📞

Nếu TPP thất bại, Mỹ sẽ phải tính lại chiến lược ở châu Á

09:48 | 02/11/2016
Đó là nhận định của chuyên gia nghiên cứu Hu Weijia về triển vọng của Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) và vai trò của Mỹ trong khu vực, được đăng tải trên tờ The Global Times mới đây.

Hiện triển vọng của TPP do 12 nền kinh tế khu vực ký kết, trong đó có Mỹ, đang ngày càng u ám do thái độ chống tự do thương mại của người dân Mỹ. Nếu TPP thất bại, Washington sẽ không còn duy trì được tầm ảnh hưởng lớn tại châu Á như hiện nay.

Chiến lược lớn của Mỹ tại châu Á

Kể từ khi bắt đầu tham gia đàm phán từ năm 2009, TPP được coi là một chiến lược lớn của Mỹ để lôi kéo mạng lưới các đồng minh thân cận nhằm cân bằng lại ảnh hưởng kinh tế ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong thập kỷ qua, một số nước ở khu vực đã hưởng lợi lớn từ các Thỏa thuận tự do thương mại (FTA) với Mỹ, được hưởng ưu tiên khi thâm nhập thị trường Mỹ và có vị thế thuận lợi để thu hút đầu tư từ Mỹ. Đây cũng là những nhân tố giúp Mỹ có được ảnh hưởng vượt trội về kinh tế ở khu vực.

Có vẻ như những nỗ lực với TPP của ông Obama khó lòng thu được thành quả. (Nguồn: Americanuck Radio)

Tổng thống Mỹ Barack Obama chắc chắn sẽ thực hiện mọi nỗ lực để thuyết phục Quốc hội Mỹ phê chuẩn TPP trước khi kết thúc nhiệm kỳ. Và nếu việc này thành công, đây sẽ được coi là một trong những di sản lớn nhất của ông Obama.

Tương lai u ám

Tuy nhiên, xét trong tình hình hiện nay, có vẻ như những nỗ lực của ông Obama khó lòng thu được thành quả vì hai lý do.

Thứ nhất, ngay cả khi không có TPP thì một số thành viên TPP hiện nay cũng đã hưởng lợi từ các FTA với Mỹ. Do đó, để TPP khả thi, Mỹ sẽ phải có thêm nhiều ưu đãi và hứa hẹn nhiều lợi ích hơn nữa cho các quốc gia này. Đây là “canh bạc” mà Tổng thống Obama muốn đặt cược khi đánh đổi lợi ích kinh tế lấy việc duy trì ảnh hưởng của Mỹ. Tuy nhiên, các nghị sỹ Quốc hội Mỹ hiện nay không hẳn sẽ nhìn nhận việc thúc đẩy tự do thương mại hoặc duy trì ảnh hưởng của Mỹ ở châu Á là có lợi cho lá phiếu cử tri của họ, đặc biệt khi điều này có thể khiến các nhóm cử tri bị mất việc làm.

Thứ hai, rất ít khả năng Tổng thống Obama kịp huy động được đủ sự ủng hộ trong lưỡng viện Mỹ trước khi kết thúc nhiệm kỳ. Do đó, nhiều khả năng TPP sẽ chìm vào quên lãng khi ông Obama rời Nhà Trắng, đặc biệt khi cả hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ là ông Donald Trump và bà Hillary Clinton đều từng tỏ thái độ không mấy “mặn mà” với hiệp định này.

Lúc này, các nước thành viên TPP cần phải lường trước khả năng TPP sẽ gặp thất bại còn Washington chắc chắn sẽ cần phải suy tính lại chiến lược của mình tại châu Á. Đồng quan điểm này mới đây trả lời phỏng vấn tạp chí The Straits Times, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã phát biểu rằng nếu Mỹ thất bại trong việc phê chuẩn Hiệp định TPP thì đây sẽ là “một đòn mạnh vào nước Mỹ và uy tín của nước này”.

Rõ ràng, sự thất bại của Quốc hội Mỹ trong việc phê chuẩn TPP sẽ làm Mỹ mất vị thế với các đối tác thương mại TPP nói riêng và khu vực châu Á – Thái Bình Dương nói chung. Trong bối cảnh đó, các quốc gia châu Á có quan hệ kinh tế chặt chẽ với Mỹ như Singapore, Việt Nam và Nhật Bản cần phải có sự chuẩn bị trước khả năng Washington suy giảm mối quan tâm chiến lược của mình đối với châu Á.

(theo The Global Times)