📞

Người mang Dự thảo Hiệp định tới Paris

Hải Khánh (ghi) 19:00 | 08/01/2023
Chuyện kể của ông Lưu Văn Lợi - nguyên Cố vấn pháp lý đoàn VNDCCH, về việc được giao nhiệm vụ mang bản Dự thảo Hiệp định Paris sang cho Đoàn.
Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, ký ngày 27/01/1973. (Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia II)

Từ báo chí sang đối ngoại

Sinh năm 1913 tại Hà Nội, ông Lưu Văn Lợi từng làm hải quan trong chính quyền Pháp. Trước Cách mạng tháng Tám, ông tham gia Hội Văn hóa cứu quốc bí mật của Mặt trận Việt Minh tại Hà Nội và cũng bắt đầu tham gia Cách mạng từ đó.

Với danh nghĩa là người của Mặt trận Việt Minh, ông Lợi tham gia Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Sau đó, ông được phân công công tác kiểm duyệt báo chí ở miền Bắc và trở thành Tổng Biên tập của tờ báo tiếng Pháp Republique (Cộng hòa) - có nhiệm vụ tố cáo việc Pháp trở lại Đông Dương (sau ngày 6/3/1946, tờ báo đổi tên thành Le Peuple (Nhân dân) để phù hợp với tình hình. Khi kháng chiến bùng nổ, ông đã giao lại tờ báo cho ông Nguyễn Đình Thi phụ trách để tham gia kháng chiến.

Đảm trách nhiều vị trí quan trọng trong Quân đội Nhân dân Việt Nam, trong đó có vị trí Tổng Biên tập báo Quân đội nhân dân (sáp nhập từ tờ Vệ quốc quân và tờ Quân du kích), ông Lợi được phân công công tác tổ chức Hội nghị quân sự Trung Giã và từ đó chuyển từ quân đội sang làm công tác đối ngoại.

Từ năm 1960, ông Lợi công tác tại Bộ Ngoại giao, đảm nhiệm vị trí Vụ trưởng Vụ Á châu 2 phụ trách Lào - Campuchia. Sau đó, ông làm Chánh Văn phòng Bộ từ 1960 - 1973. Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông Lưu Văn Lợi làm Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao, Trưởng ban biên giới.

Ông Lưu Văn Lợi (1913-2016), nguyên Chánh Văn phòng Bộ Ngoại giao, nguyên thành viên đoàn đàm phán Chính phủ VNDCCH, nguyên Đại sứ, Phó Trưởng đoàn VNDCCH tại Ban Liên hợp quân sự 4 bên, nguyên Trưởng ban biên giới, nguyên Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao.

Mang Dự thảo Hiệp định tới Paris

Năm 1968, khi có chủ trương đàm phán với Mỹ, Bộ Chính trị thành lập hai cơ quan chuyên trách là CP50 và CP80. Trong đó, CP50 là cơ quan chuyên trách nghiên cứu tư vấn để Bộ Chính trị chỉ đạo Hội nghị Paris có hai bộ phận: làm việc trong nước và làm việc tại Paris. Lúc này, ông Lợi đang đảm nhiệm vị trí Chánh Văn phòng Bộ Ngoại giao và được phân công làm việc tại CP50 ở trong nước.

Năm 1972, trong suốt nhiều tháng trời, Cố vấn Lê Đức Thọ luôn thăm dò thái độ của Mỹ về khả năng tiếp tục đàm phán trong các cuộc đàm phán bí mật với Kissinger. Đến tháng 9/1972, sau khi chắc chắn về khả năng này, Bộ Chính trị mới chỉ đạo CP50 hoàn thành Dự thảo Hiệp định Paris và cử ông Lưu Văn Lợi cùng một thành viên nữa mang sang Paris giao cho Đoàn.

Sang đến Paris, ông Lợi được giao nhiệm vụ làm Cố vấn pháp lý cho ông Lê Đức Thọ trong các cuộc đàm phán bí mật với Kissinger. Sau khi nhận được Dự thảo Hiệp định từ phía Việt Nam (gồm Dự thảo giải pháp và Bản tuyên bố về quyền tự quyết của miền Nam), phía Mỹ chuyển thành một tài liệu gồm cả vấn đề quân sự và chính trị.

Sự cố ở Sài Gòn

Đến ngày 27/1/1973, khi Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam chính thức được ký kết, ông Lưu Văn Lợi được Bộ Chính trị cử làm Phó trưởng Đoàn đại biểu chính phủ 4 bên ở Sài Gòn. Ngay trong ngày 27/1, ông Lưu Văn Lợi cùng một số cán bộ miền Bắc và miền Nam đáp chuyến bay của Air France tới Bangkok và tại đây, Chính quyền Sài Gòn cho máy bay đón Đoàn về Sài Gòn. Ông Lợi cho rằng, lúc này, Chính quyền Sài Gòn đã có sự tính toán tinh vi vì lo ngại khi Đoàn về đến sân bay Tân Sơn Nhất thì việc người dân đổ ra đón tiếp sẽ thành sự kiện chính trị trên truyền thông. Vì thế, thay vì hạ cánh ở Tân Sơn Nhất, chiếc máy bay đã đáp xuống sân bay quân sự.

Tuy nhiên, đoàn của ông Lợi đi từ ngày 27/1 đến khi Hiệp định Paris bắt đầu có hiệu lực (ngày 28/1) vẫn chưa đến nơi. Nguyên nhân là ngay khi máy bay hạ cánh, đoàn bị bắt phải làm thủ tục nhập cảnh. Tất cả mọi người đều phản đối vì đây là hành động vi phạm Hiệp định Paris vừa ký kết. Vì sự cố này mà 20 tiếng sau, các thành viên trong đoàn mới xuống được máy bay sau khi kiên quyết không ký giấy nhập cảnh trên chính đất nước mình.

Tại Hội nghị diễn ra ở Sài Gòn, với quân hàm Đại tá và vai trò Phó trưởng Đoàn Việt Nam DCCH nhưng vì về thẳng từ Paris nên ông Lưu Văn Lợi không có giấy ủy nhiệm của Hà Nội. Lúc này, Thiếu tướng của Đoàn Mỹ, sau khi trình giấy ủy nhiệm của Tổng thống Mỹ liền quay ra hỏi ông Lợi vì sao không có. Ông Lợi trả lời: "Tôi đi thẳng từ Paris về nên không có. Người của tôi ở ngoài Hà Nội sẽ mang vào sau". Không bắt bẻ thêm được, Thiếu tướng Mỹ phải ngồi vào bàn Hội nghị.

Nhớ lại quãng thời gian làm việc tại CP50, ông Lưu Văn Lợi chia sẻ một kỷ niệm vui về việc tranh cãi giữa cố vấn Lê Đức Thọ về từng câu, từng chữ trong đàm phán về nội dung các văn bản. Đó là tháng 10/1972, Hà Nội có một đề nghị mềm dẻo là không loại bỏ Chính quyền Sài Gòn mà chỉ thỏa thuận một số nguyên tắc lớn như hai bên miền Nam sẽ hiệp thương để giải quyết các vấn đề nội bộ của miền Nam, lập một Cơ cấu chính quyền để đôn đốc và giám sát thi hành Hiệp định và tổ chức Tổng tuyển cử. Sau khi nghiên cứu, Kissinger đề nghị gọi cơ quan này là Hội đồng quốc gia hòa giải và hòa hợp dân tộc. Ông ta không đồng ý hai cụm từ "cơ cấu chính quyền" và "đôn đốc", và đề nghị thay nó bằng từ "thúc đẩy" (to promote).

Một cuộc tranh cãi kéo dài giữa hai bên đã nổ ra xung quanh từ "đôn đốc" vì Kissinger cho rằng, từ "đôn đốc" hạ thấp vai trò của Hội đồng quốc gia ngang với một cơ quan bầu cử. Cuối cùng, ông Lê Đức Thọ đồng ý bỏ từ "cơ cấu chính quyền", nhưng vẫn giữ lại từ "đôn đốc" trong bản tiếng Việt, còn bản tiếng Anh thì dùng từ promote theo ý của Kissinger. Sau này, nhiều thành viên Đoàn Mỹ thường nói vui là sau Hiệp định Paris họ cũng biết nói tiếng Việt, đó là từ "đôn đốc" vì từ này được hai bên tranh cãi quá lâu.