📞

NATO nỗ lực ‘mời gọi’ Nhật Bản và Hàn Quốc

Minh Vương 14:58 | 02/02/2023
Ngày 29/1-1/2, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg đã tới Hàn Quốc và Nhật Bản.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, tại thủ đô Seoul ngày 30/1/2023. (Nguồn: Yonhap)

Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine vẫn diễn biến phức tạp, tác động tới đà hồi phục của kinh tế thế giới sau đại dịch Covid-19, đồng thời đặt Nga và các nước NATO vào thế đối đầu.

Bài toán Ukraine

Tuy nhiên, trong bối cảnh xuất hiện một số chia rẽ trong lòng châu Âu về viện trợ quân sự cho Kiev, NATO cần tìm kiếm một lực đẩy mới đến từ châu Á, trước hết là Nhật Bản và Hàn Quốc-hai đồng minh thân cận của Mỹ. Cái gật đầu từ Seoul và Tokyo sẽ “gia cố” nỗ lực hỗ trợ Kiev, đồng thời gây sức ép với Moscow.

Thực tế, ngay từ khi tới điểm dừng chân đầu tiên là Seoul, ông Stoltenberg đã kêu gọi Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol xem xét hỗ trợ quân sự cho Ukraine, thay vì chỉ tập trung cung cấp nhu yếu phẩm như trước. Phát biểu tại Viện Nghiên cứu cao cấp Chey (Hàn Quốc), ông nhấn mạnh: “Xét cho cùng, quyền quyết định vẫn thuộc về các bạn. Tôi chỉ muốn nói rằng, một số đồng minh NATO cũng từng áp dụng chính sách không viện trợ vũ khí cho các nước đang ở trong xung đột. Tuy nhiên, giờ đây điều đó đã thay đổi”.

Thăm Nhật Bản ngày 31/1 và 1/2, ông Jens Stoltenberg cảm ơn Tokyo tích cực gửi viện trợ nhân đạo cho Kiev và tạo điều kiện cho căn cứ không quân Iruma là nơi trung chuyển các gói viện trợ then chốt tới người dân Ukraine.

Tuy nhiên, trên thực tế, bất chấp sự thuyết phục của Tổng thư ký NATO, khả năng Hàn Quốc và Nhật Bản gửi khí tài quân sự tới Ukraine không nhiều.

Đến nay, “viện trợ quân sự” của Tokyo tới Kiev chủ yếu là lượng lớn mũ cối, áo chống đạn, cùng máy bay không người lái (UAV) phi quân sự gắn camera để tham gia trinh sát và chưa bao gồm bất kỳ vũ khí sát thương nào.

Với Seoul, câu chuyện này còn khó khăn hơn. Hàn Quốc không tham gia áp giá trần dầu Nga hay ngừng sử dụng năng lượng từ xứ bạch dương. Hợp đồng quốc phòng trị giá 12 tỷ USD của Seoul với Warsaw không có nghĩa là nước này sẽ gửi vũ khí tới Kiev. Quan chức phương Tây giấu tên cho biết: “Đó là một thỏa thuận xuất khẩu vũ khí, không phải một tuyên bố chính trị”.

Ông Yang Uk, chuyên gia quốc phòng tại Viện Nghiên cứu chính sách Asan (Hàn Quốc), lại cho rằng, Seoul quan ngại về hợp tác quân sự chặt chẽ giữa Moscow và Bình Nhưỡng, dù cả Nga và Triều Tiên nhiều lần phủ nhận.

Câu chuyện Trung Quốc

Một điểm đáng lưu ý khác là sự quan tâm của NATO về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và Trung Quốc. Tầm nhìn Chiến lược mới của khối công bố tháng 7/2022 nhấn mạnh tầm quan trọng của khu vực đối với an ninh của nước thành viên, đồng thời đề cao hợp tác với các quốc gia cùng chí hướng tại đây.

Đặc biệt, trong Báo cáo Góc nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, NATO cho rằng, Trung Quốc, với tầm ảnh hưởng rộng khắp, đặt ra thách thức “mang tính hệ thống” và dài hạn với khu vực này. Mặt khác, hợp tác chặt chẽ Nga-Trung là yếu tố quan trọng giúp Moscow vẫn đứng vững trước phương Tây, trong khi hiện diện của Bắc Kinh ở châu Âu qua nhiều lĩnh vực then chốt như thương mại, đầu tư và công nghệ đang khiến một số nước EU quan ngại.

Trong bối cảnh đó, chuyến thăm của Tổng thư ký NATO tới hai đồng minh của Mỹ tại Đông Bắc Á có thể nằm trong nỗ lực kiểm soát tầm ảnh hưởng của cường quốc số hai thế giới ở “sân nhà” Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Không phải ngẫu nhiên Tổng thư ký NATO liên tục đề cập Trung Quốc khi trao đổi với Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, dù khẳng định Bắc Kinh “không phải đối thủ của chúng tôi”.

Đặc biệt, phát biểu tại căn cứ không quân Iruma ngày 31/1, ông đã khéo léo gắn kết vấn đề ở hai châu lục với nhau: “Những gì diễn ra ở châu Âu ngày hôm nay có thể diễn ra tại Đông Bắc Á ngày mai”. Thủ tướng Kishida Fumio cùng từng sử dụng câu nói này để cảnh báo về tình hình an ninh tại khu vực.

Tuy nhiên, trong chuyến thăm, bên cạnh đề cập mong muốn của mình, ông Stoltenberg cũng đã khéo léo nhắc tới vấn đề được hai nước đặc biệt quan tâm.

Với Tokyo, đó là tăng cường tiềm lực quốc phòng trước tình hình an ninh tại khu vực, và vấn đề Biển Hoa Đông. Khẳng định “không đối tác NATO nào gần gũi hoặc có năng lực hơn Nhật Bản”, ông Stoltenberg đánh giá cao bản cập nhật Chiến lược an ninh quốc gia và Chiến lược quốc phòng quốc gia của xứ sở anh đào, cho rằng NATO sẽ hợp tác chặt chẽ với Tokyo về an ninh mạng, không gian, phản gián, tin giả, công nghệ then chốt và mới nổi. Hai bên kêu gọi Trung Quốc hợp tác “mang tính xây dựng” về kiểm soát, giải trừ vũ khí và phi hạt nhân, thúc đẩy “hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan”, phản đối “nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi nguyên trạng bằng vũ lực hoặc cưỡng ép ở Biển Hoa Đông” và quan ngại về hoạt động quân sự hóa, cưỡng ép và đe dọa ở Biển Đông.

Với Seoul, đó là mối quan tâm về Bình Nhưỡng. Bộ Thống nhất Hàn Quốc thúc đẩy “bình thường hóa” quan hệ với Triều Tiên trong năm nay, hướng tới xây dựng một tầm nhìn trung và dài hạn về thống nhất liên Triều, “Sáng kiến Tương lai về thống nhất”. Về phần mình, Tổng thư ký NATO đã chỉ trích các vụ phóng tên lửa của Bình Nhưỡng và nhấn mạnh rằng khối này ủng hộ nỗ lực phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Tuy nhiên, liệu nỗ lực của ông Jens Stoltenberg có thể mang đến chuyển biến thực chất nào về hợp tác quốc phòng ở Nhật Bản lẫn Hàn Quốc hay không, hiện vẫn còn khó nói.