📞

Mỹ tiêu diệt trùm khủng bố Al-Qaeda: Vừa mừng vừa lo

Lưu Huỳnh 19:54 | 02/08/2022
Việc Mỹ tiêu diệt thủ lĩnh Al-Qaeda Ayman al-Zawahiri đã giáng đòn vào chủ nghĩa khủng bố, song cũng cho thấy thực tế đáng ngại cùng một số tác động tới Mỹ và khu vực.
Thủ lĩnh al-Qaeda Ayman al-Zawahiri, cánh tay phải đắc lực của trùm khủng bố Osama bin Laden, đã bị Quân đội Mỹ tiêu diệt ngày 31/7. (Nguồn: Reuters)

Ngày 31/7, Quân đội Mỹ thông báo đã tiêu diệt thủ lĩnh al-Qaeda Ayman al-Zawahiri tại Afghanistan, người kế nhiệm của Osama bin Laden và có vai trò quan trọng trong vụ khủng bố ngày 11/9/2001.

Quan chức Mỹ cho biết máy bay không người lái (UAV) Mỹ đã phóng hai tên lửa Hellfire R9X hạ gục trùm khủng bố trên ban công dinh thự ở Kabul ngày 31/7.

Theo AFP, Hellfire R9X hay “Hỏa ngục” là loại tên lửa của Mỹ không có đầu đạn, song được trang bị 6 lưỡi dao để đâm xuyên mục tiêu nhưng không phát nổ. Vũ khí này đã xuất hiện trong các chiến dịch tấn công chính xác của Mỹ từ năm 2017. Ảnh từ hiện trường cho thấy không có dấu hiệu của vụ nổ và Quân đội Mỹ cũng khẳng định không có thương vong khác về người, ngoài thủ lĩnh al-Qaeda.

Ngay sau vụ tấn công, Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định: “Công lý đã được thực thi…Dù bọn chúng có trốn bao xa, trốn bao lâu đi chăng nữa, chừng nào bọn chúng còn là mối đe dọa với người dân Mỹ, nước Mỹ sẽ tìm ra và tiêu diệt chúng".

Có thể thấy, đây là kết quả tích cực với chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden, nếu xét trên một số khía cạnh sau.

Đầu tiên, cái chết của thủ lĩnh al-Qaeda Ayman al-Zawahiri sẽ giáng đòn vào chủ nghĩa khủng bố. Điều này có ý nghĩa đặc biệt khi Nam Á đang phải trải qua nhiều bất ổn, vốn là điều kiện thuận lợi cho tổ chức khủng bố, phiến quân phát triển.

Ngoài ra, sự kiện này cũng giúp ông Joe Biden tái lập thành tích tương tự như người tiền nhiệm đảng Dân chủ Barack Obama khi hạ gục một trùm khủng bố al-Qaeda, khẳng định cam kết chống chủ nghĩa khủng bố tại khu vực, dù không còn hiện diện quân sự tại Afghanistan. Đây cũng là “cú huých” cần thiết với ông chủ Nhà Trắng, trong bối cảnh tỷ lệ ủng hộ ông Joe Biden đã giảm sâu chỉ còn 38%, mức thấp kỷ lục với cá nhân ông nói riêng và các đời Tổng thống Mỹ nói chung.

Ở chiều ngược lại, cái chết của trùm khủng bố al-Qaeda Ayman al-Zawahiri cũng cho thấy thực tế đáng ngại và một số hệ quả khó lường với nước Mỹ và khu vực.

Thứ nhất, nguy cơ về các lực lượng khủng bố sử dụng Afghanistan dưới thời Taliban làm căn cứ đang trở thành hiện thực. Việc trùm khủng bố Ayman al-Zawahiri bị tiêu diệt tại một dinh thự sang trọng giữa lòng thủ đô Kabul, Afghanistan thay vì một căn nhà nhỏ ở Abbottabad, vùng quê hẻo lánh gần biên giới Pakistan như người tiền nhiệm Osama bin Laden, phản ánh rõ thực tế này. Nó cũng cho thấy cam kết ngăn chặn al-Qaeda hoạt động trên lãnh thổ Afghanistan của lực lượng Taliban theo thỏa thuận Doha vẫn chỉ nằm trên giấy.

Trong bối cảnh khu vực Nam Á chứng kiến nhiều biến động ở Afghanistan và mới đây là Sri Lanka, chủ nghĩa khủng bố chắc chắn sẽ còn nhiều “đất diễn” hơn.

Cái chết của thủ lĩnh al-Qaeda Ayman al-Zawahiri sẽ giáng đòn vào chủ nghĩa khủng bố. Điều này có ý nghĩa đặc biệt khi Nam Á đang phải trải qua nhiều bất ổn, vốn là điều kiện thuận lợi cho tổ chức khủng bố, phiến quân phát triển.

Thứ hai, chiến dịch tấn công này đã bị Taliban phản ứng gay gắt. Người phát ngôn của lực lượng này, ông Zabihullah Mujahid đã chỉ trích cuộc tấn công của Mỹ vi phạm “các nguyên tắc quốc tế”, thỏa thuận Doha và “lặp lại sự thất bại”.

Taliban hiện đã là người chơi quan trọng tại khu vực và Mỹ cần cân nhắc xây dựng quan hệ, tận dụng lực lượng này kiểm soát chủ nghĩa khủng bố ở Nam Á.

Thứ ba, các đợt không kích sử dụng vũ khí chính xác của Mỹ như Hellfire R9X cũng một lần nữa đặt câu hỏi về sử dụng vũ lực trên lãnh thổ một nước khác mà chưa được nước đó cho phép, dù đó là chiến dịch tiêu diệt thủ lĩnh của al-Qaeda.

Cuối cùng, đảng Cộng hòa đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội chỉ trích rằng chính chiến dịch rút quân bất ngờ, thiếu tính toán của ông Joe Biden đã tạo điều kiện cho lực lượng al-Qaeda trở lại Afghanistan.

Nếu đảng này nắm quyền kiểm soát lưỡng viện sau cuộc bầu cử giữa kỳ, chiến dịch rút quân tại các địa bàn nóng như Iraq, Syria hay Yemen của Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ khó được ủng hộ hơn.

Đây là các vấn đề Washington dưới thời Tổng thống Joe Biden cần sớm trả lời, nếu Mỹ thực sự muốn khẳng định cam kết chống chủ nghĩa khủng bố toàn cầu.