📞

Mỹ quyết tâm trừng phạt Triều Tiên

17:17 | 12/07/2017
Tờ The Wall Street Journal ngày 11/7 đưa tin, Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang chuẩn bị đơn phương thắt chặt các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên, hướng mục tiêu vào những công ty và ngân hàng của Trung Quốc mà Washington cho rằng đang rót tiền cho chương trình vũ khí của Bình Nhưỡng. 

Mới đây, các quan chức Nhà Trắng cho biết, Mỹ sẵn sàng sử dụng quyền lực của mình để cắt đứt các dòng tiền đang tài trợ cho chế độ của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, mặc dù các quan chức Mỹ vẫn cần sự ủng hộ của Trung Quốc để thực hiện hình phạt này.

Theo giới phân tích, vụ thử tên lửa đạn đạo của Triều Tiên hôm 4/7 sẽ đẩy nhanh những nỗ lực trừng phạt đơn phương từ phía Mỹ. 

Khó tạo sự khác biệt

Nhiều năm qua, Triều Tiên luôn chứng tỏ khả năng kháng cự tốt trước những lệnh trừng phạt của Mỹ. Vì vậy, nhiều chuyên gia hoài nghi các lệnh trừng phạt lần này sẽ khó tạo sự khác biệt.

Bình Nhưỡng đã trở nên "thành thạo" trong việc lẩn tránh các lệnh trừng phạt, trong đó có cả việc ngụy trang các công ty tài chính và mậu dịch của mình dưới "vỏ bọc" của những công ty Trung Quốc.

Tổng thống Mỹ Donald Trump, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. (Nguồn: DNA India)

Theo các nhà phân tích, đối tác thương mại chính của Triều Tiên là Trung Quốc cũng phản đối việc thắt chặt lệnh trừng phạt đối với quốc gia này do Trung Quốc quan ngại sự sụp đổ của chế độ tại Bình Nhưỡng có thể gây ra một cuộc khủng hoảng người tị nạn. Mặt khác, xét về địa chính trị thì Bình Nhưỡng là bàn đạp để Bắc Kinh có thể đối phó với sức mạnh của Mỹ tại châu Á.

Giới quan sát nhận định, bản thân Mỹ gần như không có mối quan hệ trực tiếp nào với Triều Tiên sau khi đã áp đặt một loạt lệnh trừng phạt song phương để đáp trả các vụ thử hạt nhân và tên lửa trước đó. Do việc gia tăng áp lực lên Triều Tiên đòi hỏi phải nhằm mục tiêu vào nhiều công ty của Trung Quốc hơn nên hành động đơn phương có khả năng sẽ "thổi bùng" những căng thẳng vốn đang âm ỉ giữa Washington và Bắc Kinh.

Động thái này cũng có thể làm giảm đi những nỗ lực của Washington nhằm giúp các công ty Mỹ tiếp cận gần hơn với thị trường đông dân nhất thế giới và huy động được sự ủng hộ của Bắc Kinh đối với những vấn đề quốc tế khác.

Nhiều ngân hàng Trung Quốc bị "sờ gáy"

Ngày 6/7, Bộ Tư pháp Mỹ đã nêu tên và đưa ra các hình phạt với "các tài khoản USD ở nước ngoài” có dính líu đến một mạng lưới gồm 5 công ty tại Trung Quốc có tên Chi Yupeng, chuyên tiến hành các vụ giao dịch giúp tài trợ cho các chương trình vũ khí và quân sự của Triều Tiên.

Nhiều khả năng Mỹ sẽ cắt đứt mạng lưới này như cách mà nước này đã trừng phạt một công ty khác của Trung Quốc là Dandong Hongxiang Industrial Development Co. Ltd hồi năm ngoái.

Ngân hàng Dandong của Trung Quốc bị liệt vào danh sách trừng phạt của Mỹ. (Nguồn: Reuters)

Giới phân tích cho rằng, chính quyền Mỹ cũng đang nhắm tới gần 20 ngân hàng Trung Quốc bị cáo buộc rửa tiền cho Dangdong Hongxiang. Hiện tại, Bộ Ngoại giao Trung Quốc chưa có bình luận gì về thông tin trên.

Tháng trước, Bộ Tài chính Mỹ công bố, họ sẽ loại ngân hàng Dandong của Trung Quốc khỏi thị trường tài chính Mỹ bởi những cáo buộc cho rằng Triều Tiên đang sử dụng các tài khoản của ngân hàng này dưới những tên giả mạo và thực hiện các giao dịch tài chính thông qua các ngân hàng khác ở Trung Quốc, Hong Kong và Đông Nam Á.

Thậm chí trước khi Triều Tiên tiến hành vụ thử tên lửa hôm 4/7, Chính quyền của ông Trump đã bắt đầu tìm cách thắt chặt các lệnh trừng phạt để cắt đứt "mọi nguồn kinh phí bất hợp pháp của Triều Tiên". Phát biểu chỉ vài ngày trước khi Bình Nhưỡng thử tên lửa, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho hay: "Chúng tôi sẽ tiếp tục xem xét các hành động này và tiếp tục thắt chặt các lệnh trừng phạt". 

Nhiều nhà cựu ngoại giao Mỹ, trong đó có cán bộ ngoại giao hàng đầu dưới Chính quyền Bush Juan Zarate cho rằng, Washington phải gia tăng sức ép lên các công ty và ngân hàng Trung Quốc.

Các nhà phân tích và các quan chức cấp cao của hai chính quyền Mỹ trước đây cho rằng cơ chế trừng phạt hiện tại đối với Triều Tiên là khá "sơ sài" so với các lệnh trừng phạt của Chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama đối với Iran. Chính những nỗ lực trừng phạt của Mỹ đã đẩy Iran vào cuộc khủng hoảng, buộc quốc gia này phải đàm phán mặc dù nhiều chuyên gia chính sách đối ngoại đặt dấu hỏi về tính hiệu quả của thỏa thuận mà Mỹ đạt được với Iran sau đó. 

(theo The Wall Street Journal)