📞

Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục sóng gió

21:52 | 14/10/2017
Căng thẳng ngoại giao giữa Ankara và Washington dường như lại tăng thêm một cấp độ mới khi hai bên trả đũa nhau bằng cách dừng cấp visa cho công dân của nhau.

Mọi chuyện bắt đầu ngày 8/10 khi Đại sứ Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố dừng cấp visa cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ, để phản đối việc nhân viên sứ quán của nước này bị bắt giữ “bất hợp pháp”. Lý do là ông Metin Topuz, một công dân Thổ Nhĩ Kỳ làm việc cho Lãnh sự quán Mỹ tại Istanbul, bị cáo buộc có liên hệ với giáo sĩ lưu vong Fetullah Gulen, người được cho là đứng sau âm mưu đảo chính tại quốc gia này hồi tháng 7/2016.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan và người đồng cấp Mỹ Donald Trump. (Nguồn: AP)

Ngay lập tức, phía Ankara đã có động thái đáp trả tương tự. Trong bài phát biểu ngày 9/10 nhân chuyến thăm Serbia, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ  Recep Tayyip Erdogan tuyên bố: “Chúng tôi không bắt đầu vấn đề này, mà chính là nước Mỹ”. Ông cũng chỉ trích Đại sứ sắp mãn nhiệm của Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ John R. Bass vì đã gây tổn hại quan hệ Mỹ - Thổ.

Tuy nhiên, những lời cứng rắn từ Ankara không làm Washington chùn bước. Người Phát ngôn Bộ ngoại giao Mỹ Heather Nauert cho biết: “Nhà Trắng hoàn toàn ủng hộ quyết định đúng đắn của Đại sứ Bass”. Về phần mình, ông Bass cho biết: “Đây là một quyết định không hề dễ dàng. Chúng tôi rất lấy làm tiếc”.

Hơn thế nữa, trước vụ việc này, chính quyền của Tổng thống Erdogan đã tiến hành nhiều cuộc bắt giữ các đối tượng tình nghi liên quan đến cuộc đảo chính hồi tháng 7/2016, trong đó có một số công dân Mỹ. Nghiêm trọng hơn, lực lượng an ninh Thổ Nhĩ Kỳ cũng từng bắt giữ một nhân viên Lãnh sự Mỹ tại Adana với cáo buộc tương tự.

Chuyên gia về Thổ Nhĩ Kỳ thuộc Viện Nghiên cứu Washington, ông Soner Cagaptay nhận định: “Đây là một cuộc khủng hoảng khá nghiêm trọng và chưa từng có tiền lệ, ngay cả khi mối quan hệ ngoại giao giữa Washington và Ankara ở giai đoạn khó khăn nhất”.

Thật vậy, trong thời gian gần đây, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đang bất đồng trong những vấn đề then chốt. Trong khi Washington ủng hộ lực lượng chiến binh người Kurd, Ankara lại đang có xu hướng ngả về phía Nga trong cuộc chiến tại Syria. Tổng thống Erdogan cũng luôn thúc giục người đồng cấp Mỹ trục xuất giáo sĩ lưu vong Fetullah Gulen về Thổ Nhĩ Kỳ để chịu xét xử. Một cuộc khảo sát gần đây của Viện Nghiên cứu Pew cho thấy có tới 72% người Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại về ảnh hưởng tiêu cực của Mỹ tới đất nước của mình.

Trong một động thái hạ nhiệt, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim kêu gọi các bên cùng nhau đối thoại để tìm ra giải pháp tháo gỡ tình trạng căng thẳng hiện nay. Hiện có tới gần nửa triệu người Mỹ, gồm nhiều doanh nhân và khách du lịch tới Thổ Nhĩ Kỳ mỗi năm và Ankara hẳn không muốn đánh mất thị trường tiềm năng này. Bên cạnh đó, lệnh cấm visa đã khiến giá trị đồng Lira của Thổ Nhĩ Kỳ giảm tới 4%. Chưa rõ phía Mỹ sẽ có phản ứng gì để giải quyết căng thẳng hiện nay, nhưng theo giới quan sát, cái thời Mỹ - Thổ “kề vai sát cánh” trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã lùi sâu vào dĩ vãng.