Là sự kiện nối tiếp sau vòng đầu tiên của Hội nghị Panglong hồi tháng 8/2016, vòng hai của hội nghị diễn ra từ ngày 24 – 28/5 tại thủ đô Nay Pyi Taw sau nhiều lần bị trì hoãn.
Bà Aung Sann Suu Kyi được kỳ vọng là nhân tố giúp mang lại sự ổn định và hòa bình cho Myanmar. (Nguồn: Reuters) |
Hai tuần trước khi Hội nghị bắt đầu, chỉ có 2/20 nhóm sắc tộc đang xung đột tại Myanmar xác nhận tham dự Hội nghị Panglong lần này. Điều này khiến ảnh hưởng của Hội nghị Panglong đến tình hình hiện tại giảm đi đáng kể. Thêm vào đó, triển vọng hòa bình của Myanmar vẫn bị đe dọa bởi nhiều yếu tố khác nhau như việc hợp tác khó khăn giữa chính phủ dân sự và quân đội, sự chống đối ngày càng có tổ chức của các lực lượng nổi dậy…
Muôn vàn khó khăn
Đầu tiên, bất chấp việc đảng Liên minh quốc gia vì dân chủ (NLD) lên nắm quyền thay thế đảng Liên đoàn Đoàn kết và Phát triển (USDP) được nhiều tướng lĩnh “chống lưng” hồi năm 2015, quân đội Myanmar vẫn duy trì sức ảnh hưởng đáng kể đến nền chính trị. Mọi thỏa thuận mà chính phủ của bà Aung San Suu Kyi đề xuất nhưng không có sự ủng hộ của giới quân sự đều có thể bị phớt lờ. Hơn thế nữa, chính phủ dân sự buộc phải sửa đổi và thông qua bản Hiến pháp do quân đội soạn thảo, cho phép lực lượng này chiếm tới 1/4 số ghế trong Quốc hội, đủ để phản đối mọi đề xuất thay đổi.
Bên cạnh đó, bất chấp những tuyên bố mang tính hòa giải của mình, chính quyền NLD đang tỏ ra bất lực trong việc giành được lòng tin từ người dân, cũng như các phe nổi dậy. Tháng 12/2016, Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi đã thành lập Ủy ban Hợp tác chung (JCB) để tài trợ cho tiến trình hòa bình, bảo vệ và thúc đẩy các lợi ích của người dân bản địa trên toàn quốc. Tuy nhiên, những động thái này dường như chưa hiệu quả, nhất là trong việc ngăn người dân tiếp tục tham gia vào các lực lượng chống đối chính phủ.
Đặc biệt, các lực lượng nổi dậy đang hoạt động mạnh mẽ và có tổ chức hơn dưới ngọn cờ của Liên minh phương Bắc (NA) - một liên minh được thành lập hồi tháng 11/2016 với sự tham gia của các phiến quân mạnh nhất. Tổ chức này liên tiếp có những cuộc tấn công tại các bang Shan và Kachin, càng khiến cho cơ hội đánh bại lực lượng này trở nên mong manh hơn và khó có thể buộc họ ngồi lại bàn đàm phán hòa bình.
Kỳ vọng tương lai
Tuy nhiên, với những diễn biến gần đây, người dân Myanmar có quyền hy vọng một tương lai tươi sáng hơn của đất nước. Chính phủ Myanmar đang thực hiện những bước đi tích cực, lôi kéo các lực lượng nổi dậy ngồi lại bàn đàm phán. Ngay trước ngày diễn ra Hội nghị Panglong vòng hai, trong một bước đi táo bạo, chính quyền dân sự đã mời ba lực lượng nổi dậy gồm Quân đội Arakan (AA), Quân đội Giải phóng Quốc gia Ta’ang (TNLA) và Quân đội Liên minh Dân chủ Quốc gia Myanmar (MNDAA) tham dự Hội nghị.
Trước đó, sự tham dự của ba nhóm phiến quân này từng bị quân đội Myanmar phản đối mạnh mẽ. Tuy nhiên, ba lực lượng này cùng với Quân đội độc lập Kachin là thành tố quan trọng trong NA. Việc thuyết phục được những lực lượng này tham dự Hội nghị Panglong sẽ góp phần làm tan rã NA và khôi phục tia hy vọng cho hòa bình tại Myanmar.
Bên cạnh đó, ngày 24/5, đại diện của bảy nhóm xung đột sắc tộc cũng đã bất ngờ tới thủ đô Nay Pyi Taw để tham dự Hội nghị Panglong. Nổi bật trong số này có sự hiện diện của USWA - lực lượng quân sự phi chính phủ lớn nhất tại Myanmar, cùng nhiều nhóm nổi dậy khác. Một số nhân vật lãnh đạo thuộc các nhóm khác cũng tham dự với tư cách cá nhân hoặc khách mời.
Động thái này cho thấy phía chính phủ dân sự Myanmar đang có những bước đi quyết đoán hơn. Nó cũng đánh dấu những chuyển biến về tư tưởng của các tướng lĩnh quân đội trong việc hợp tác với chính quyền của bà Aung San Suu Kyi để thiết lập hòa bình tại Myanmar.
Tín hiệu tích cực khác đến từ phía Trung Quốc là chính quyền Bắc Kinh tái khẳng định sự ủng hộ cho kế hoạch hòa bình của bà Aung San Suu Kyi.
Rõ ràng, một Myanmar hòa bình, ổn định sẽ mang lại những lợi ích về kinh tế và chiến lược lớn hơn cho Trung Quốc, tạo điều kiện cho cường quốc này phát triển các mối quan hệ với Myanmar trong lĩnh vực năng lượng và thương mại xuyên biên giới, cũng như thúc đẩy các dự án trong khuôn khổ sáng kiến “Vành đai và Con đường”.
Trong bối cảnh có nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít thách thức, đảng NLD và bản thân Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi sẽ phải làm việc rất tích cực trong vòng hai Hội nghị Panglong để có thể hàn gắn những chia rẽ và bất đồng còn tồn tại trong suốt 50 năm qua ở Myanmar.