📞

Nhiều thông điệp trong chuyến thăm Hiroshima của ông Obama

09:45 | 12/05/2016
Trong tháng này, ông Barack Obama sẽ trở thành Tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên đến thăm Hiroshima, Nhật Bản.
Tháng này, Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ có chuyến thăm đến Hiroshima, Nhật Bản. (Nguồn: AP)

Để xoa dịu các vết thương cũ và thúc đẩy những mối quan hệ mới, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã quyết định chọn Hiroshima là điểm dừng chân tại Nhật Bản. Đây cũng chính là thành phố 70 năm về trước từng hứng chịu một quả bom nguyên tử do Mỹ ném xuống.

Gác lại quá khứ

Với chuyến thăm công viên hòa bình, gần nơi quả bom rơi xuống năm 1945, Tổng thống Obama mong muốn thúc đẩy các nỗ lực toàn cầu nhằm xóa sổ vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, một vấn đề khá nhạy cảm về mặt chính trị là việc giới chức Nhà Trắng đưa ra nhiều tuyên bố ngầm nhấn mạnh ông Obama sẽ không có bất kỳ lời xin lỗi nào về những gì từng diễn ra trong quá khứ.

Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Ben Rhodes tuyên bố thẳng thừng: “Ông ấy (Tổng thống Obama) sẽ không nhắc lại quyết định sử dụng bom hạt nhân của Mỹ trong giai đoạn cuối Chiến tranh Thế giới Thứ hai”. Thay vào đó, trong một tuyên bố khác, ông Rhodes cho biết Tổng thống Obama sẽ tập trung nói về những mất mát trong cuộc chiến và kêu gọi hướng tới một thế giới phi vũ khí hạt nhân.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, người sẽ đồng hành cùng ông Obama trong chuyến thăm Hiroshima, nói rằng một lời xin lỗi là điều không cần phải trông đợi, hay cần thiết phải có.

Phát biểu trước báo giới, ông Abe nói: “Thủ tướng của quốc gia duy nhất phải hứng chịu các cuộc tấn công bằng bom nguyên tử và nhà lãnh đạo của quốc gia duy nhất trên thế giới đã sử dụng vũ khí nguyên tử trong cuộc chiến sẽ cùng nhau bày tỏ sự tôn trọng đối với các nạn nhân. Tôi tin rằng đây sẽ là một cách tưởng nhớ các nạn nhân của vụ ném bom nguyên tử và chia sẻ với những người sống sót hiện vẫn đang chịu nhiều đau đớn”.

Quả bom nguyên tử mà Mỹ ném xuống thành phố Hiroshima ngày 6/8/1945 đã khiến 140.000 người thiệt mạng. Quả bom thứ hai được thả xuống Nagasaki 3 ngày sau đó, cướp đi sinh mạng của 70.000 người. Các vụ đánh bom đã để lại nỗi đau cho nhiều thế hệ người Nhật, song nhiều người Mỹ cho rằng họ đã nhanh chóng kết thúc cuộc chiến này và cứu được vô số sinh mạng khác khi Nhật Bản tuyên bố đầu hàng ngày tel:15/8/1945.

Về chuyến thăm của ông Obama sau hơn 70 năm diễn ra thảm họa, có vẻ như người dân Nhật Bản đã sẵn sàng cho thời khắc này. Trong cuộc thăm dò dư luận mà hãng truyền hình NHK tiến hành, 70% số người được hỏi nói rằng họ muốn ông Obama đến thăm Nhật Bản, trong khi số người phản đối chỉ có 2%.

Đặc biệt, những người sống sót sau thảm họa lại mong chờ chuyến thăm này từ lâu. Theo số liệu thống kê hồi tháng 3/2016, số người sống sót sau thảm họa, được gọi là những “Hibakusha” và được nhận hỗ trợ y tế từ Chính phủ Nhật Bản là hơn 183.000 người, với độ tuổi trung bình trên 80 tuổi. Cụ Sunao Tsuboi, 91 tuổi, một người sống sót sau vụ đánh bom và là người đứng đầu nhóm những người sống sót ở thảnh phố phía Tây Nhật Bản này, nói: “Cuối cùng thì ngày này cũng đến. Chúng tôi không yêu cầu một lời xin lỗi. Tất cả những gì chúng tôi muốn là được nhìn thấy ông ấy (Tổng thống Obama) đặt hoa tại công viên hòa bình và cúi đầu mặc niệm. Đây sẽ là bước đầu tiên trong việc xóa sổ vũ khí hạt nhân”.

Hướng đến một thế giới không có vũ khí hạt nhân

Kế hoạch chuyến thăm của Tổng thống Obama đã được thông báo rộng rãi sau chuyến thăm đài tưởng niệm Hiroshima hồi tháng 4/2016 của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry. Hiroshima là chặng dừng chân cuối cùng của ông Obama trong chuyến công du Việt Nam và Nhật Bản.

Thị trưởng thành phố Hiroshima Kazumi Matsui ca ngợi kế hoạch tới thăm thành phố này của ông Obama là một “quyết định táo bạo, đầy lương tâm và hoàn toàn hợp tình hợp lý”. Ông Matsui hy vọng Tổng thống Obama sẽ lắng nghe câu chuyện của những người sống sót sau thảm họa.

Trong khi đó, Thị trưởng thành phố Nagasaki Tomihisa Taue cho biết Tổng thống Obama sẽ “phát đi một thông điệp mạnh mẽ hướng đến một thế giới không có vũ khí hạt nhân”.

Phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest cho biết việc các sử gia và người dân Mỹ tranh luận về quyết định thả bom của Tổng thống Harry Truman là “hoàn toàn hợp pháp”. Ông Earnest nói: “Tuy nhiên, đó không phải là những gì Tổng thống Obama sẽ làm khi ông đến thăm Hiroshima. Những gì Tổng thống Obama sẽ làm là nhấn mạnh sự thật là quan hệ giữa Mỹ và Nhật Bản đã trở nên tốt hơn bất cứ ai có thể tưởng tượng ra sau năm 1945”.

Trong khi đó, các tổ chức ủng hộ phi hạt nhân hóa cho rằng thông điệp “mạnh mẽ” của Tổng thống là chưa đủ. Họ cho rằng Tổng thống Obama, người đã hối thúc thế giới phi hạt nhân hóa trong một bài diễn văn tại Prague trong năm đương nhiệm đầu tiên của mình, cần phải sử dụng năm cuối trong nhiệm kỳ để thực hiện các hành động cụ thể hơn.

Chủ tịch Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí Daryl Kimball cho rằng Tổng thống Obama nên “sử dụng cơ hội này để lên kế hoạch cho các hành động cụ thể mà Mỹ và các nước khác có thể và sẽ theo đuổi nhằm hướng đến một thế giới không có vũ khí hạt nhân”.

Trong khi đó, Giám đốc tổ chức Hành động vì Hòa bình Kevin Martin nói rằng người ta sẽ cho ông Obama “là giả dối nếu như ông tiếp tục kêu gọi phi hạt nhân hóa thế giới trong khi chính quyền của ông lại tiếp tục kế hoạch chi 1.000 tỷ USD trong 30 năm để phát triển vũ khí hạt nhân”. Tháng 1/2015, Văn phòng Ngân sách thuộc Quốc hội Mỹ ước tính, chương trình vũ khí hạt nhân của chính quyền sẽ tiêu tốn khoảng 348 tỷ USD trong thập kỷ tới.

Chuyến thăm của ông Obama diễn ra trong bối cảnh những tranh cãi về vấn đề hạt nhân đã ảnh hưởng tới chiến dịch tranh cử tổng thống của các ứng cử viên, với việc ông Donald Trump, người được cho là ứng cử viên của đảng Cộng hòa đã đưa ra ý tưởng cho phép Hàn Quốc và Nhật Bản sở hữu vũ khí hạt nhân.

(theo AP)