Binh sỹ và xe tăng Mỹ tham gia một cuộc tập trận tại Latvia. |
Báo New York Times ngày 13/6 cho biết, Mỹ dự định triển khai vũ khí hạng nặng, xe tăng và khoảng 5.000 binh sỹ sang các nước vùng Baltic và Đông Âu. Trong trường hợp đề nghị của Lầu Năm Góc được chấp thuận, đây sẽ là lần đầu tiên Mỹ đặt vũ khí hạng nặng tại các quốc gia vừa gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và từng nằm trong phạm vi ảnh hưởng của Liên Xô cũ. Sau đó, ngày 22/6, chính phủ các nước EU đã nhất trí gia hạn các lệnh trừng phạt Nga thêm sáu tháng, đến hết tháng 1/2016, nhằm duy trì áp lực buộc Điện Kremlin khôi phục hòa bình tại miền Đông Ukraine.
Có thể nói, những “cú đánh” của phương Tây nhằm vào Nga thực chất không có gì mới. Trước hết, việc cấm vận kinh tế và cô lập nước Nga trên diễn đàn quốc tế thời gian qua đã không đem lại kết quả như các nước phương Tây mong đợi. Kinh tế Nga gặp khó một phần vì giá dầu giảm mạnh chứ không hoàn toàn do sự phong tỏa của Mỹ và châu Âu. Sự mất giá của đồng ruble và sức khỏe nền kinh tế Nga đã hồi phục nhờ giá dầu tăng. Bên cạnh đó, cũng “nhờ” sự cô lập của phương Tây mà Nga đã có thể mở rộng các đối tác chính trị và kinh tế ở châu Á, Mỹ Latinh...
Về mặt quân sự, khả năng triển khai vũ khí tới các nước từng thuộc Liên Xô (cũ) cũng không khiến giới quan sát bất ngờ. Từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay, chính sách bao vây quân sự của phương Tây với Nga chưa bao giờ ngừng nghỉ. Việc Mỹ cố gắng thiết lập hệ thống phòng thủ tên lửa tại Đông Âu trước đây là một ví dụ.
Mặt khác, báo The Guardian nhận định sự tăng cường hiện diện quân sự của Mỹ tại châu Âu có thể khiến các nước Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Italy không thoải mái bởi các nước này không muốn gây thêm mâu thuẫn với Nga vì vấn đề Ukraine.
Đáp trả động thái từ phương Tây, ngày 23/6, phía Nga tuyên bố sẽ sớm thông qua đề xuất gia hạn lệnh cấm vận thực phẩm đối với phương Tây. Trước đó, ngày 15/6, Tướng Yuri Yabukov, quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Nga, cảnh báo Moscow sẽ tăng cường tối đa sức mạnh quân sự ở phía Tây nước này, thậm chí đẩy nhanh việc triển khai tên lửa Iskander có khả năng mang đầu đạn hạt nhân tới vùng Kaliningrad sát châu Âu và tăng số lượng binh sỹ ở Belarus.
Hiện tại, còn quá sớm để dự báo bên nào sẽ giành phần thắng trong cuộc đối đầu dai dẳng giữa phương Tây và Nga, nhưng bên chịu thiệt hại nhiều nhất thì đã quá rõ, đó chính là Ukraine. Rối loạn chính trị và xung đột kéo dài đã khiến nền kinh tế “ngôi sao” một thời của Liên Xô đến bờ kiệt quệ. Nghiêm trọng hơn, các lệnh điều động quân sự cùng những đòn trừng phạt “ăn miếng trả miếng” đang đẩy nguy cơ bất ổn an ninh tại đất nước bên bờ biển Đen có vị trí địa chiến lược quan trọng này đến giới hạn đỏ.
Quang Chinh