📞
Kỷ niệm 50 năm Ngày ký kết Hiệp định Paris (27/1/1973-27/1/2023):

Người Mỹ từng bị bắt vì biểu tình chống chiến tranh Việt Nam nói về lý và tình thôi thúc ông 'chọn lẽ phải'

Thu Trang 19:23 | 18/01/2023
Trả lời phỏng vấn báo chí, ông John McAuliff, Giám đốc điều hành Quỹ Hoà giải và phát triển (FRD), nêu bật ý nghĩa lịch sử của Hiệp định Paris, cũng như hồi tưởng lại những năm tháng tham gia phong trào chống chiến tranh Việt Nam.
Ông John McAuliff, Giám đốc điều hành Quỹ Hoà giải và phát triển, chia sẻ điều thôi thúc ông tham gia phong trào chống chiến tranh Việt Nam. (Ảnh: Thu Trang)

Thưa ông John McAuliff, ông hãy chia sẻ cảm xúc của mình trong lần trở lại Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 50 năm ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh lập lại hoà bình ở Việt Nam (27/1/1973-27/1/2023)?

Tôi đã thăm Việt Nam rất nhiều lần nhưng tôi hết sức xúc động khi được quay trở lại Việt Nam vào dịp đặc biệt đánh dấu nửa thế kỷ một hiệp định lịch sử được ký kết. Tuy chưa phải là bước cuối cùng nhưng Hiệp định Paris vẫn đóng vai trò là một bước tiến rất quan trọng, góp phần vào việc đem lại hòa bình cho Việt Nam. Chúng ta đang kỷ niệm 50 năm ngày ký kết Hiệp định Paris trọng đại đó.

Chúng tôi vẫn còn nhớ hình ảnh tàn phá đối với những bệnh viện, những ngôi nhà của người dân ở Khâm Thiên trong các cuộc ném bom của Mỹ. Và chúng tôi cũng đã tham gia các cuộc hội thảo gặp gỡ những người chịu ảnh hưởng bởi vụ ném bom ở Khâm Thiên.

Những sự kiện kỷ niệm rất quan trọng để nhìn lại những cuộc biểu tình, phong trào phản chiến, nơi thể hiện tình đoàn kết, dẫn đến những phong trào ngày một mạnh mẽ hơn, nhằm chống lại cuộc chiến tranh ở Đông Dương.

Nhiều người có luận điệu rằng, phía Việt Nam bị buộc phải ngồi vào bàn đàm phán về Hiệp định Paris. Tuy nhiên, khi nhìn lại thực tiễn, bất chấp các cuộc ném bom cuối năm 1972, nhân dân Việt Nam vẫn đứng vững, buộc chính phủ Mỹ và chính quyền Sài Gòn phải ngồi vào bàn đàm phán sau những gì họ đã gây ra với miền Bắc, với Hà Nội và Hải Phòng.

Mặt khác, Hiệp định Paris được ký kết cũng là một động lực rất quan trọng cho phong trào hòa bình, phong trào chống chiến tranh trên thế giới nói chung.

Thời điểm ký Hiệp định Paris về Việt Nam ông đang làm gì? Điều gì thôi thúc ông tham gia các phong trào chống chiến tranh Việt Nam?

Thời gian đó, tôi đang làm tình nguyện viên trong Tổ chức Hòa bình (Peace Corps) ở Peru. Sau khi trở về Mỹ vào năm 1966, tôi từ chối làm việc cho Hệ thống Dịch vụ chọn lọc (Selective Service System) - nghĩa vụ quân sự của Mỹ, nên chưa bao giờ ở trong quân đội Mỹ.

Tôi từng bị bắt do tham gia các cuộc biểu tình phản chiến. Và có hai lý do khiến tôi tham gia phong trào chống chiến tranh Việt Nam. Thứ nhất là chủ nghĩa nhân đạo vĩ đại. Những hình ảnh hàng ngày trên truyền hình về những người đang hấp hối ở Việt Nam đã tác động rất lớn đối với tôi.

Thứ hai là lịch sử và lẽ phải. Không có căn cứ lịch sử và căn cứ pháp lý nào để Mỹ can thiệp vào Việt Nam. Thay vì tôn trọng hiệp định Geneva thì Mỹ lại can thiệp, ủng hộ Pháp để rồi thế chân Pháp tiến hành cuộc chiến tranh ở Việt Nam thông qua một chế độ do Mỹ lập nên ở Sài Gòn. Chúng tôi hiểu điều đó và cũng nhiều sinh viên như tôi thấy rõ điều đó. Nhìn lại lịch sử và lý lẽ, chúng tôi biết sự sai lầm của cuộc chiến tranh.

Do đó, tôi phản đối chiến tranh Việt Nam bởi cả cái lý và tình.

Ông John McAuliff vui mừng trò chuyện với ông Huỳnh Văn Trình, nguyên Vụ trưởng, nguyên thành viên Đoàn đàm phán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tại Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam tại Hà Nội, ngày 17/1. (Ảnh: Nguyễn Kim)

Lúc bấy giờ tại Mỹ các phong trào chống chiến tranh diễn ra ở đâu và quy mô của những phong trào này như thế nào?

Bấy giờ các phong trào chống chiến tranh diễn ra sôi nổi trên khắp nước Mỹ, bao gồm hàng triệu người thuộc mọi lứa tuổi, mọi chủng tộc với nhiều hình thức khác nhau.

Đó có thể là những buổi cầu nguyện rất yên tĩnh, không nói lớn và không hô vang khẩu hiệu để phản đối chiến tranh vào giữa những năm 1960.

Đó có thể là việc truyền bá ở các trường đại học và hoạt động của sinh viên đại học hay các cuộc biểu tình quần chúng.

Đó là hàng trăm nghìn người đã tham gia biểu tình ở New York, Washington D.C., San Francisco, Los Angeles, Moratorium,... Thậm chí là các cuộc biểu trên khắp đất nước trong cùng một ngày. Đây có thể là thời điểm gây chia rẽ nhất trong lịch sử nước Mỹ kể từ sau Nội chiến, bởi vì rất nhiều người phản đối cuộc chiến tranh này.

Có thể nói rằng, các lực lượng chống chiến tranh như chúng tôi cũng đã nỗ lực hết mình để góp phần mang lại hòa bình thực sự ở Việt Nam.

Xin cảm ơn ông!

Ông John McAuliff đã tham gia nhiều cuộc biểu tình lớn cấp liên bang và đã gặp gỡ đại diện của Việt Nam tại Hội nghị Hòa bình Stockholm (Thụy Điển). Ông đứng đầu Chương trình Đông Dương của Ban Giáo dục Hòa Bình tại tổ chức “Ủy ban Dịch vụ những người bạn Mỹ" theo đạo Quaker (AFSC) từ 1972 đến 1982. Trong thời gian đó, ông đã thăm Việt Nam lần đầu tiên, có mặt tại Hà Nội vào ngày 30/4/1975.

Năm 1985, ông thành lập Dự án Hòa giải Mỹ - Đông Dương (sau đó đổi tên thành Quỹ Hòa giải và phát triển - FRD) nhằm góp phần vận động cho quá trình bình thường hóa quan hệ ngoại giao, văn hóa và thương mại với khu vực Đông Dương và hỗ trợ khắc phục hậu quả chiến tranh.

FRD đã tổ chức nhiều hoạt động trao đổi đoàn giữa hai nước Việt-Mỹ, tổ chức 10 hội nghị quốc tế của các tổ chức phi chính phủ có quan hệ và hoạt động dự án tại Việt Nam, hỗ trợ hiệu quả các phái đoàn ngoại giao của Việt Nam tại Mỹ.

Ông John McAuliff và FRD có nhiều đóng góp cho việc mở rộng mạng lưới bạn bè, đối tác của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và Hội Việt-Mỹ.