Giám đốc khu vực châu Á-Thái Bình Dương UNFPA Pio Smith. (Nguồn: UNFPA) |
Có một câu nói như sau: Việc già đi không có nghĩa là đánh mất đi tuổi trẻ, già đi chỉ là khởi đầu của một giai đoạn mới, đầy cơ hội và sức mạnh. Quan điểm tích cực này chính là điều mà thế giới cần, đặc biệt trong dịp chúng ta cùng kỷ niệm Ngày quốc tế Người cao tuổi năm nay.
Mỗi chúng ta cần hình dung lại cách trao quyền cho người cao tuổi, để họ được già đi với phẩm giá và sống một cuộc đời viên mãn.
Thật vậy, thế giới đang trải qua thay đổi lớn về nhân khẩu học. Dự kiến đến năm 2050, cứ 4 người ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ có một người trên 60 tuổi, trong đó đa số là phụ nữ.
Đối với nhiều người cao tuổi, viễn cảnh già đi là một điều đáng sợ. Những nỗi lo về an ninh tài chính, sự suy giảm về sức khỏe, mất đi khả năng tự chủ nhen nhóm lên trong họ nỗi sợ sẽ bị lề hóa hay trở thành gánh nặng cho người khác.
Trong bối cảnh khu vực châu Á-Thái Bình Dương với 670 triệu dân, cứ mỗi bảy người thì sẽ có một người trên 60 tuổi, chúng ta đang phải đối mặt với một câu hỏi then chốt về cách xây dựng hệ thống chăm sóc để đảm bảo phúc lợi cho người cao tuổi.
Tuy nhiên, thật sai lầm khi cho rằng già đi là một vấn đề tiêu cực. Ngược lại, ta nên trân trọng và coi như đây là một cơ hội. Người cao tuổi sở hữu cho mình một kho tàng kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm, đem lại lợi ích lớn lao cho gia đình, cộng đồng và các nền kinh tế.
Tuổi thọ trung bình được cải thiện trên khắp khu vực cũng phản ánh tiến bộ đáng kể trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và nỗ lực xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, người cao tuổi vẫn phải đối mặt với những thách thức ngày một trầm trọng hơn do tác động của biến đổi khí hậu, xung đột và loại trừ xã hội.
Như câu chuyện của bà Mei, một người phụ nữ đã 75 tuổi, sống tại một làng quê ở Đông Nam Á. Bà đã dành cả cuộc đời chăm chỉ làm nông nhưng sức khỏe giảm sút và nguồn lực có hạn khiến bà khó duy trì sinh kế ấy. Con cái bà Mei đã lên thành phố để tìm những cơ hội tốt hơn, để bà tự lo liệu cho tương lai của mình. Mặc dù được nhà nước hỗ trợ bảo hiểm y tế dành cho người cao tuổi, bà vẫn lo lắng về an ninh tài chính, cũng như khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, và vấn đề bị cô lập trong xã hội.
Những câu chuyện như của bà Mei ngày càng trở nên phổ biến khi cấu trúc gia đình truyền thống đã dần thay đổi và chi phí sinh hoạt tăng cao. Chính phủ các nước trong khu vực hiện đang phải đối mặt với nhu cầu ngày càng tăng về chính sách và chương trình hỗ trợ dành cho người cao tuổi, đặc biệt là phụ nữ, đối tượng đặc biệt dễ bị tổn thương khi về già.
Cần bảo đảm người cao tuổi được tiếp cận các dịch vụ y tế thiết yếu trong suốt cuộc đời. (Nguồn: UNFPA) |
Để giải quyết những thách thức này, chúng ta cần một cách tiếp cận mới đối với hệ thống chăm sóc, không chỉ dừng lại ở chăm sóc sức khỏe mà còn bao gồm hỗ trợ xã hội, bảo vệ người cao tuổi khỏi bị lạm dụng, đồng thời tạo cơ hội cho họ được tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Điều này đòi hỏi những chính sách bao trùm, có tính thích ứng cao, xây dựng dựa trên quyền con người và cân nhắc những yếu tố về giới.
Trong bối cảnh đó, Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), cơ quan Liên hợp quốc chuyên trách về sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục, áp dụng cách tiếp cận “vòng đời” đối với vấn đề già hóa. Chúng tôi tin rằng đầu tư vào mọi giai đoạn của cuộc đời, từ tuổi thơ đến độ tuổi trưởng thành, sau là tuổi già, mới là chìa khóa để thúc đẩy sự bền bỉ và hạnh phúc của mỗi cá nhân. Chúng ta cần bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái, người cao tuổi khỏi bạo lực dựa trên cơ sở giới, chẳng hạn như ngược đãi người cao tuổi, đảm bảo họ được tiếp cận các dịch vụ y tế thiết yếu trong suốt cuộc đời.
Do đó, các nước cần đầu tư vào các chính sách tiên tiến, ưu tiên nhu cầu của người dân trong mọi giai đoạn của cuộc đời. Những chính sách này phải đảm bảo rằng người cao tuổi có thể già đi với phẩm giá, thúc đẩy sự tham gia tích cực của họ trong xã hội. "Nền kinh tế bạc", nghĩa là khai thác tiềm năng của một nền kinh tế có cơ cấu dân số đang già đi, có thể giúp một số quốc gia trong khu vực tăng tới 2,8% cơ cấu GDP.
Tuy nhiên, ta chỉ có thể hiện thực hóa tầm nhìn này bằng cách củng cố hệ thống chăm sóc dành cho người cao tuổi trên toàn khu vực. Chúng ta cần nâng cao cơ sở hạ tầng chăm sóc sức khỏe, đầu tư đào tạo các chuyên gia y tế, và mở rộng cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội thiết yếu. Bên cạnh đó, việc thúc đẩy những mối quan hệ liên thế hệ sẽ khuyến khích sự tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau giữa người cao tuổi và trẻ tuổi, giúp giảm bớt sự cô lập xã hội.
Tại UNFPA, chúng tôi cam kết hợp tác với các chính phủ, các tổ chức xã hội dân sự và các đối tác khác để xây dựng các hệ thống chăm sóc bao trùm, công bằng, tôn trọng quyền lợi của người cao tuổi. Khi xu hướng già hóa dân số diễn ra trên toàn cầu, xã hội cũng cần phải thích ứng.
Chúng ta có cơ hội và trách nhiệm tạo ra một tương lai mà ở đó việc già đi được trân trọng, và mọi người, bất kể tuổi tác, đều được sống với phẩm giá và sự tôn trọng. Nhân Ngày quốc tế Người cao tuổi năm nay, hãy cùng nhau tập trung vào “tia sáng hy vọng” - hưởng ứng việc già đi trong cuộc sống và xem như đây là một sức mạnh tích cực trong xã hội của chúng ta.