Quyết định rút khỏi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) của Mỹ, chỉ một ngày trước khi kết quả bầu cử chức vụ Tổng Giám đốc UNESCO được công bố, khiến nhiều nước không khỏi ngạc nhiên. Tuy nhiên, đối với giới quan sát, động thái của Washington chỉ là sớm muộn, bởi từ lâu Nhà Trắng đã không tìm thấy tiếng nói chung với tổ chức này của Liên hợp quốc (LHQ).
Từ khởi đầu tốt đẹp...
Lịch sử hình thành và phát triển của UNESCO gắn liền với vai trò của Mỹ. Sau khi Chiến tranh Thế giới thứ Hai kết thúc, tháng 11/1945, được sự ủng hộ của 37 quốc gia thành viên, UNESCO đã ra đời, với mong muốn thúc đẩy hòa bình và an ninh thông qua hợp tác đa phương trong lĩnh vực giáo dục, khoa học và văn hóa. Do vậy, nhiệm vụ chính của UNESCO là tiến hành các chương trình cải thiện giáo dục, nâng cao bình đẳng giới, thúc đẩy tiến bộ khoa học và tự do ngôn luận. Ngoài ra, sự phát triển của UNESCO cũng gắn liền với các chương trình bảo tồn di sản thế giới của nhiều quốc gia.
Trụ sở UNESCO. |
Thời kỳ đầu khi mới thành lập, UNESCO đã được Mỹ kỳ vọng sẽ truyền bá các tư tưởng chống phát xít, thông qua các chương trình đào tạo phổ biến tại nhiều quốc gia. Tuy nhiên, khi Chiến tranh Lạnh nổ ra, Washington lại muốn tổ chức này đưa ra những phát biểu có lợi cho xứ Cờ hoa.
Với mục tiêu chính trị như vậy, nên tài trợ của Mỹ dành cho UNESCO trong quá khứ là rất lớn. Ở thời điểm hiện tại, Mỹ vẫn là nước đóng góp ngân sách nhiều nhất cho tổ chức này (22%), cao hơn nhiều quốc gia khác như Nhật Bản (9,68%), Trung Quốc (7,92%), Đức (6,39%), Pháp (4,86%), Anh (4,46%), Nga (3,09%) và Hàn Quốc (2,04%). Mặc dù Washington rộng hầu bao về ngân sách cho UNESCO như vậy, song quyền lực và vị thế của Mỹ trong tổ chức này lại bị giảm sút đáng kể. Tính từ khi thành lập tới nay, chỉ có duy nhất một lần vào năm 1951 Tổng Giám đốc UNESCO là người Mỹ.
Bên cạnh đó, khi có nhiều quốc gia được kết nạp vào UNESCO, tiếng nói của Washington phần nào bị lấn át. Phần lớn các nước thành viên mới đều là những quốc gia mới giành được độc lập sau quá trình đấu tranh ở châu Á và châu Phi, do đó họ chủ yếu dành sự ủng hộ cho phía Liên Xô. Tới tháng 7/1983, đã có 160 quốc gia tham gia vào tổ chức này.
... đến hành trình trắc trở...
Thực tế, mối quan hệ giữa Washington và UNESCO không phải đến bây giờ mới xảy ra tình trạng “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”. Năm 1974, Quốc hội Mỹ đã quyết định ngừng đóng góp cho ngân sách của UNESCO sau khi tổ chức này chỉ trích Israel và công nhận Tổ chức giải phóng Palestine (PLO). Năm 1984, Washington duới thời cựu Tổng thống Ronald Reagan từng rút ra khỏi UNESCO, với lý do tổ chức này thiên vị và ủng hộ Liên Xô. Phải tới 18 năm sau (tức năm 2002), Tổng thống George W. Bush mới ra quyết định Mỹ trở lại làm thành viên của UNESCO.
Tuy nhiên, chỉ 9 năm sau, Mỹ và UNESCO lại tiếp tục bất đồng về cuộc xung đột giữa Israel và Palestine. Tháng 9/2011, Palestine đệ đơn xin gia nhập LHQ và đề nghị trở thành quốc gia độc lập, nhưng vấp phải sự phản đối rất gay gắt từ phía Washington và Tel Aviv. Tuy vậy, UNESCO vẫn kết nạp Palestine làm thành viên chính thức của tổ chức này khi chỉ có 14 phiếu chống. Washington thì cho rằng hành động này gây ảnh hưởng tới tiến trình đàm phán hòa bình và quyết định ngừng viện trợ cho UNESCO.
Đáp lại, lấy lí do Mỹ chậm trễ trong việc thực hiện các khoản đóng góp ngân sách, UNESCO đã tạm ngưng quyền biểu quyết của Washington trong nhiều vấn đề quan trọng. Cuộc “ly thân” của Washington với UNESCO như vậy đã diễn ra từ năm 2011 và đi kèm với nó là khoản tiền chưa đóng góp sẽ lên tới 550 triệu USD tính tới cuối năm 2017. Mỗi năm, trung bình Mỹ đóng góp 22% ngân sách, tương ứng với 80 triệu USD cho UNESCO.
Sự căng thẳng giữa Washington và UNESCO có xu hướng gia tăng khi tháng 7/2017, UNESCO tuyên bố thành phố cổ Hebron, khu Bờ Tây do Israel đang chiếm đóng, là di sản thế giới của Palestine. Trước đó vào năm 2015, UNESCO cũng đã ra một Nghị quyết lên án Israel không có phương án xử lý thỏa đáng các di sản thế giới tại khu vực mà nước này đang kiểm soát ở Jerusalem. UNESCO cũng lên án hành vi Israel sử dụng các biện pháp trái luật pháp quốc tế khi cấm thờ cúng tại khu vực linh thiêng của người Hồi giáo.
Sau Nghị quyết này, Thủ tướng Israel Netanyahu đã cắt ngay khoản đóng góp 1 triệu USD của quốc gia này cho UNESCO. Năm 2016, UNESCO lại đưa ra một Nghị quyết tương tự lên án Israel có hành vi “leo thang xâm lược” tại khu vực thánh địa Thành phố cổ ở Jerusalem.
... và cuộc chia tay
Việc UNESCO liên tục lên án, chỉ trích Israel, một đồng minh chiến lược ở Trung Đông, đã làm Mỹ phật ý và khiến Washington cho rằng các nước đang hùa theo một đường lối tư duy mang tính tập thể của UNESCO. Theo Mỹ, Hiến chương của tổ chức này, cũng giống như Hiến chương của LHQ, là cam kết các quốc gia thành viên phải ủng hộ các quyền cơ bản của con người. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, ngay tại tổ chức này, các quyền lợi của Israel đã không được tôn trọng.
Bên cạnh chỉ trích tâm lý “bài” Israel, Washington cũng tỏ ra không hài lòng về phong cách làm việc có phần kém hiệu quả của UNESCO. Chỉ có rất ít người trong số 2.000 nhân viên của tổ chức này hoạt động tại các nước đang phát triển, trong khi phần lớn vẫn “đóng quân” ở tổng hành dinh Paris và Mỹ đã nhiều lần phàn nàn với UNESCO.
Quan trọng hơn, mặc dù là nước dành nhiều ngân sách nhất cho UNESCO, song Mỹ lại cảm thấy không được đánh giá đúng mực. Từ năm 1984, đại diện của Mỹ tại UNESCO Jeane Kirkpatrick đã lên tiếng phàn nàn rằng, nhiều quốc gia được quyền bỏ phiếu nhưng lại không có đóng góp tài chính, trong khi đó tiếng nói từ các nước có đóng góp về tài chính lại không được coi trọng. Tất cả những lý do trên có lẽ đã khiến cho chính quyền của Tổng thống Donald Trump quyết định Mỹ chính thức rút khỏi UNESCO vào ngày 31/12/2018.
Nhiều nhà phân tích đặt câu hỏi rằng liệu đây là quyết định chiến lược của Washington, hay chỉ là cách mà Mỹ đánh tiếng với UNESCO, khi cuộc chạy đua giành chiếc ghế Tổng Giám đốc nhiệm kỳ 2017 - 2021 đang ở thời điểm cao trào. Không biết vô tình hay hữu ý mà tuyên bố rút khỏi UNESCO của Mỹ đã khiến cho cựu Bộ trưởng Văn hóa Pháp gốc Do Thái, bà Audrey Azoulay, bất ngờ giành thắng lợi với 30/58 phiếu bầu. Trong khi tại cuộc bỏ phiếu vòng 4, bà chỉ được 18 phiếu bằng ứng cử viên Moushira Khattab (Ai Cập) được Trung Quốc rất ủng hộ và thua ứng viên Hamad bin Abdulaziz al-Kawari (Qatar) tới 4 phiếu.
Trước mắt, quyết định của Mỹ khiến UNESCO sẽ phải cắt giảm một phần trong tổng số 2.000 nhân viên. Với ngân sách năm 2017 chỉ còn khoảng 326 triệu USD (giảm một nửa so với năm 2012), tổ chức này sẽ buộc phải cắt bỏ nhiều chương trình hoạt động của mình. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố vẫn tham gia vào UNESCO với vai trò quan sát viên. Mong rằng, đây là động thái mở đường lui của Mỹ cho mối quan hệ với UNESCO trong tương lai, thay vì “đoạn tuyệt” như nhiều người suy đoán.
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.