📞

Nga đối mặt thách thức an ninh sau vụ tấn công ở St. Petersburg

16:38 | 04/04/2017
Vụ tấn công khủng bố tại ga tàu điện ngầm ở St Petersburg đã khiến Nga đối mặt với thách thức về an ninh, đồng thời khiến cộng đồng quốc tế hết sức quan ngại.

Đánh bom liều chết kinh hoàng

Ngày 3/4, Ủy ban Chống khủng bố quốc gia Liên bang Nga cho biết đã xảy ra vụ nổ tại một toa tàu đang ở đoạn đường giữa hai ga “Quảng trường Sennaya” và ga “Viện công nghệ” tại St. Petersburg vào lúc gần 14h40 giờ địa phương (18h40 giờ Hà Nội) cùng ngày. Vụ nổ đã làm ít nhất 11 người thiệt mạng và 50 người bị thương.

Ủy ban Điều tra Nga (IC) nhận định đây là hành động khủng bố và thông báo mở điều tra hình sự vụ đánh bom và hiện một số nhân viên có kinh nghiệm thuộc Văn phòng Ủy ban điều tra trung ương đã được cử đến Saint Petersburg để trợ giúp lực lượng tại hiện trường. 

Cơ quan bảo vệ pháp luật của Nga đã phát lệnh truy nã đối với hai đối tượng bị nghi ngờ liên quan đến vụ nổ. Một đối tượng đặt thiết bị nổ vào trong toa tàu điện ngầm, được xác định là một thanh niên 23 tuổi, gốc Kyrgyzstan mang quốc tịch Nga và có liên hệ với các nhóm Hồi giáo cực đoan. Đối tượng còn lại đã mang bom tự chế đến đặt tại nhà ga Quảng trường khởi nghĩa. Thiết bị thứ hai này, được ngụy trang thành một chiếc bình chữa cháy, sau đó đã được cơ quan chức năng phát hiện và vô hiệu hóa.

Chính quyền thành phố Saint Petersburg tuyên bố để tang 3 ngày các nạn nhân của vụ nổ. Các cơ sở giáo dục ở thành phố này cũng được chuyển sang chế độ đặc biệt, siết chặt các biện pháp kiểm tra an ninh tại cửa ra vào, rà soát lại hệ thống an ninh và các khu vực phụ cận.

Chiếc xe buýt điện tan tành sau vụ đánh bom ngày 4/4. (Nguồn: Reuters)

Hoạt động tại nhà ga tàu điện ngầm ở thành phố Saint Petersburg đã được nối lại một phần sau khi xảy ra vụ đánh bom liều chết, ngoại trừ hai nhà ga “Quảng trường Sennaya” và “Viện công nghệ”.

Một điểm đáng chú ý là vụ tấn công khủng bố xảy ra trong bối cảnh Tổng thống Nga sẽ có cuộc hội đàm với Tổng thống Belarus vào ngày 4/4 cũng tại thành phố St Petersburg. Sau khi xảy ra vụ đánh bom, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đến hiện trường đặt hoa tượng niệm những nạn nhân thiệt mạng đồng thời bày tỏ chia buồn với gia đình các nạn nhân.

Trước đó, hồi tháng 12-2015, St Petersburg từng là mục tiêu bị tấn công khủng bố khi chiếc máy bay xuất phát từ thành phố này đã bị gài bom và nổ tung trên bầu trời khi đang trong hành trình tới Ai Cập, khiến toàn bộ 224 hành khách thiệt mạng. Vào thời điểm đó, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công và khẳng định, động cơ khủng bố là nhằm trả đũa sự can thiệp quân sự của Nga ở Syria.

Dư luận quốc tế đồng loạt lên án

Cộng đồng quốc tế đã kịch liệt lên án vụ tấn công khủng bố tại ga tàu điện ngầm ở thành phố Saint Petersburg. Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã lên án vụ đánh bom đồng thời khẳng định những đối tượng gây ra vụ nổ sẽ phải chịu tội. Ông Guterres cũng đã gửi lời chia buồn tới gia đình các nạn nhân cũng như chính phủ và người dân Nga. 

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng đã lên án vụ tấn công “bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất”, bày tỏ chia buồn với gia đình các nạn nhân, cũng như nhân dân và Chính phủ Nga. Hội đồng Bảo an cũng nhấn mạnh cần đưa thủ phạm, những chủ mưu, cũng như đối tượng tài trợ cho các hành động khủng bố ra trước công lý.

Liên minh châu Âu (EU) đã bày tỏ chia buồn với các gia đình nạn nhân và hy vọng những người bị thương sẽ chóng phục hồi. Tuyên bố của EU cho biết, Đại diện cấp cao EU phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini đã gửi chia buồn tới Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, đồng thời cho biết EU "kịch liệt lên án mọi hành động bạo lực".

Người Phát ngôn Nhà Trắng Sean Spicer lên án vụ tấn công, đồng thời cho biết Mỹ sẵn sàng hỗ trợ Nga điều tra vụ việc. Ông khẳng định: “Các vụ tấn công nhằm vào dân thường nhắc chúng ta nhớ rằng thế giới cần phải chung tay chống bạo lực dưới mọi hình thức”. Trong khi đó, trả lời báo giới, Tổng thống Mỹ Donald Trump gọi vụ tấn công trên là “điều khủng khiếp” và cho rằng những điều khủng khiếp như vậy đang xảy ra trên khắp thế giới".

Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Nguồn: Getty Images)

Tổng thống Pháp Francois Hollande cho biết “thảm kịch” này cho thấy cần tiếp tục cảnh giác trong bối cảnh các nguy cơ khủng bố ở mức cao. Trong một tuyên bố riêng rẽ, Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault bày tỏ tình đoàn kết của Pháp với Nga và chia buồn với các gia đình nạn nhân. Thủ tướng Đan Mạch Lars Loekke Rasmussen bày tỏ rất “sốc” về vụ việc tại Saint Peterburg, gửi lời chia buồn với gia đình các nạn nhân và bày tỏ sẽ đứng bên cạnh nhân dân Nga. 

Tổng thống Belarus Aleksandr Lukashenko, người đang ở thăm Nga, và Tổng thống Moldova Igor Dodon đã chia buồn với Tổng thống Putin cũng như những nạn nhân trong vụ đánh bom.

Các nước vùng Vịnh cũng kịch liệt lên án vụ tấn công trên. Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Bahram Qasemi cho biết: “Iran một lần nữa nhắc lại sự cần thiết của việc phối hợp các nỗ lực quốc tế để lên án một cách nghiêm túc chủ nghĩa khủng bố, dù đằng sau đó là vì động cơ gì”.

Bộ Ngoại giao Ai Cập ra tuyên bố khẳng định tình đoàn kết với nhân dân và Chính phủ Nga trong thời khắc khó khăn này và nhấn mạnh quan điểm kiên định của Ai Cập là bác bỏ và lên án mọi dạng thức của chủ nghĩa khủng bố và bạo lực. Tuyên bố cho biết thêm các hành động như vậy cho thấy không quốc gia nào được “miễn trừ” khỏi các vụ tấn công khủng bố, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế đoàn kết cùng nỗ lực chống khủng bố.

Các Tiểu Vương quốc Arab thống nhất (UAE) cũng lên án vụ tấn công trên là “tội ác khủng bố” chống lại các giá trị đạo đức và nhân văn, đồng thời khẳng định để chống lại chủ nghĩa khủng bố cần một phản ứng cứng rắn.

Đối mặt nguy cơ khủng bố gia tăng

Các nhà phân tích cho rằng việc Nga tiến hành chiến dịch không kích chống IS tại Syria kể từ tháng 10/2015 là một trong những nguyên nhân khiến tổ chức Hồi giáo cực đoan tăng cường các hoạt động khủng bố tại Nga. 

Tháng 11/2015, Ủy ban chống khủng bố Quốc gia Nga công bố việc bắt giữ một nghi phạm ở Moscow với cáo buộc lên kế hoạch tấn công khủng bố tại thủ đô. Trong vụ bắt giữ này, lực lượng an ninh Nga đã phát hiện và vô hiệu hóa một thiết bị nổ tự chế.

Vụ việc liên quan đến việc bắt giữ một số công dân Nga tại Moscow được cho là thành viên của IS. Các nghi phạm này đã dùng các thiết bị nổ tự chế âm mưu tấn công các phương tiện giao thông công cộng. Trong số những nghi phạm bị bắt, Baysultanov - kẻ đã từng đến Syria được xem là chủ mưu.

Những người đàn ông sơ tán trẻ nhỏ ra khỏi một khu vực bị không kích. (Nguồn: AFP)

Chỉ tính riêng trong năm 2016, các cơ quan chức năng của Nga đã ngăn chặn thành công 45 vụ trọng tội có khuynh hướng khủng bố, trong đó có 16 vụ khủng bố. Mới đây nhất, ngày 5/3, Ủy ban chống khủng bố quốc gia Cộng hòa Dagestan thuộc Nga cho biết lực lượng chức năng nước này đã ngăn chặn thành công âm mưu tấn công khủng bố nhằm vào dân thường, đại diện các cơ quan nhà nước và nhân viên các cơ quan bảo vệ pháp luật tại Cộng hòa Dagestan của một băng nhóm có liên hệ mật thiết với IS. 

Trong khi đó, theo Cơ quan An ninh liên bang Nga hiện có hơn 4.000 tay súng từ Nga và 5.000 tay súng từ các nước thuộc Liên Xô cũ đang tham chiến cho lực lượng phiến quân khủng bố cực đoan ở Syria. 

Các chuyên gia cho rằng lực lượng an ninh Nga cần phải tăng cường hoạt động để đối mặt với thực tế hiện nay là công dân Nga trở về từ các “điểm nóng” đang được sử dụng như một phương tiện để truyền cảm hứng cho phong trào chống chính phủ và các hoạt động khủng bố. Vụ đánh bom xảy ra ở St Petersburg là một ví dụ điển hình.

(theo TTXVN)