Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken phát biểu tại Jakarta ngày 14/12. (Nguồn: The Diplomat) |
Không nước nào bị ép buộc hay đe dọa
Ngày 14/12, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken có bài phát biểu về chính sách tại Jakarta, Indonesia trong chuyến công du Đông Nam Á.
Theo The Diplomat, chuyến thăm nhằm vạch ra chiến lược của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Ngoại trưởng Blinken đã cam kết làm sâu sắc và mở rộng mối quan hệ của Mỹ với khu vực Đông Nam Á.
Ông Blinken cho biết: “Các mối đe dọa đang gia tăng, do đó cách tiếp cận an ninh của chúng tôi cũng cần phát triển theo. Để làm được điều đó, chúng tôi sẽ dựa vào sức mạnh lớn nhất của mình: đó là các liên minh và quan hệ đối tác của chúng tôi”. Ông cam kết Mỹ sẽ “áp dụng một chiến lược kết hợp tất cả các công cụ sức mạnh quốc gia chặt chẽ hơn, bao gồm ngoại giao, quân sự, tình báo với các đồng minh và đối tác”.
Ngoại trưởng Blinken nhấn mạnh những nỗ lực của Mỹ trong việc cung cấp cơ sở hạ tầng và vaccine Covid-19 chất lượng cao cho khu vực, đồng thời làm việc chặt chẽ hơn trong các vấn đề an ninh, tích hợp chuỗi cung ứng và hợp tác đổi mới công nghệ. Ông nói: “Đó là cách chúng tôi củng cố thế mạnh để gìn giữ hòa bình, như những gì chúng tôi đã làm ở khu vực này nhiều thập kỷ qua”.
Đặc biệt, ông Blinken tái khẳng định rằng Mỹ không yêu cầu khu vực này phải lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc, nhưng cũng không nên phản đối các mối quan ngại của Washington về Bắc Kinh, từ việc chính phủ Trung Quốc “tuyên bố chủ quyền đối với các vùng biển chung” cho đến áp dụng biện pháp chèn ép về kinh tế để đạt được các mục tiêu chiến lược.
Ông Blinken nói: “Mục tiêu của việc bảo vệ trật tự dựa trên luật lệ không phải là để cản trở bất kỳ nước nào… Đúng hơn, đó là để bảo vệ quyền lợi cho tất cả các nước được lựa chọn con đường riêng của họ mà không bị ép buộc và đe dọa”.
Mỹ cam kết sẽ thúc đẩy sự thịnh vượng của khu vực “trên diện rộng” thông qua khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trong đó tập trung vào thương mại, nền kinh tế kỹ thuật số, công nghệ, chuỗi cung ứng và năng lượng sạch (cùng một số lĩnh vực khác).
Mặc dù có nhiều cuộc thảo luận về việc Washington cần tăng cường can dự kinh tế, song có rất ít chi tiết về các kế hoạch để Mỹ đạt được mục đích này. Kể từ khi cựu Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào năm 2017, bối cảnh chính trị trong nước của Mỹ vẫn rất khó hòa hợp với các thỏa thuận thương mại đa phương.
Alexander Arifianto, thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) đã ví khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương như một “TPP 2.0” và đặt câu hỏi: “Liệu cam kết của Mỹ có đáng tin cậy nếu họ quyết định rút khỏi khuôn khổ này do áp lực từ chủ nghĩa dân túy trong nước?". Với việc Đảng Cộng hòa đã sẵn sàng tham gia cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào năm 2022 và có thể tái chiếm Nhà Trắng vào năm 2024, không có gì vô lý khi đặt câu hỏi liệu cam kết mà ông Blinken đưa ra có còn được duy trì trong 4 năm tới hay không.
Nhìn chung, Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ủng hộ Mỹ tăng cường can dự, nhưng cũng bác bỏ những khuynh hướng cứng nhắc nằm ở trung tâm cách tiếp cận hiện nay của Washington đối với khu vực này. Nếu Mỹ không để ý đến điều đó, chính sách của họ ở Đông Nam Á và rộng hơn là Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ chỉ là một khẩu hiệu mà không có chiến lược rõ ràng.
Thông điệp "bất di bất dịch" về Biển Đông
Theo The Guardian, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã tận dụng chuyến thăm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương để thúc giục Trung Quốc ngừng "các hành động gây hấn" tại khu vực này.
Trong bài phát biểu nêu trên, Ngoại trưởng Blinken khẳng định Washington “quyết tâm đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông” và cho biết các hành động của Bắc Kinh ở khu vực này đe dọa dòng chảy thương mại trị giá hơn 3 tỷ USD/năm. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh “đó không phải là cuộc cạnh tranh giữa một khu vực tập trung vào Mỹ hay khu vực tập trung vào Trung Quốc", Washington muốn tránh xung đột tại đây.
Thời gian qua, quan hệ Mỹ-Trung Quốc đã xấu đi do hàng loạt vấn đề từ an ninh mạng, công nghệ... Đến nay, Chính quyền Tổng thống Joe Biden chủ yếu vẫn duy trì lập trường cứng rắn của người tiền nhiệm Donald Trump đối với Trung Quốc, coi cường quốc châu Á này là thách thức hàng đầu đối với Mỹ.
Trong bài phát biểu tại Jakarta, ông Blinken cho biết: “Tất cả chúng ta đều có trách nhiệm đảm bảo rằng khu vực năng động nhất thế giới sẽ không bị ép buộc và mọi người đều tiếp cận được… lịch sử cho thấy khi khu vực rộng lớn này tự do và rộng mở, nước Mỹ sẽ an toàn hơn và thịnh vượng hơn”.
Ngoại trưởng Blinken nói thêm rằng Mỹ không muốn cạnh tranh với Trung Quốc trong khu vực.
Về phía Indonesia, nước này hy vọng vào sự hợp tác và hỗ trợ của Mỹ đối với Tài liệu quan điểm ASEAN về Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, theo đó thúc đẩy tự do, hòa bình, ổn định và thịnh vượng cũng như giải quyết các tranh chấp trong hòa bình.
Trong một cuộc họp báo chung với người đồng cấp Mỹ, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi khẳng định: “Một mối quan hệ hợp tác cụ thể và cùng có lợi sẽ đóng góp vào việc gìn giữ hòa bình và ổn định ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”.
Theo tuyên bố được đưa ra trước chuyến thăm của Ngoại trưởng Blinken, văn phòng của ông cho biết họ ủng hộ “những nỗ lực mạnh mẽ của Indonesia nhằm bảo vệ các quyền hàng hải của mình" và phản ứng trước các hành động hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông. Tại cuộc gặp, hai bên nhất trí mở rộng hợp tác hàng hải giữa Indonesia và Mỹ, đồng thời ký kết các thỏa thuận trong lĩnh vực giáo dục và hoạt động gìn giữ hòa bình.
Giới phân tích lưu ý rằng chuyến công du của ông Blinken tại khu vực này là một nỗ lực nhằm thiết lập lại các kênh ngoại giao thông thường sau giai đoạn gián đoạn dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump.
Nhà phân tích quan hệ liên quốc gia Teuku Rezasyah, thuộc Đại học Padjajaran tại Bandung bình luận: “Tôi cho rằng chính quyền Tổng thống Biden nhận ra tiềm năng của khu vực này, vốn không được nuôi dưỡng trong nhiệm của người tiền nhiệm, đặc biệt là Indonesia, quốc gia thường đóng vai trò như một mỏ neo ổn định và là một nhân tố chính ở Đông Nam Á".
| Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken công du châu Phi: Chuyến thăm đầu tiên đầy thử thách Trang Foreign Policy ngày 11/11 đã đăng bài phân tích về những trọng tâm trong chuyến công du đầu tiên của Ngoại trưởng Mỹ Antony ... |
| Ngoại giao trong tuần: Gặp song phương Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam-Anh; Yêu cầu tàu cá Trung Quốc rút khỏi Trường Sa Báo TG&VN điểm lại một số hoạt động nổi bật của ngoại giao Việt Nam trong tuần từ ngày 1-7/11. |