📞

Nam Kuril hay lãnh thổ phương Bắc?

12:38 | 31/08/2013
"Vấn đề lãnh thổ là do lịch sử để lại và chúng ta thành thực muốn giải quyết vấn đề này theo những điều kiện được cả hai bên chấp thuận”, đó là Phát biểu của Tổng thống Nga Putin tại cuộc gặp cấp cao với Thủ tướng Nhật Bản Abe ở Mátxcơva tháng 4/2013.
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe (trái) và Tổng thống Nga Putin tại cuộc gặp ở Mátxcơva, 4/2013.

Thực tế tranh chấp giữa Nga và Nhật tại các đảo phía Nam Kuril bắt đầu từ giữa thế kỷ 17 khi một số nhóm dân cư của hai nước tới đây khai phá vùng đất mới. Chính vấn đề Kuril, mà người Nhật gọi là lãnh thổ phương Bắc, đã khiến Hiệp định hòa bình giữa hai nước chưa bao giờ được ký mặc dù chiến tranh đã chấm dứt từ 68 năm qua.

Lợi ích hay chủ quyền?

Sau Thế chiến 2, Hiệp định San Francisco 1951 công nhận chủ quyền của Liên Xô đối với toàn bộ chuỗi đảo Kuril, song Nhật không chấp nhận 4 đảo lớn Iturup, Shikotan, Kunashi, Habomay thuộc quần đảo này. Liên Xô trước đây và Nga sau này đã từng đề xuất trả lại Nhật 2 đảo Shikotan và Habomay để ký Hiệp định hòa bình song phía Nhật vẫn kiên quyết đòi cả 4 đảo và đây là một trong những nguyên nhân khiến vấn đề Kuril rơi vào bế tắc.

Tuy nhiên, tín hiệu lạc quan trong giải quyết tranh chấp bắt đầu sau khi chính trường hai nước chứng kiến sự trở lại của hai chính trị gia giàu kinh nghiệm và uy tín là Tổng thống Putin và Thủ tướng Abe vào năm 2012. Lần này sự chủ động đến từ phía Tokyo. Phát biểu tại Hạ viện cuối tháng 2/2013, Thủ tướng Abe cho rằng giải quyết tranh chấp lãnh thổ và phát triển quan hệ song phương về mọi mặt với Nga là phù hợp với lợi ích quốc gia. Tháng 2/2013, cựu Thủ tướng Yoshiro Mori được cử làm đặc phái viên sang Mátxcơva nhằm nối lại đàm phán, với cách tiếp cận mới là "cùng thắng" vì việc mỗi bên kiên quyết đòi chủ quyền trên cả 4 đảo tiềm ẩn nguy cơ xung đột rất cao. Đề xuất mang tính "bước ngoặt" này mở đường cho chuyến thăm của ông Abe tới Mátxcơva tháng tư năm nay và là chuyến thăm đầu tiên tới Nga của một Thủ tướng Nhật trong hơn 10 năm qua. Tiếp đó là cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Nhật bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G-8 tháng 6/2013.

Việc chuyển thái độ của Tokyo đối với Mátxcơva có thể nhắm đến những lợi ích quan trọng khác. Thứ nhất, Nhật Bản muốn tạo sự đan xen lợi ích với Nga trên nhiều mặt nhằm giảm sức ép lên vành đai an ninh xung quanh, trong bối cảnh quan hệ với Trung Quốc, Hàn Quốc đang gặp nhiều vướng mắc, cùng với nguy cơ bất ổn từ Triều Tiên. Thứ hai, trong các tranh chấp biển đảo song phương đang tồn tại giữa Nhật với các nước láng giềng, vấn đề Kuril vẫn có cơ hội giải quyết nhiều hơn cả. Sức ép nội bộ về vấn đề này cũng giảm đi khi có tới 67% người dân Nhật được hỏi đồng tình với quan điểm linh hoạt của chính phủ. Dù chưa đưa đến kết quả cuối cùng, nhưng các nỗ lực trên đã giúp tăng cường uy tín cho đảng Dân chủ - Tự do của ông Abe.

Về phần mình, Mátxcơva ngày càng nhận thức được rằng chỉ có giải quyết tranh chấp lãnh thổ mới giúp cải thiện thực sự quan hệ với Nhật và mở ra một thị trường năng lượng lớn và lâu dài cho Nga. Đồng thời, triển khai hợp tác kinh tế với Nhật là cách tốt nhất để đa dạng hóa đối tác trong các dự án phát triển Siberia và Viễn Đông, giảm sự phụ thuộc vào các doanh nghiệp Trung Quốc đang khai thác mạnh mẽ tài nguyên vùng này. Về lâu dài, công nghệ của Nhật có thể giúp Nga khắc phục sự mất cân đối của nền kinh tế, thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng sang hướng kinh tế tri thức.

Câu hỏi hay lời đáp?

Bên cạnh tiền đề quan trọng là sự đan xen về lợi ích và quyết tâm chính trị của lãnh đạo hai nước, việc giải quyết tranh chấp vẫn gặp không ít trở ngại. Một là, hiện chưa rõ cả Nga và Nhật sẵn sàng đến đâu trong việc chia sẻ nguồn tài nguyên kim loại quý hiếm và vị trí chiến lược của các đảo Nam Kuril sau khi phân định? Hai là, hai nước liệu có vượt qua được nỗi ám ảnh của lịch sử hay không. Người Nga rõ ràng không muốn đánh mất thành quả của chiến tranh Vệ quốc lần 2, và lo ngại về tiền lệ thay đổi chủ quyền tại những vùng lãnh thổ khác như Kaliningrad, Kareli. Còn người Nhật khó cam tâm để mất phần lãnh thổ đã từng nhiều lần thuộc chủ quyền của mình. Ba là, cả hai đều phải tính toán cẩn trọng từng bước đi trên bàn cờ các nước lớn. Trong khi xích lại gần Nhật Bản, Mátxcơva vẫn cần giữ mối quan hệ đối tác chiến lược với Bắc Kinh. Mặt khác, việc phân định Nam Kuril mở ra khả năng hiện diện quân sự của cả Nhật và Mỹ sát biên giới biển phía Đông, vùng biển Okhot và nơi đồn trú của hạm đội Thái Bình Dương của Nga. Đây là điều nước Nga chắc hẳn không mong muốn.

Tiếp theo cuộc gặp của hai nguyên thủ, vòng 1 đàm phán cấp Thứ trưởng ngoại giao Nga-Nhật đã được khởi động cuối tháng 6 vừa qua. Đồng thời hai nước đã đồng ý đàm phán "ở cấp cao nhất" về tranh chấp lãnh thổ Phía Bắc/Nam Kuril vào ngày 5/9 tới tại Saint Petersberg (Nga) bên lề Hội nghị thượng đỉnh G-20. Chắc chắn sẽ có nhiều nhiều khó khăn chồng chất phía trước, nhưng việc hai nước đều thể hiện quyết tâm đã gửi đi một tín hiệu lạc quan. Nếu thành công, điều này không chỉ mở ra cơ hội mới trong quan hệ Nga-Nhật, mà còn mở ra triển vọng trong giải quyết các tranh chấp lãnh thổ khác khó khăn và phức tạp hơn nhiều ở Đông Á.

Dương Diệp