Dưới chính quyền Obama, theo báo cáo đánh giá chính sách phòng thủ tên lửa đạn đạo và chính sách hạt nhân gần đây, BMD sẽ đóng vai trò quan trọng trong chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ. Trong bối cảnh Mỹ đang mở rộng hoạt động BMD, đặc biệt là ở Châu Âu, và chính sách đối ngoại của Obama mang tính đa phương, mềm dẻo hơn, đây được cho là thời điểm chín muồi để Mỹ và Nga đàm phán về hợp tác BMD.

Đây cũng là thời điểm thuận lợi để Washington tiến hành đàm phán trước khi hệ thống BMD của Mỹ và NATO mở rộng tới mức có thể trở thành rào cản cho quan hệ Mỹ - Nga. Ban đầu, hiệp ước hợp tác BMD có thể chỉ dừng lại ở việc phối hợp triển khai riêng rẽ các lá chắn chống lại Iran, sau đó sẽ mở rộng hợp tác trao đổi dữ liệu và phối hợp kiểm soát các BMD. Quá trình này sẽ giúp tăng cường đáng kể khả năng bảo vệ an ninh của cả Mỹ và Nga, thúc đẩy quan hệ song phương, đồng thời tạo thêm áp lực đối với Iran và Triều Tiên.

Hợp tác BMD không chỉ đem lại lợi ích chính trị chiến lược mà còn tạo tiền đề để Obama thực hiện tham vọng "một thế giới không có vũ khí hạt nhân". Nếu như Washington không có động thái xoá bỏ các quan ngại của Mátxcơva xung quanh các lá chắn tên lửa của Mỹ trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt là ở Đông Âu, thì chắc chắn Nga sẽ không cắt giảm thêm kho vũ hạt nhân ngoài mức đã quy định trong Hiệp ước START mới. Thực tế, việc Mỹ mở rộng BMD đã khiến Nga phải phụ thuộc nhiều hơn vào vũ khí hạt nhân để phòng thủ và duy trì vị thế cường quốc thế giới. Hợp tác với Nga là một cách để Mỹ khẳng định rằng các lá chắn BMD không nhằm vào Mátxcơva, qua đó loại bỏ nhân tố quan trọng nhất khiến Nga tăng cường sử dụng vũ khí hạt nhân, đồng thời tăng cường sự tin tưởng giữa hai nước, tiến tới cắt giảm nhiều hơn kho hạt nhân.

Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều rào cản đối với quá trình hợp tác BMD giữa Mỹ và Nga. Các sáng kiến phòng thủ tên lửa đa phương từ trước đến nay đã vấp phải không ít khó khăn. Chính phủ các nước thành viên NATO vẫn dẫm chân tại chỗ trong nỗ lực xây dựng hệ thống BMD trong phạm vi cả khối mặc dù đã đàm phán về vấn đề này trong hơn một thập kỷ qua. Công nghệ BMD cực kỳ phức tạp, chi phí xây dựng lại tốn rất tốn kém. Hơn nữa, vấn đề phối hợp kiểm soát và ra quyết định đánh chặn cũng đặt ra nhiều thách thức. Quyết định đánh chặn phải được đưa ra trong vòng một vài phút kể từ khi đối phương phóng tên lửa. Điều này đòi hỏi các nước tham gia sáng kiến BMD chung phải luôn đạt được sự đồng thuận cao trong mọi trường hợp.

Hơn nữa, bất đồng trong chính sách chuyển giao công nghệ cũng khiến các dự án BMD đa phương gặp nhiều khó khăn, ngay cả trong nội bộ NATO. Các nghị sĩ Mỹ lo ngại rằng nếu chia sẻ dữ liệu liên quan đến công nghệ BMD với Nga, rất có thể một số thông tin sẽ được Mátxcơva chuyển giao cho Tehran và các quốc gia có tham vọng hạt nhân khác. Bên cạnh đó, Mỹ và Nga vẫn còn nhiều bất đồng trong đánh giá mối đe dọa từ Iran. Mặc dù Nga không tán thành việc Tehran sở hữu tên lửa hạt nhân tầm xa nhưng nước này lại không đồng tình với quan điểm của Mỹ cho rằng Iran đã quyết định theo đuổi mục tiêu sản xuất vũ khí hạt nhân và có khả năng phát triển kho tên lửa hạt nhân trong thập kỷ tới. Các quan chức Nga cho rằng chỉ khi thống nhất quan điểm về các mối đe dọa của tên lửa đối phương thì hai bên mới có thể theo đuổi các biện pháp kinh tế, chính trị và quân sự để đối phó với các mối đe dọa này. Trong khi đó, các quan chức Mỹ và một số đồng minh của Mỹ tại Châu Âu lại cho rằng họ cần chuẩn bị đối phó với mối đe dọa tên lửa từ Iran ngay từ bây giờ.

Chính vì vẫn còn nhiều rào cản đối với tiến trình hợp tác BMD nên một số chuyên gia cho rằng thay vì ưu tiên hợp tác BMD, Washington và Mátxcơva trước mắt nên hợp tác trên những vấn đề ít gai góc hơn như giải quyết tình trạng bất ổn tại Trung Á và Afghanistan.

Khai Tâm