Chiều 14/5, Bộ Ngoại giao Ấn Độ đã bất ngờ thông báo về Thượng đỉnh không chính thức Nga - Ấn vào ngày 21/5 tại Sochi. Ngạc nhiên hơn là sau đó, hai nhà lãnh đạo sẽ có một loạt các cuộc gặp nhau tại Thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) ở Thanh Đảo ngay đầu tháng tới, Thượng đỉnh Ấn - Nga tại New Delhi vào tháng 10, Thượng đỉnh BRICS ở Nam Phi và Thượng đỉnh G-20 tại Argentina.
Như vậy, Thượng đỉnh không chính thức lần thứ hai của Thủ tướng Modi và Tổng thống Nga Putin diễn ra chưa đầy một tháng sau cuộc gặp tương tự với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Nếu như Thượng đỉnh Vũ Hán diễn ra trong hai ngày thì Thượng đỉnh Sochi vỏn vẹn trong 9 tiếng.
Tuy nhiên, sự khác biệt còn nằm ở mục đích. Với Trung Quốc, ông Modi cần phải thảo luận với ông Tập nhằm ngăn chặn các sự cố như khủng hoảng Doklam tái diễn. Tuy nhiên, điều này không cần thiết với Nga, khi Moscow và New Delhi vẫn duy trì quan hệ song phương mạnh mẽ. Vậy điều gì khiến ông Modi vội vã sang Sochi “theo lời mời của Tổng thống Putin” - như thông báo của Bộ Ngoại giao Ấn Độ?
Thủ tướng Ấn Độ Naendra Modi và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc hội đàm ngày 23/5 tại Sochi. (Nguồn: AFP) |
Thế giới biến động
Thượng đỉnh Sochi diễn ra trong bối cảnh thế giới, trong đó có Ấn Độ và Nga, đang tập trung mổ xẻ những chính sách “khó dự báo” của Mỹ. Đạo luật về chống đối thủ của Mỹ qua biện pháp trừng phạt (CAATSA) có thể áp đặt lệnh trừng phạt đối với Ấn Độ, nếu nước này triển khai thương vụ mua sắm quốc phòng lớn từ Nga.
Nga hiện là nhà cung cấp vũ khí quân sự lớn nhất của Ấn Độ (chiếm 62%) và thỏa thuận mua hệ thống phòng không S-400 Triumf trị giá 6 tỷ USD đã được hai bên dự kiến ký kết trước Thượng đỉnh Ấn – Nga tới tại New Delhi. Không giống như Trung Quốc đang trên đường tự cung tự cấp trong sản xuất vũ khí, sự phụ thuộc của Ấn Độ vào nhập khẩu vũ khí lại chưa thể thay đổi trong tương lai gần.
Thêm vào đó, việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) đang tạo áp lực cho Ấn Độ. Tehran nằm trong top 3 nhà cung cấp dầu mỏ của Ấn Độ, đồng thời là nơi có dự án cảng biển Chabahar, rất quan trọng trong kết nối địa chiến lược giữa Ấn Độ với Afghanistan và Trung Á. Ngoài ra, một cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung bùng nổ cũng sẽ ảnh hưởng sâu sắc tới lợi ích của Ấn Độ.
Ở thời điểm hiện tại, các “đòn” của Tổng thống Trump rõ ràng là nhắm vào hai đối thủ chiến lược là Nga hay Trung Quốc, song cũng làm tổn thương cả đối tác chiến lược như Ấn Độ. Đây là điều ông Modi không hề mong muốn, nhất là khi ông đang tập trung cho tổng tuyển cử, dự kiến diễn ra trong năm tới.
Người bạn lâu năm
Chính vì thế, Ấn Độ đang nỗ lực làm giảm nhiệt trong quan hệ với người hàng xóm Trung Quốc bằng một loạt động thái “tái cài đặt”, mà gần đây nhất là Thượng đỉnh Vũ Hán với một số cam kết về giữ hòa bình ở biên giới và dự án chung ở Afghanistan. Mặt khác, Ấn Độ cũng muốn trở lại với người bạn lâu năm là Nga bằng các nền tảng vững chắc về hợp tác quốc phòng, an ninh, năng lượng nguyên tử… Những cái bắt tay và cái ôm thật chặt giữa hai nhà lãnh đạo, cùng không khí gần gũi trong buổi trò chuyện thân mật ngày 21/5 là minh chứng rõ nét cho điều đó.
Tất nhiên, cái bắt tay chiến lược với Nga sẽ không hề đơn giản. Moscow và Bắc Kinh đang xích lại gần nhau. Nga cũng gắn lợi ích chiến lược với Pakistan thông qua việc bán vũ khí, hay gần đây là thay đổi lập trường đối với căng thẳng Kashmir theo hướng không có lợi cho Ấn Độ. Có thể thấy New Delhi khó duy trì quan hệ mạnh mẽ với Moscow nhằm đạt được mục tiêu an ninh quốc gia và duy trì đòn bẩy với các cường quốc khác.
Trong khi đó, Nga vẫn phải dè chừng trước mối quan hệ Ấn - Mỹ đang ngày càng sâu sắc và tất nhiên, hiểu rõ những xung đột khó giải quyết giữa Ấn Độ với Trung Quốc và Pakistan. Tuy nhiên, việc không đánh mất đồng minh kỳ cựu, với vị thế đang gia tăng và đặc biệt là thị trường vũ khí và năng lượng lớn, có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đối đầu với liên minh phương Tây do Mỹ đứng đầu.
Xét về khía cạnh trên, ý nghĩa lớn nhất của Thượng đỉnh Sochi có lẽ là việc hai bên thể hiện mong muốn làm ấm lại quan hệ “Đối tác chiến lược đặc biệt và đặc quyền” như phát biểu của Thủ tướng Modi. Trong cục diện địa chính trị quốc tế và khu vực đang biến đổi nhanh như hiện nay, Ấn Độ và Nga đang cần cam kết lớn để giữ mối quan hệ tốt đẹp ở mức cao nhất. Tuy nhiên, việc đi đến những điểm đồng chiến lược thực sự cần nhiều nỗ lực từ cả hai bên.