📞

Nhiệm vụ bất khả thi của ông Kofi Annan

09:11 | 29/03/2012
Đến Syria để tìm kiếm hòa bình, song sau hai ngày thảo luận, đặc phái viên chung của Liên hợp quốc và Liên đoàn Ả rập tại Syria, cựu Tổng Thư ký Liên hợp quốc Kofi Annan đã phải rời Damascus với hai bàn tay trắng…

Thông điệp rõ ràng mà ông mang đến Damascus là “chấm dứt bạo lực, tạo điều kiện cho hoạt động cứu trợ nhân đạo và đối thoại chính trị”. Trong bản đề xuất 6 điểm, ông Kofi Annan kêu gọi: chấm dứt bạo lực tại Syria, thực hiện viện trợ nhân đạo, phóng thích những người bị giam giữ liên quan tới các vụ biểu tình, rút lực lượng an ninh khỏi các thành phố diễn ra nhiều cuộc biểu tình phản đối chính phủ và tiến hành đối thoại chính trị giữa chính phủ và lực lượng đối lập.

Theo các nhà ngoại giao và chuyên gia, sứ mệnh của ông Kofi Annan, gần như là bất khả thi song cần thiết, ít nhất cũng giúp mang lại cơ hội đàm phán về một thỏa thuận ngừng bắn tại Syria, trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang bế tắc trong việc tìm ra một giải pháp chấm dứt một năm bạo lực tại nước này.

Đại sứ Iran tại Liên Hợp quốc mới đây cho biết ông đã rất ấn tượng với quyết tâm mạnh mẽ của ông Annan giải quyết vấn đề Syria một cách độc lập và không tuân theo bất kỳ tiền lệ nào. Theo ông, với cách nhìn nhận vấn đề một cách tinh tế ông Annan có thể đóng một vai trò tích cực trong vấn đề Syria.

Tuy nhiên, những đề xuất của ông Kofi Annan ngay từ đầu đã bị phe đối lập bác bỏ với lập luận không có đối thoại một khi chính quyền của Tổng thống Assad còn tại vị. Thực sự, với phe đối lập, mà đứng sau là Mỹ và NATO hậu thuẫn, đề xuất giải pháp nào giúp thoát khỏi cuộc khủng hoảng Syria cũng chỉ có một cách duy nhất: một cuộc can thiệp “nhân đạo” với cách thức bị mọi người cảnh báo giống với kịch bản Lybia trước đó.

Theo giới quan sát, nếu có một cuộc lật đổ chính quyền tại Syria sẽ tạo ra “một diện mạo khu vực hoàn toàn mới”. Và sự thay đổi diện mạo mới này đồng nghĩa với việc cô lập Iran, nước về mặt chiến lược nằm giữa khu vực Trung Đông giàu tài nguyên dầu lửa và Trung Á và tạo thuận lợi cho Washington trong việc thiết lập vai trò của họ ở khu vực.

Tờ Foreign Policy đã nhận định sáng kiến và nỗ lực của ông Kofi Annan là “quá ít, quá muộn”, nhưng thực tế không hẳn như vậy. Cần nhớ lại rằng trước đó Liên minh châu Phi (AU) cũng từng đề xuất một sự trung gian hòa giải trong cuộc khủng hoảng Libya. Khi thủ đô Tripoli bị tấn công, người phát ngôn Chính quyền Libya Moussa Ibrahim đã nhiều lần nhắc lại rằng ông kêu gọi các bên chấp thuận kế hoạch hòa bình của AU, trong đó, bao gồm một lệnh ngừng bắn. Tuy nhiên, chủ nghĩa can thiệp của phương Tây không chỉ là một học thuyết. Đáng lẽ phải tham gia với tư cách một nhà trung gian hòa giải thực sự, thì viện cớ bảo vệ dân sự, các nước NAT đã lật đổ chế độ của Đại tá Gaddafi, sát hại nhà lãnh đạo này và gây ra cái chết của hàng nghìn thường dân.

Ông Annan đã trả lời phỏng vấn báo chí tại Moscow, sau cuộc hội đàm với Tổng thống Nga D.Medvedev, rằng ông không thể đề ra một thời hạn cụ thể cho giải pháp của cuộc khủng hoảng ở Syria sau một năm dài đổ máu nhưng chắc chắn nó sẽ không thể cứ tiếp diễn mãi như vậy. Ngoài ra, ông cũng đã khuyến nghị chính phủ Syria “chấp nhận thay đổi và cải tổ” theo câu cách ngôn của người châu Phi là “nếu không đổi được chiều gió thì hãy xoay hướng buồm”.

“Cuối cùng có thể Tổng thống Assad sẽ ra đi nhưng việc đó không phụ thuộc vào tôi mà là người dân Syria. Nỗ lực của chúng ta là giúp đỡ người dân Syria ngồi vào bàn để bàn bạc cách thoát khỏi tình trạng bây giờ”, ông Annan nói.

Ông cũng cho biết đã bàn bạc thêm về khả năng đưa các nhà quan sát của LHQ đến Syria với Damacus. “Là một phần trong các cuộc thảo luận chúng tôi đang tiến hành với chính quyền Syria, không loại trừ khả năng lực lượng quan sát viên của LHQ sẽ đến để đảm bảo rằng các bên đều tôn trọng và thực hiện những cam kết họ đưa ra một cách nghiêm túc”, ông Annan nói.

Sau khi nhận được sự hậu thuẫn từ Nga cho kế hoạch của mình, ông Annan lại “lên đường” đến Trung Quốc để tiếp tục tìm sự ủng hộ. Tuy nhiên, sáng kiến dù thiết thực hay viển vông, ông vẫn cần phải tìm được điểm giao hòa giữa lợi ích các bên mới mong tìm ra giải pháp được chấp thuận.

Bảo Trâm