📞

Nepal-Trung Quốc: ‘Phá lệ’ để thành công?

Minh Vương 11:40 | 05/12/2024
Việc Thủ tướng Nepal KP Sharma Oli chọn Trung Quốc làm điểm dừng chân trong chuyến công du đầu tiên phản ánh thay đổi đáng chú ý từ Kathmandu.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Nepal KP Sharma Oli tại Bắc Kinh, ngày 3/12. (Nguồn: Tân Hoa xã)

Đây là nhiệm kỳ thứ tư của ông Sharma Oli trên cương vị Thủ tướng. Tương tự những người tiền nhiệm, trong ba lần trước, chính trị gia này đều lựa chọn Ấn Độ để thực hiện chuyến công du đầu tiên nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của đất nước sông Hằng với Nepal. Do đó, việc ông tới Bắc Kinh, thay vì New Delhi rõ ràng phản ánh sự thay đổi về ưu tiên trong quan hệ với các quốc gia láng giềng.

Ông Hồ Trí Dũng, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Quan hệ quốc tế, Trường Khoa học xã hội Thượng Hải (Trung Quốc), cho rằng việc thay đổi điểm đến trong chuyến công du đầu tiên sau khi nhậm chức hồi tháng Bảy cho thấy Thủ tướng Sharma Oli đặc biệt coi trọng mối quan hệ với Trung Quốc và coi phát triển quan hệ song phương là “hướng đi chính trong chính sách ngoại giao Nepal”.

Câu hỏi ở đây là tại sao lại có sự thay đổi này?

Hướng về phía Bắc

Tờ Hindustan Times (Ấn Độ) cho rằng quyết định của ông Oli có liên quan tới thông tin cho rằng chính trị gia này đã “không nhận được lời mời từ New Delhi”. Tuy nhiên, một số khác cho rằng nguyên nhân lớn hơn cả là kinh tế. Theo Reuters, dù Ấn Độ chiếm tới hai phần ba tổng kim ngạch thương mại quốc tế của Nepal trong khi Trung Quốc chỉ chiếm 14%, song Bắc Kinh lại “hào phóng” hơn với các khoản vay lên tới 310 triệu USD, trong khi con số này của New Delhi là 280 triệu USD.

Trong nhiệm kỳ đầu tiên năm 2016, chính phủ của ông Oli đã quyết định ký kết thỏa thuận dầu khí với láng giềng ở phía Bắc, bất chấp lệnh cấm vận dài sáu tháng từ phía Ấn Độ. Điều này góp phần mở ra cơ hội hợp tác lớn hơn giữa Kathmandu và Bắc Kinh.

Trong cuộc gặp ngày 3/12 tại Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh, Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định sẽ giúp Nepal “chuyển mình”, từ quốc gia nội lục (land-locked) sang quốc gia “kết nối trên bộ” (land-linked) và sẵn sàng “hỗ trợ hết sức” cho sự phát triển của Nepal, đặc biệt khi hai nước kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao năm sau, hướng tới “quan hệ Đối tác chiến lược”.

Trong khi đó, ông Oli khẳng định Kathmandu “tự hào, được truyền cảm hứng sâu sắc và mong muốn học hỏi thêm từ thành tựu phát triển kinh tế thần kỳ” của Bắc Kinh. Chính trị gia này cũng kêu gọi doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư mạnh mẽ hơn vào Nepal. Tái khẳng định nguyên tắc “Một Trung Quốc”, ông cũng phản đối bất kỳ sự can thiệp nào của nước ngoài vào công việc nội bộ của Bắc Kinh, sẽ không cho bất kỳ quốc gia nào sử dụng lãnh thổ của mình để chống phá nước láng giềng.

Trong khuôn khổ cuộc gặp, hai nhà lãnh đạo đã chứng kiến lễ ký kết chín Biên bản ghi nhớ (MoU) và thỏa thuận, chủ yếu tập trung trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, tài chính, nông nghiệp, nổi bật là xây dựng Đường hầm Tokha-Chhahare và kế hoạch phát triển giữa Bộ Tài chính Nepal và Cơ quan Hợp tác phát triển quốc tế Trung Quốc. Chính phủ Nepal cũng đón nhận các dự án đầu tư trị giá 24 triệu USD từ Trung Quốc.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, ông Sharma Oli đã hội đàm với Thủ tướng Lý Cường, Ủy viên trưởng Nhân đại Triệu Lạc Tế. Chính trị gia này cũng dự và có bài phát biểu quan trọng tại Diễn đàn Doanh nghiệp Nepal-Trung Quốc và thăm Đại học Bắc Kinh.

Nhận định về nội dung hợp tác song phương được đề cập trong chuyến thăm, chuyên gia Tiền Phong, Giám đốc bộ phận nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc gia tại Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc) cho rằng Nepal đang cố “bắt kịp chuyến tàu tốc hành” về phát triển kinh tế chất lượng cao do Trung Quốc cầm lái.

Bài toán từ phương Nam

Dù vậy, đây là nhiệm vụ không hề đơn giản. Trước hết, thực tế cho thấy hợp tác Nepal - Trung Quốc chẳng phải lúc nào cũng “xuôi chèo mát mái”. Tháng 5/2017, hai nước đã ký MoU về hợp tác song phương trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và con đường (BRI) của Trung Quốc; hai năm sau, ông Tập Cận Bình cũng thăm Nepal.

Tuy nhiên, từ đó đến nay, chưa có dự án nào được triển khai, ngay cả khi Nepal khẳng định sẵn sàng khởi công. Thậm chí, bất chấp nỗ lực của cả Nepal và Trung Quốc, hai bên vẫn chưa đạt được thỏa thuận cuối cùng. Tuyên bố chung ngày 3/12 nêu rõ: “Hai bên khẳng định sẵn sàng ký kết MoU về xây dựng Mạng lưới Kết nối

đa chiều xuyên Himalaya (THMDCN) và khuôn khổ cho hợp tác BRI giữa hai chính phủ càng sớm càng tốt”. Tuy nhiên, Tuyên bố lại không đề cập thời gian cụ thể.

Theo ông Tiền Phong, biến động chính trị tại Nepal và dịch Covid-19 là nguyên nhân khiến hai nước chưa thể triển khai hợp tác một cách thuận lợi.

Ngoài ra, có ý kiến quan ngại về khoản vay 216 triệu USD của Bắc Kinh cho Kathmandu để đầu tư, xây dựng sân bay quốc tế ở Pokhara. Sân bay này do các tập đoàn Trung Quốc xây dựng và mới đi vào vận hành năm ngoái, song đã phải đối mặt với hàng loạt vấn đề. Nổi bật trong số đó là việc thiếu chuyến bay quốc tế do chính phủ Ấn Độ từ chối cho máy bay các nước khác bay qua không phận để vào Pokhara. Điều này có thể khiến việc thu hồi vốn, trả nợ của Nepal gặp không ít khó khăn.

Chuyến thăm của Thủ tướng Sharma Oli cũng sẽ tác động không nhỏ tới quan hệ giữa New Delhi và Kathmandu. Truyền thông đất nước sông Hằng cho rằng chuyến thăm phản ánh lập trường “thân Trung Quốc” của ông Oli và nỗ lực của chính phủ Nepal nhằm “giảm sự phụ thuộc truyền thống vào Ấn Độ”. Việc New Delhi cấm vận xuất khẩu dầu hay từ chối cho máy bay quốc tế đi qua không phận vào Pokhara phản ánh rõ nét áp lực mà Nepal phải đối mặt từ láng giềng phía Nam.

Trong bối cảnh đó, duy trì quan hệ cân bằng với hai quốc gia hàng đầu tại khu vực sẽ là nhiệm vụ then chốt với Thủ tướng Sharma Oli để đưa Nepal tiếp tục tiến bước.