📞

Mỹ và Pháp xây dựng chiến lược dài hạn cho cuộc chiến Syria

08:21 | 30/06/2017
Việc cam kết “cùng hành động” trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công hóa học khác ở Syria cho thấy Washington và Paris đều mong muốn tìm kiếm hòa bình tại Damascus.

Trong cuộc điện đàm ngày 27/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đều tuyên bố sẽ có phản ứng cụ thể về mặt quân sự nếu một vụ tấn công vũ khí hóa học xảy ra tại Syria. Trước đó, phía Nhà Trắng cho biết các hoạt động tại căn cứ không quân Shayrat gần đây khá giống với những gì mà Chính quyền Syria Bashar al-Assad từng làm trước thời điểm diễn ra vụ tấn công hóa học tại thị trấn Khan Sheikhun do quân nổi dậy kiểm soát vào ngày 4/4, khiến ít nhất 87 người thiệt mạng. Sự kiện này đã khiến ông Trump quyết định phê chuẩn việc sử dụng 59 tên lửa hành trình Tomahawk tấn công căn cứ Shayrat. 

Bên cạnh đó, Tổng thống Trump cũng đã nhận lời mời tham dự lễ kỷ niệm Quốc khánh Pháp vào ngày 14/7 sắp tới tại Paris - sự kiện mà Nhà Trắng cho là cơ hội để hai lãnh đạo “tiếp tục xây dựng mối quan hệ hợp tác kinh tế, cũng như chống khủng bố" . 

Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron trong cuộc gặp gỡ hồi tháng 5 tại Brussels. (Nguồn: AFP)

Vết thương quá khứ

Bốn năm trước, vào tháng 8/2013, Mỹ và Pháp đã từng cam kết sẽ trừng phạt chế độ Assad sau khi Chính phủ Syria bị cáo buộc sử dụng khí độc sarin làm chết 1.400 người tại một thị trấn gần Damascus. Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama khi đó đã nói rằng, cuộc tấn công này đã vượt quá “ranh giới đỏ” mà ông đặt ra để Mỹ theo đó tiến hành can thiệp quân sự trong cuộc xung đột tại Syria.

Tuy nhiên, ông Obama đã thay đổi quyết định vào phút chót. Thay vì can thiệp quân sự, ông lại ký một thỏa thuận với Nga để loại bỏ kho vũ khí hóa học của Syria - một thỏa thuận mà các tổ chức quốc tế và lực lượng đối lập cho là Chính quyền Assad thường xuyên vi phạm. Các quan chức và giới ngoại giao Pháp cho rằng sự thay đổi lập trường đột ngột này của ông Obama đã để lại một “nỗi đau” kéo dài cho nước Pháp. 

“Ranh giới đỏ” từng được sử dụng để ám chỉ một “bước ngoặt” trong cuộc xung đột ở Syria, khi một số nhà quan sát cho rằng đây là điểm khởi đầu cho những thất bại của phe đối lập, mở đường cho chế độ Assad và các đồng minh là Nga cũng như Iran đạt được các thành tựu chính trị, cũng như quân sự. Bốn năm sau, cả ông Trump và ông Macron đều nhắc lại cụm từ này, song với một bối cảnh khác. 

Cam kết của Mỹ và Pháp

Trước khi ra lệnh tiến hành cuộc không kích bằng tên lửa, ông Trump khẳng định cuộc tấn công ở Khan Sheikhun đã “vượt qua rất rất nhiều ranh giới”. Trong khi đó, sau khi mới chỉ nhậm chức được 2 tuần, Tổng thống Pháp Macron đã trực tiếp gặp người đồng cấp Nga Vladimir Putin tại Versailles vào tháng 5 vừa qua, nhấn mạnh Pháp sẽ tấn công Syria nếu vũ khí hóa học xuất hiện trong cuộc chiến và sẵn sàng hành động một mình khi cần thiết. Sau đó, cả hai nhà lãnh đạo đều tuyên bố sẽ “cùng hành động” nếu giới hạn đỏ họ đề ra bị phá vỡ. 

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và người đồng cấp Nga Vladimir Putin trong cuộc họp báo chung ngày 29/5. (Nguồn: RT)

Charles Lister - nhà nghiên cứu kỳ cựu hiện đang làm việc tại Viện Trung Đông, cho rằng, lời đe dọa từ phía ông Trump không có nhiều tác dụng bởi ngay cả sau cuộc không kích hồi tháng 4, cách tiếp cận của Mỹ trong vấn đề Syria không thay đổi: “Các cuộc tấn công trừng phạt có giới hạn và những tuyên bố mạnh mẽ vẫn chưa đủ để ngăn cản một chế độ đã giết chết hàng trăm nghìn người dân của mình. Những điều này cũng không đủ để răn đe Nga hay Iran, những nước có nhiều lợi ích và rủi ro tại Syria hơn Mỹ”.

Trong khi đó, Phó Giáo sư Christopher Phillips của Chương trình Trung Đông và Bắc Phi thuộc tổ chức tư vấn Chatham House (London) lại cho rằng cam kết của Mỹ và Pháp không phải là “lời đe dọa suông”, và có động cơ khác. Câu hỏi đặt ra là tại sao họ lại đưa ra tuyên bố này ở thời điểm hiện nay? Đó có thể là thông điệp gửi đến Nga và Iran - hai đồng minh chính của chế độ Assad”.

Tuy nhiên, trong vấn đề Syria, khó có thể biết sự hợp tác Pháp - Mỹ sẽ tiến triển đến mức nào. Một nguồn tin ngoại giao cho biết Pháp chỉ được biết việc Mỹ tấn công vào căn cứ của Syria hồi tháng 4 vào những phút cuối cùng, quá muộn để Paris cùng tham gia ngay cả khi họ muốn. Trong khi đó, giới quan sát cho rằng cụm từ “ranh giới đỏ” đi kèm với nhiều rủi ro, bởi chế độ Assad có thể hiểu rằng bất kì hành động nào, miễn không phải là tấn công hóa học, đều có thể chấp nhận được, chẳng hạn như các hành vi “tra tấn, sử dụng bom thùng hay bao vây người dân”, những lo ngại mà chuyên gia nghiên cứu về Trung Đông Ziad Majed trao đổi với AFP

Cuối cùng, ông Bruno Tertrais, hiện đang làm việc tại Cơ quan Nghiên cứu Chiến lược (FSR) của Pháp, cho rằng lời đe dọa này ít nhất đã nhấn mạnh tới thực tế là cộng đồng quốc tế không chấp nhận mọi hình thức và lý do sử dụng vũ khí hóa học. Ông nói: "Pháp cho rằng, mình đóng vai trò đặc biệt trong việc cấm sử dụng vũ khí hóa học và ông Macron đã khẳng định lại điều đó”. 

(theo AFP)