📞

Ngoại trưởng Mỹ-Nga chạm trán: Tìm quỹ đạo mới

Minh Vương 06:00 | 20/05/2021
Sau khởi đầu đầy khó khăn, liệu cuộc gặp mở màn của Ngoại trưởng Mỹ-Nga tại Iceland có thể vẽ nên một quỹ đạo tích cực hơn cho quan hệ song phương?

Ngày 19-20/5, Bộ trưởng các nước Hội đồng Bắc Cực sẽ họp tại Reykjavik, Iecland. Tuy nhiên, hội đàm Ngoại trưởng Mỹ-Nga diễn ra ngay sau đó mới là sự kiện được giới truyền thông và các nhà phân tích đặc biệt chú ý.

Cuộc chạm trán tại Reykjavik sẽ đánh dấu lần đầu quan chức ngoại giao cấp cao nhất của hai nước đối mặt kể từ khi ông Joe Biden trở thành Tổng thống Mỹ.

Thực tế cho thấy, việc Nhà Trắng có chủ nhân mới chưa mang lại tiến triển tích cực cho quan hệ Nga-Mỹ. Đã có lúc, căng thẳng song phương tưởng chừng như muốn trở về thời kỳ Chiến tranh Lạnh sau pha “lỡ lời” của Tổng thống Joe Biden về người đồng cấp Nga Vladimir Putin, hay hàng loạt động thái trục xuất các nhà ngoại giao Nga tại Mỹ và một số đồng minh, đối tác tại châu Âu.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và người đồng cấp Mỹ Antony Blinken sẽ lần đầu gặp gỡ trực tiếp tại Reykjavik ngày 20/5. (Nguồn: Tân hoa xã)

Hai bên tiếp tục có quan điểm đối lập trong nhiều vấn đề như biên giới Ukraine, bán đảo Crimea, chính trị gia Alexei Nalvany hay vai trò của Nga đằng sau các vụ tấn công mạng một số cơ sở hạ tầng của Mỹ như hệ thống đường ống dẫn dầu Colonial Pipeline.

Khi ấy, liệu cuộc gặp của Ngoại trưởng Mỹ-Nga tại Iceland có thể vẽ nên một quỹ đạo tích cực hơn cho quan hệ song phương?

Triển vọng mới

Trước thềm cuộc gặp, hai bên đã phát ra một số tín hiệu tích cực.

Phát biểu ngày 18/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price hy vọng cuộc gặp song phương sẽ “là cơ hội tốt về khả năng thiết lập một mối quan hệ ổn định và dễ đoán hơn với Moscow.”

Đáng chú ý, ít lâu trước ngày hẹn, Ngoại trưởng Antony Blinken đã quyết định tạm dừng các trừng phạt nhắm vào dự án đường ống Dòng chảy Phương Bắc 2 do Nga và Đức hợp tác triển khai. Quyết định này có thể khiến một số quốc gia châu Âu gay gắt với Moscow phiền lòng. Bù lại, nó sẽ giúp xây dựng bầu không khí thân thiện hơn trong cuộc gặp sắp tới giữa Ngoại trưởng Nga-Mỹ.

Theo ông Blinken, bất chấp khác biệt, Mỹ và Nga đã đồng thuận gia hạn hiệp ước kiểm soát vũ khí quan trọng mà người tiền nhiệm của ông Biden, cựu Tổng thống Donald Trump phản đối. Đây là minh chứng rõ nét rằng Washington và Moscow vẫn có thể duy trì hợp tác trong một số lĩnh vực cùng quan tâm như biến đổi khí hậu, Trung Đông, Iran và Triều Tiên.

“Cuộc gặp song phương sẽ là cơ hội để kiểm tra rằng liệu đề xuất về một mối quan hệ ổn định, dễ đoán hơn với Moscow có thực sự khả thi”. (Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price)

Trong khi đó, ông Sergey Lavrov khẳng định cấm vận, trừng phạt kinh tế đơn phương với Nga không phải là một phần trong sự “ổn định, dễ đoán” nêu trên.

Quan trọng hơn, theo người đứng đầu ngành ngoại giao xứ bạch dương, hai bên có thể thảo luận về các lĩnh vực song phương và vấn đề quốc tế chung lợi ích, qua đó tìm kiếm cân bằng dựa trên đối xử bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau.

Đại diện hai bên tại Hội đồng Bắc Cực cũng lạc quan về cuộc gặp tới.

Ông Jim De Hart, điều phối viên đặc trách của Mỹ tại Bắc Cực, nhấn mạnh Mỹ-Nga cần hợp tác nhiều về chống biến đổi khí hậu, khoa học và gìn giữ hòa bình khu vực. Còn đại diện của Nga Nikolai Korchunov cho biết tuần trước, hai bên đã tiến hành đối thoại “mang tính xây dựng” tại cơ quan này.

Trắc trở cũ

Liệu những tín hiệu tích cực đó có đủ để khỏa lấp những bất đồng cũ giữa hai bên?

Phát biểu ngày 18/5, dù bỏ ngỏ khả năng xây dựng mối quan hệ ổn định hơn với Moscow, song Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khẳng định một khi Nga có các hành động hung hăng, liều lĩnh, đe dọa lợi ích của Mỹ và các đồng minh, Washington sẽ không đứng nhìn.

Viết trên Twitter, ông Blinken cũng không ngại chỉ trích các “hành động xâm hại” của Nga với Crimea, so sánh với cách cố lãnh đạo Liên Xô Stalin đã buộc người Crimea Tatar phải rời bỏ quê hương 77 năm về trước.

Đây chỉ là một phần trong hàng chuỗi bất đồng Mỹ-Nga, từ câu chuyện tấn công mạng, cáo buộc can thiệp, số phận chính trị gia Alexei Navalny, bầu cử biên giới Ukraine hay bán đảo Crimea.

Dường như chưa đủ, mới đây hai bên đã “lời qua tiếng lại” về hoạt động của Nga gần khu vực Bắc Cực, hâm nóng cuộc gặp bên lề sự kiện về khu vực này. Ngoại trưởng Sergey Lavrov khẳng định Bắc Cực là một phần lãnh thổ, nhấn mạnh quân đội Nga đã bảo vệ bờ biển này từ nhiều năm nay.

Nga khẳng định bờ biển khu vực Bắc Cực thuộc lãnh thổ Nga, song Mỹ không cho là như vậy. (Nguồn: Flickr)

Tuy nhiên, Mỹ không nghĩ vậy. Ngoại trưởng Antony Blinken bày tỏ quan ngại về “tai nạn, tính toán sai lầm” từ các hoạt động quân sự của Nga tại Bắc Cực, gây tổn hại tới tương lai hòa bình, bền vững tại đây. Theo ông, các bên cần hành động tuân thủ nguyên tắc, luật lệ và cam kết.

Những tuyên bố nêu trên cho thấy triển vọng về một quỹ đạo mới, tích cực hơn cho quan hệ Mỹ-Nga là khả thi. Tuy nhiên, điều này sẽ phụ thuộc vào thiện chí từ hai Ngoại trưởng nhằm tìm điểm chung, vượt khác biệt, tạo tiền đề cho thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo vào tháng 6 tới.