Nhỏ Bình thường Lớn

Nga-Mỹ: Cùng thắng với START mới

Việc Quốc hội Mỹ tuần trước phê chuẩn Hiệp ước cắt giảm Vũ khí chiến lược mới (START) được xem là thắng lợi ngoại giao của cả hai nhà lãnh đạo Nga và Mỹ. Nhưng hiệp ước được xem có tầm chiến lược toàn cầu này nếu được thực hiện sẽ chỉ đạt kết quả ở mức khiêm tốn.
Ảnh minh họa

Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã điện đàm chúc mừng Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ông ví Hiệp ước cắt giảm Vũ khí chiến lược mới (START) như “hòn đá tảng” cho an ninh ở châu Âu và trên thế giới trong những thập kỷ tới. Còn Tổng thống Obama hối thúc Quốc hội Mỹ phê chuẩn Hiệp ước START vì cho đây là “một mệnh lệnh an ninh”. Các nhà lãnh đạo hai bên ca ngợi tính chất “lịch sử” của việc đạt được thỏa thuận, cho rằng ý nghĩa của không chỉ trong quan hệ hai nước mà còn đối với cả thế giới. Dư luận nhìn chung hoan nghênh động thái “hòa hoãn” ở tầm chiến lược toàn cầu này.

Hai siêu cường hạt nhân vốn đối đầu nhau “một mất một còn” từ thời Chiến tranh lạnh giờ đây thỏa thuận cùng nhau cắt giảm đầu đạn hạt nhân chiến lược của mỗi nước xuống còn 1.550 so với mức trần 2.200 hiện nay, số phương tiện phóng đầu đạn hạt nhân xuống còn 700-800 đơn vị.

Có một thực tế mà ai cũng biết là số đầu đạt hạt nhân hiện nay của Mỹ và Nga đủ để phá hủy quả đất nhiều lần. Tuy nhiên mối đe dọa không dừng lại ở đó. Trong thời đại “khuyến tán quyền lực” như mô tả của nhà tương lai học, nhà phân tích quân sự Alvin Tofler, không ai có thể bảo đảm rằng những công nghệ này không lọt vào tay kẻ xấu, nhất là bọn khủng bố và các phe nhóm cực đoan. Sự phổ biến kiến thức trên internet đã khiến các công thức hỗ trợ chế tạo bom hạt nhân mất thiêng trong “tàng kinh các” của nhóm P5.

Như vậy, hành động trên của Nga và Mỹ còn có ý nghĩa biểu tượng, nó cho thấy quyết tâm giải trừ quân bị và đối phó với các mối đe dọa hạt nhân nói chung.

Tuy nhiên, nếu nhìn lại, thỏa thuận Nga-Mỹ về hạt nhân vừa qua chỉ đạt kết quả ở mức khiêm tốn. Với hiệp ước START I trước đây, Nga và Mỹ cam kết cắt giảm tới 80% số đầu đạn hạt nhân đang triển khai. Trong khi đó, so với thỏa thuận ký tại Mátxcơva năm 2002 (hiệp ước SORT), hiệp ước START mới năm 2010 chỉ cắt giảm được 30% số đầu đạn. Hơn nữa, hiệp ước lần này có cách tính khá “kỳ khôi” đó là một đầu đạn hạt nhân đi kèm với một phương tiện chuyên chở. Trên thực tế, một máy bay như B52 cũng có thể mang 16-20 đầu đạn. Điều này có nghĩa là Mỹ vẫn duy trì ưu thế về năng lực chuyên chở, tức vẫn thực hiện theo mục tiêu của Chiến lược hạt nhân (NPR) mới nhất, ưu tiên cải tiến các phương tiện chuyên chở là máy bay và tàu ngầm chiến lược. Đó là chưa kể việc hai nước không thèm “đếm xỉa” đến số lượng đầu đạn ở trong kho, vốn dĩ có thể triển khai ngay nếu có nhu cầu.

Cả điện Kremlin và Nhà trắng còn phải lắng nghe phản ứng từ trong nước. Cả hai đều không muốn bị các đối thủ chính trị chỉ trích là thỏa hiệp vô nguyên tắc. Chính vì vậy ngay sau lễ ký, phát ngôn viên của Nhà trắng đã giải thích “hiệp ước này không bao gồm các điều khoản cấm thử, phát triển hay triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa theo kế hoạch”. Tương tự, Mátxcơva cũng nói rõ với chính quyền Obama rằng các thủ tục phê chuẩn của Nga sẽ “khác với Mỹ”.

Dù vậy, gọi đây là một thắng lợi ngoại giao cũng không phải quá lời vì nó đã góp phần kết thúc 9 năm đàm phán đầy khó khăn giữa hai nước. Hơn nữa nếu nhìn lại mấy năm qua, nhất là trong thời kỳ cuộc chiến ở Chechnya năm 2008 và việc triển khai lá chắn tên lửa ở châu Âu, có nhiều lúc tưởng chừng đàm phán đã hoàn toàn rơi vào bế tắc. Về mặt nội bộ, việc Quốc hội hai nước nhanh chóng phê chuẩn cũng đã đem lại uy tín cho chính quyền của ông Medvedev và ông Obama.

Rốt cuộc các nỗ lực giải trừ mối đe dọa hạt nhân trên thế giới phải bắt đầu từ thiện chí của Washington và Mátxcơva. Hiệp ước START mới chính là điều kiện tiên quyết cho các thỏa thuận cắt giảm vũ khí hạt nhân đa phương sau này.

Lê Uyển Chi