Có lẽ các vụ tấn công gây thương vong lớn ở Paris, Brussels, Nice, Munich hay Orlando, cùng những diễn biến nghiêm trọng, nhưng quy mô nhỏ hơn như ở Pháp và Đức những ngày vừa qua, mới chỉ là sự khởi đầu.
Tất cả các vụ tấn công này có thể không hẳn là có liên quan tới các tổ chức Hồi giáo cực đoan, song chúng ít nhiều đang khiến tình hình chính trị tại các quốc gia này đi theo những chiều hướng rất xấu.
Ảnh minh họa: Trong năm 2016, Nga lập ba sư đoàn mới để đối phó NATO. (Nguồn: Sputnik) |
Căng thẳng Nga và phương Tây leo thang
Ở Trung Đông, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng rõ ràng đang dần để mất các vùng lãnh thổ mà chúng đã chiếm đóng được ở Iraq và Syria, song điều này dường như vẫn không đủ sức ngăn cản chúng thực hiện các cuộc tấn công đẫm máu.
Vụ đánh bom hồi cuối tuần qua ở Kabul (Afghanistan), hay như nhiều vụ tấn công khác ở Iraq và một số nơi khác, giống như một lời nhắc nhở rằng mức độ các vụ tấn công khủng bố mà phương Tây phải hứng chịu chưa là gì.
Tuy nhiên, những vấn đề trên không phải là mối đe dọa duy nhất và cũng không phải là mối đe dọa lớn nhất. Căng thẳng giữa phương Tây với cả Nga và Trung Quốc có thể sẽ leo thang nghiêm trọng. Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) vẫn đang chìm trong bất ổn – không phải chỉ vì Anh rời khỏi EU (Brexit), mà còn bởi cuộc khủng hoảng ở khu vực đồng tiền chung Euro vẫn chưa được giải quyết hoàn toàn. Số lượng các quốc gia đang phải đối mặt với khủng hoảng chính trị trong nước cũng đang gia tăng ở mức báo động.
Sau cuộc đảo chính thất bại hôm 15/7 vừa qua, Thổ Nhĩ Kỳ đang bước vào giai đoạn bất ổn hơn bao giờ hết, và điều này rất nguy hiểm bởi đây là quốc gia có vị trí quan trọng đối với phương Tây.
Không chỉ vậy, Nga đang chật vật đối phó với tình trạng giá dầu giảm, còn Trung Quốc đứng trước nguy cơ tăng trưởng sụt giảm. Nhiều quốc gia phương Tây, trong đó có Mỹ, Anh, Pháp và Đức hiện đang xuất hiện những chia rẽ nghiêm trọng trong xã hội với quy mô lớn chưa từng có, nếu không muốn nói sự chia rẽ giữa các thế hệ là cực kỳ sâu sắc.
Bất ổn chính trị dường như đang là một xu hướng phổ biến ở nhiều quốc gia. Tại nhiều nước nơi bóng ma IS có thể chưa xuất hiện, cũng đã bắt đầu có hiện tượng ngày càng nhiều cá nhân trở nên cực đoan hóa, dễ bị kích động và tiến hành các vụ tấn công đẫm máu.
Nói ngắn gọn, hoàn toàn có khả năng mọi chuyện sẽ tiếp tục giống như hơn nửa đầu năm nay, với các diễn biến bạo lực, dù là do cá nhân hay tổ chức thực hiện, và chúng sẽ tiếp tục làm nóng bầu không khí chính trị tại nhiều nơi trên thế giới.
Ngay cả trong trường hợp không có các vấn đề trên, thì khủng hoảng chính trị sẽ vẫn tiếp tục diễn ra và tạo ra nguy cơ ngày một lớn với những hệ quả cực kỳ khó lường, hay thậm chí là những hệ lụy chính trị nghiêm trọng.
Mùa Hè thường là thời điểm có nhiều diễn biến đáng chú ý, từ tài chính cho tới các cuộc xung đột. Nga có thể sẽ tích cực gây ảnh hưởng tới các vùng lãnh thổ khác của các nước láng giềng, chẳng hạn như quốc gia không thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) như Ukraine, Georgia hay thậm chí là các quốc gia vùng Baltic.
Trong khi đó, vẫn chưa rõ liệu Trung Quốc sẽ phản ứng thế nào đối với phán quyết mà Tòa Trọng tài theo Công ước Luật Biển 1982 về tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines đưa ra hôm 12/7, phủ nhận mọi đòi hỏi chủ quyền tại Biển Đông của Trung Quốc. Điều tồi tệ nhất là những cuộc xung đột này có thể dẫn tới chiến tranh hạt nhân.
Một cuộc khủng hoảng thị trường tài chính kiểu Ngân hàng Lehman Brothers năm 2008 cũng có thể sẽ xảy ra, với nguyên nhân chính là các diễn biến tiêu cực ở khu vực đồng tiền chung Euro, hay việc Anh thực hiện Điều 50 Hiệp ước Lisbon để rời EU (mặc dù việc này sẽ được hoãn lại tới năm sau theo tuyên bố của Thủ tướng Anh).
Những “gam màu trung tính”
Tuy nhiên, bức tranh thế giới cũng vẫn còn những “gam màu trung tính”, và nhiều diễn biến có vẻ như sẽ không xấu đi. Lượng người di cư đến EU đã bắt đầu giảm, giúp các chính phủ châu Âu có sự "thư giãn” vô cùng cần thiết trong lúc họ đang phải đối phó với các mối đe dọa khủng bố.
Dòng người tị nạn tới châu Âu đang có dấu hiệu giảm. (Nguồn: AP) |
Bất ổn trên thị trường từ cuộc trưng câu dân ý ở Anh dường như không còn khiến nhiều người lo sợ nữa. Và mặc dù các đảng phái chính trị có thể vẫn tiếp tục chia rẽ và xung đột, song các cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy nhiều cử tri ở phương Tây, và nhất là ở Mỹ, vẫn muốn chính quyền có các chính sách ôn hòa và được dư luận ủng hộ nhiều hơn.
Xét trên nhiều phương diện, những năm tới có thể sẽ là những năm nhiều bất ổn nhất trong lịch sử nhân loại, đặc biệt là nguy cơ quan hệ sụp đổ hoàn toàn hay xung đột nghiêm trọng giữa các cường quốc ngày càng gia tăng.
Trong khi đó, những nhân tố giúp đảm bảo ổn định, như toàn cầu hóa, đồng thuận quốc tế, xu hướng chính trị trung dung ở nhiều quốc gia, hiện đang bị đe dọa hoặc rơi vào thế bế tắc hoàn toàn. Người ta vẫn hy vọng thế giới sẽ ổn, song có vẻ như trong nửa cuối năm nay, chúng ta sẽ phải đối mặt với rất nhiều diễn biến bất ngờ.