Bộ trưởng Nguyễn Duy Trinh trong phiên họp khai mạc Hội nghị quốc tế về Việt Nam tại Trung tâm các hội nghị quốc tế ở Paris, ngày 26/2/1973. |
Từ mốc son ngày thành lập Bộ Ngoại giao 28/8/1945, trải qua 76 năm hình thành và phát triển, Ngoại giao Việt Nam để lại nhiều dấu ấn quan trọng, tạo ra thế và lực mới cho đất nước.
Giá trị đặc biệt về phương diện kiến thiết quốc gia
76 năm đồng hành, phục vụ sự nghiệp đối ngoại, tài liệu lưu trữ Ngoại giao đã ghi lại những mốc son lịch sử quan trọng như những bức ảnh các đồng chí Bộ trưởng Ngoại giao qua các thời kỳ, ảnh trụ sở đầu tiên của Bộ Ngoại giao, ảnh Cơ quan Đại diện đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở nước ngoài, ảnh Đại sứ đầu tiên của Việt Nam trình quốc thư.
Phòng cũng lưu trữ ảnh các thời khắc lịch sử: ký Hiệp định Geneve 1954, Hiệp định Paris về Việt Nam, Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc, ASEAN, là Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, là thành viên của WTO, là Chủ tịch ASEAN, Hội nghị cấp cao APEC, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội…; ảnh Bác Hồ với các Hội nghị Ngoại giao, ảnh kỷ niệm sự kiện ngày Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao với các nước; các Châu bản về chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa…
Đây thật sự là tài sản vô giá không chỉ riêng đối với ngành Ngoại giao mà còn “có giá trị đặc biệt về phương diện kiến thiết quốc gia” như Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố tại Thông đạt 1C/VP ngày 3/1/1946.
Xét tổng thể về lý luận và thực tiễn, tài liệu lưu trữ Ngoại giao luôn mang tính chính trị sâu sắc trong quan hệ quốc tế, đặc biệt trong tiến trình hội nhập sâu rộng.
Về công tác nghiên cứu, tổng kết, hoạch định chính sách, tài liệu lưu trữ chứa đựng những thông tin quá khứ về công tác đối ngoại, những hoạt động chung của toàn ngành giúp cho việc hoạch định chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước chính xác, với tầm nhìn xa hơn, thể hiện trong việc khai thác, sử dụng tài liệu lưu trữ.
Trong những năm gần đây, số lượng độc giả nghiên cứu nhằm phát huy giá trị tài liệu lưu trữ ở trong và ngoài Bộ ngày càng tăng; với hàng trăm hồ sơ, tài liệu, ảnh, cung cấp hàng ngàn bản sao tài liệu lưu trữ cho công tác xuất bản, viết sử và các đề tài nghiên cứu.
Về công bố tài liệu lưu trữ để xuất bản sách, tài liệu lưu trữ ngoại giao luôn là nguồn sử liệu quan trọng, tin cậy giúp cho các tác giả công bố, nghiên cứu, sưu tầm để xuất bản sách và các công trình nghiên cứu của Nhà nước và của Bộ Ngoại giao, có thể kể đến như “Biên niên Tiểu sử Hồ Chủ tịch”, “Phạm Văn Đồng và Ngoại giao Việt Nam”, “Nhà Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch” và Sách Xanh Ngoại giao, các ấn bản của Ủy ban Biên giới Quốc gia, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Học viện Ngoại giao, Vụ Thi đua Khen thưởng và Truyền thống Ngoại giao và nhiều đơn vị thuộc Bộ v.v…
Đây là sự tri ân tới các vị tiền bối của nền Ngoại giao Cách mạng Việt Nam hiện đại.
Về công bố tài liệu lưu trữ tại các Triển lãm quốc gia, những hình ảnh hoạt động Ngoại giao là nguồn sử liệu chân thực, sống động tại các cuộc Triển lãm Quốc gia nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập Nước và thành lập Ngành; tại các Triển lãm Quốc tế nhân dịp “55 năm thiết lập quan hệ Ngoại giao Việt Nam – Liên bang Nga”; “Quan hệ hợp tác Việt Nam - Cuba qua tài liệu lưu trữ 1960 - 2005”, “45 năm Quan hệ Ngoại giao Việt Nam - Lào’; “Quan hệ Việt Nam - Liên bang Nga trong lĩnh vực đào tạo”, Triển lãm tài liệu lưu trữ “Việt Nam – Điểm đến” tại Liên bang Nga (2019), Triển lãm trực tuyến “Lịch sử quan hệ hợp tác Việt Nam – Nhật Bản qua tài liệu lưu trữ quốc gia tiêu biểu” (2018), Triển lãm “Hồ Chí Minh: Cuộc đời và sự nghiệp qua tài liệu lưu trữ Việt Nam và quốc tế” (2019) và các triển lãm trong chuỗi sự kiện 75 năm thành lập ngành Ngoại giao (2020).
Lưu trữ và ngoại giao
Đối với công tác xây dựng Ngành, tài liệu lưu trữ phản ánh một cách toàn diện công tác đối ngoại, nội bộ; là tài sản quý báu cho thế hệ mai sau trong tham mưu chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị.
Đối với công tác tuyên truyền đối ngoại, tài liệu, hiện vật lưu trữ ngoại giao liên quan đến chủ quyền của đất nước là nguồn di sản vô giá.
Tài liệu lưu trữ cũng là di sản văn hóa của dân tộc, có ý nghĩa quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế. Tài liệu lưu trữ giúp tái dựng lại các sự kiện lịch sử một cách chân thực và sống động.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách sẽ vô cùng khó khăn trong việc tìm kiếm tài liệu phản ánh các sự kiện, hiện tượng lịch sử trong kho lưu trữ, nếu như công tác thu thập, bảo quản và tổ chức sử dụng tài liệu lưu trữ ở chừng mực nhất định còn chưa nhận được sự quan tâm đúng mức nên đã không thể thu, lưu giữ được đầy đủ những tài liệu cần thiết.
Vì giá trị đặc biệt của tài liệu lưu trữ, đòi hỏi sự quan tâm hơn nữa của các đơn vị thuộc Bộ và các Cơ quan Đại diện Việt Nam ở nước ngoài để cùng chung tay gìn giữ nguồn di sản quý báu này của ngành Ngoại giao.
Có thể nói lưu trữ và ngoại giao là mối quan hệ logic biện chứng. Thông qua hoạt động đối ngoại, tài liệu lưu trữ được sản sinh.
Ngược lại, tài liệu lưu trữ ngoại giao chính là nguồn sử liệu, là chứng cứ lịch sử giúp cho cán bộ Ngoại giao hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của mình.
Nhân dịp kỷ niệm 76 năm Ngày thành lập ngành Ngoại giao (28/8/1945- 28/8/2021), thông qua Báo Thế giới & Việt Nam, Phòng Lưu trữ xin trân trọng giới thiệu một số hình ảnh Ngoại giao Việt Nam qua hình ảnh, tài liệu lưu trữ cùng bạn đọc.
Đại sứ Nguyễn Lương Bằng trình Quốc thư lên Chủ tịch Đoàn Xô- viết tối cao Liên Xô năm 1952. |
Đồng chí Tạ Quang Bửu, thay mặt Đoàn đại biểu nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký Hiệp định về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam, ngày 21/7/1954. |
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Văn Đồng tiếp Thủ tướng Pháp Pierre Mendès France tại Genève, Thụy Sỹ, năm 1954. |
Lễ ký Hiệp định kinh tế và thương mại đầu tiên giữa Việt Nam-Hungary tại Hà Nội năm 1958. |
Bộ trưởng Nguyễn Duy Trinh ký Hiệp định Paris về Việt Nam năm 1973. |
Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình bắt tay Tổng Thư ký Liên hợp quốc Kurt Waldheim khi ông đến chứng kiến Lễ ký định ước của Hội nghị quốc tế về Việt Nam tại Paris, ngày 2/3/1973. |
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ba nước Đông Dương Lào-Campuchia-Việt Nam họp tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 17/1/1985. |
Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch hội đàm với Ngoại trưởng Pháp Roland Dumas tháng 2/1990. |
| Lễ tân Ngoại giao: Chuyện những người đứng sau cánh gà Nghề lễ tân ngoại giao có vất vả không? Câu trả lời luôn luôn là có, đi cùng những sự căng thẳng, khó khăn, dễ ... |
| Võ Nguyên Giáp - Vị Đại tướng bất tử trong lòng người dân Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911-25/8/2021) luôn là vị tướng lĩnh tài ba, bất tử trong lòng người dân Việt Nam cũng như bạn bè ... |