📞

Người Nhật có đặt niềm tin đúng chỗ vào ông Shinzo Abe?

09:01 | 20/12/2012
“Nhiệm vụ của tôi là đưa đất nước Nhật Bản vượt qua các khủng hoảng”, đó là tuyên bố của Lãnh tụ đảng Dân chủ tự do Nhật Bản (LDP), Shinzo Abe, với báo giới ngay sau khi LDP thắng lớn trong cuộc bầu cử Hạ viện Nhật Bản ngày 16/12 vừa qua.
Ông Shinzo Abe sẽ là Thủ tướng tiếp theo của Nhật Bản.

Không nằm ngoài dự đoán, thắng lợi vang dội của LDP một lần nữa đưa ông Abe chạm tay vào chiếc ghế Thủ tướng đầy quyền lực mà ông đã sớm rời bỏ sau một năm tại vị trước đây. Như vậy ông Abe sẽ là chính khách thứ hai sau cố Thủ tướng Shigeru Yoshida giữ chức thủ tướng Nhật hai lần kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai.

Thay đổi “triệt để”

Điểm đáng chú ý là khi kết hợp với đảng Công minh mới (NKP) thì số ghế của Liên minh LDP-NPK là 325 ghế, quá hai phần ba tổng số 480 ghế tại Hạ viện. Đây là số ghế “mơ ước” đối với bất kỳ Thủ tướng Nhật tại vị nào vì nó giúp vượt qua các nút thắt pháp lý trong trường hợp các dự luật không được Thượng viện, nơi LDP không chiếm đa số, bác bỏ.

Điều này có nghĩa, ông Abe và liên minh LDP-NPK sẽ tận dụng tối đa thế thượng phong chính trị này để phá vỡ các bế tắc vốn làm cho nước Nhật dẫn chân tại chỗ trong hơn hai thập kỷ qua và đưa ra các chính sách kinh tế, ngoại giao và quốc phòng “cấp tiến”.

Về đối nội, trong cương lĩnh tranh cử và các phát biểu sau tranh cử, ông Abe đã phác họa chính sách kinh tế mới (Abenomics) với mục tiêu gia tăng chi tiêu công và nới lỏng chính sách tiền tệ, nhằm vực dậy nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới vốn phát triển trì trệ trong một thời gian dài. Để tăng tính cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu và chống giảm phát, ông Abe đã đề nghị Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) in không giới hạn đồng Yên.

Đối với vấn đề hạt nhân, ông Abe sẽ ủng hộ việc phát triển nguồn năng lượng hạt nhân bất chấp thảm họa tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima hồi tháng 3/2011.

Về đối ngoại, cũng như các Thủ tướng tiền nhiệm trước đây, ông Abe đã chọn Mỹ là nước đầu tiên đến thăm trên cương vị Thủ tướng. Động thái này cộng với việc Thượng viện Mỹ vừa thông qua điều khoản bổ xung Dự luật chi tiêu quốc phòng năm 2013, trong đó ủng hộ Nhật Bản trong tranh chấp đảo Senkaku với Trung Quốc cho thấy quan hệ an ninh Nhật-Mỹ sẽ tiếp tục được tăng cường trong thời gian tới.

Trong quan hệ với Trung Quốc, cái khó của ông Abe là vừa tìm cách duy trì quan hệ với đối tác thương mại hàng đầu là Trung Quốc, trong khi thể hiện lập trường và chính sách không khoan nhượng trong vấn đề Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. Ông Abe phủ nhận việc hai nước đang có tranh chấp lãnh thổ và thề sẽ có những biện pháp đáp trả cứng rắn hơn các thách thức từ Trung Quốc.

Đông Á liệu có bất ổn

Với chính sách đối ngoại cứng rắn như vậy, liệu sự trở lại của ông Abe sẽ tác động như thế nào tới tình hình an ninh khu vực?

Có thể nói, việc ông Abe quay lại cầm quyền sẽ có tác động nhiều mặt đến an ninh khu vực khu vực. Với chính sách đối ngoại cứng rắn, nhiều khả năng ông Abe sẽ dẫn dắt Nhật Bản theo con đường tái vũ trang bằng cách công bố dự thảo sửa đổi Hiến pháp hòa bình, chủ trương tăng chi tiêu cho quân sự, nâng cấp quy mô và hoạt động của Bộ Quốc phòng và cho phép quyền tự vệ tập thể.

Với việc Trung Quốc vừa có thay đổi lãnh đạo sau Đại hội XVIII và ban lãnh đạo không muốn thể hiện sự xuống thang trước Nhật Bản, nguy cơ rạn nứt hơn nữa quan hệ cũng như cuộc chạy đua vũ trang Trung-Nhật ngày càng trở nên hiện hữu. Kịch bản xấu nhất là Nhật Bản tiếp tục quân sự hóa, ngày càng xa dời hơn Hiến pháp hòa bình, thậm chí phát triển vũ khí hạt nhân. Nếu xảy ra, việc này sẽ đẩy cả khu vực vào vòng xoáy căng thẳng và tranh chấp lãnh thổ không lối thoát.

Nhìn từ góc độ khác, ưu tiên tăng cường và củng cố hơn nữa liên minh Mỹ- Nhật, vốn là trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Nhật, sẽ giúp Nhật Bản có một chỗ dựa vững chắc hơn cả về kinh tế và quân sự, giúp Nhật tạo được thế đối trọng với Trung Quốc trong bối cảnh nước này đang ở thế “lép vế” cả về kinh tế lẫn quân sự.

Có thể ông Abe toan tính trong bối cảnh ban lãnh đạo mới của Trung Quốc coi thập kỷ tiếp theo là “thập kỷ vàng son”, muốn tiếp tục tập trung phát triển kinh tế để tăng cường nội lực nên họ có nhu cầu cao trong việc duy trì môi trường ổn định bên ngoài để tập trung cho các yêu cầu đối nội. Do đó, sự cứng rắn này có thể buộc Trung Quốc cân nhắc kỹ hơn thậm chí “xuống thang” trong việc xử lý tranh chấp liên quan đến Senkaku.

Xét từ bất cứ góc độ nào, người Nhật đang đặt rất nhiều kỳ vọng vào ông Abe và Liên minh LDP-NPK. Tuy nhiên, việc có “phục hưng” được nước Nhật hay không không chỉ dựa vào quyết tâm một phía, mà phụ thuộc rất nhiều vào việc ông Abe kết hợp nội và ngoại lực ra sao.

Hoàng Tú Linh