TIN LIÊN QUAN | |
Công du Trung Đông, Ngoại trưởng Mỹ khẳng định cam kết tiêu diệt vĩnh viễn IS | |
Mỹ cảnh báo trì hoãn công bố kế hoạch hòa bình tại Trung Đông |
Những chuyến công du “ngoại giao con thoi” như thế là vô cùng cần thiết, đặc biệt sau một loạt các tuyên bố bị coi là “tiền hậu bất nhất” của Tổng thống Donald Trump.
Ngày 19/12/2018, ông Trump khẳng định “đã đến lúc đưa những thanh niên Mỹ về nhà” và cho biết sẽ rút quân tại Syria trong vòng một tháng. Chưa đầy hai tuần sau, ông đã kéo dài thời gian rút quân thành bốn tháng, và cuối cùng là vô thời hạn, cho đến khi tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng bị đánh bại hoàn toàn. Những thay đổi liên tục và khó nắm bắt của nhà lãnh đạo này gây ra không ít hoang mang trong các đồng minh của Mỹ tại khu vực.
Do đó, chuyến đi của Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton tới Israel, Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan, Ai Cập và chuyến công du 8 nước của Ngoại trưởng Mike Pompeo được cho là để giảm thiểu “thiệt hại” từ những phát ngôn của Tổng thống, đồng thời trấn an các đồng minh khu vực về cam kết của Mỹ đối với khu vực Trung Đông.
Tổng thống Donald Trump và Đệ nhất phu nhân bất ngở có chuyến thăm binh lính Mỹ tại Iraq hôm 26/12/2018. (Nguồn: AP) |
Từ quả đắng Thổ Nhĩ Kỳ…
Trong hai ngày 4 và 5/1, ông John Bolton đã có chuyến làm khách tại Tel Aviv, một trong những đồng minh thân cận nhất của Washington nói chung và tại Trung Đông nói riêng. Cố vấn An ninh Quốc gia đã khẳng định rằng Mỹ sẽ chưa rời Syria chừng nào hai điều kiện sau đây chưa hội tụ.
Đầu tiên, 17.000 chiến binh IS còn sót lại tại Syria cần bị tiêu diệt hoàn toàn. Ở thời điểm hiện tại, IS chỉ còn là cái bóng của chính nó vào thời hoàng kim. Song, sức mạnh của IS vẫn là không thể coi thường. Một báo cáo của Liên hợp quốc hồi tháng 8/2018 cho thấy vẫn còn ít nhất 20 - 30.000 chiến binh IS đang chiến đấu tại Syria và Iraq. Hàng trăm trong số đó vẫn đang cố thủ tại khu vực Hajin ở biên giới hai nước, với một hệ thống đường hầm, địa đạo được xây dựng kiến cố và trải dài trên 20 km2. Cách tác chiến này cho phép chúng chống trả tương đối hiệu quả trước các lực lượng tấn công cho dù có ưu thế về mặt quân số và vũ khí, khí tài. Từ ngày 9 – 15/12/2018, Mỹ đã tiến hành 208 vụ không kích, hầu hết trong số đó nhắm vào Hajin.
Thêm vào đó, lợi dụng thời tiết xấu, IS đã tấn công lực lượng người Kurd, đồng thời mở rộng hoạt động trở lại tại khu vực Raqqa, thủ phủ một thời của tổ chức này, cũng như Mosul, thành trì cuối cùng của IS tại Iraq. Do đó, tiêu diệt hoàn toàn IS tại Iraq và Syria là không hề đơn giản, nhất là khi sự hiện diện của Mỹ là không hề nhiều.
Thứ hai, ông John Bolton khẳng định Mỹ sẽ chỉ rút quân chừng nào Thổ Nhĩ Kỳ cam kết sẽ không tấn công người Kurd. Đây có thể là cam kết của Washington đối với lực lượng đã từng kề vai sát cánh chống IS. Tuy nhiên, điều này đã chọc giận Ankara, vốn coi việc tiêu diệt người Kurd và đảng Lao động người Kurd (PKK) là một nhiệm vụ cốt lõi tại Syria.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã từ chối gặp Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ, đồng thời chỉ trích yêu cầu của Washington về chuyển giao căn cứ quân sự cho người Kurd là sai lầm. Ông Bolton chỉ có thể gặp gỡ người đồng cấp Ibrahim Kalin, với nội dung cuộc thảo luận xoay quanh việc Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu Mỹ phá hủy các căn cứ này một khi rời đi. Ankara có vai trò then chốt trong quyết định rút quân của Tổng thống Donald Trump và thiếu vắng nhân tố này, việc Mỹ rời Syria vẫn tiếp tục là một câu hỏi không lời giải đáp.
… đến bài toán Iran
Ngày 8/1, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã có chuyến công du Jordan. Phát biểu trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Jordan Ayman Safadi, ông cho biết Mỹ đang củng cố nỗ lực ngoại giao và kinh tế nhằm đối trọng với “ảnh hưởng tiêu cực” của Iran trong khu vực: “Những mối đe dọa lớn nhất của khu vực là Daesh và cách mạng Hồi giáo”.
Theo đó, Washington mong muốn duy trì ảnh hưởng tại Trung Đông để chống lại Iran, ngay cả khi nước này rút khỏi chiến trường Syria, động thái sẽ giúp Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran cùng chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad giành ưu thế trước lực lượng người Kurd cùng các đồng minh của Mỹ như Israel, Pháp và Đức.
Paris và Berlin không quá mặn mà với việc chống Tehran và Washington chỉ có thể trông cậy vào Tel Aviv, vốn tiếp tục thực hiện nhiều chiến dịch không kích vào các căn cứ quân sự của Tehran tại Syria. Tuy nhiên, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đang bận rộn vận động trong chiến dịch tái tranh cử sớm và khó có thể đòi hỏi gì quá nhiều từ nước này.
Ngay cả khi thành công trong việc yêu cầu Israel tiếp tục chiến dịch chống Iran, cái giá phải trả cũng sẽ là không nhỏ: Tel Aviv mong muốn Washington công nhận cao nguyên Golan, vốn bị nước này chiếm đóng sau cuộc Chiến tranh Sáu ngày, là một phần lãnh thổ của Israel. Điều này sẽ khiến căng thẳng giữa Israel và các nước một lần nữa bùng phát trở lại và đẩy Mỹ vào thế khó xử.
Dường như Mỹ cần nhiều hơn là những chuyến đi của Cố vấn An ninh Quốc gia và Ngoại trưởng để giảm thiệt hại từ kế hoạch rút quân khỏi Syria. Với Mỹ, đó chắc chắn phải là một chiến lược dài hơi, có cân nhắc kỹ lưỡng về đồng minh, kẻ thù và nhất là được đưa ra đúng thời điểm, chứ không chỉ bất chợt qua một dòng tweet vỏn vẹn 140 ký tự vừa qua.
Ngoại trưởng Mỹ công du 8 nước Trung Đông Ngày 4/1, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo Ngoại trưởng Mike Pompeo sẽ công du 8 nước Trung Đông trong tuần tới để củng cố ... |
Nước đi mới trong thế cờ tàn ở Syria Giữa những lời chỉ trích, oán hận về sự hiện diện của người Mỹ ở Trung Đông, Tổng thống Donald Trump đã đưa ra một ... |
“Chảo lửa” Trung Đông và nhát búa cuối cùng của ông Trump Nếu dùng màu sắc để phác họa bức tranh Trung Đông trong năm 2018, thì ắt hẳn đó sẽ là gam “nóng”. |