Hậu quả của cuộc chiến tại Iraq sau 20 năm vẫn còn ám ảnh. Ảnh minh họa. (Nguồn: The Times) |
Ám ảnh chưa phai
Trước hết, đó là hệ quả nghiêm trọng tới đất nước Iraq. Theo số liệu của Lầu Năm góc, chỉ trong sáu tuần kể từ khi chiến dịch mở màn ngày 19/3/2003, ngày 1/5/2003, khi Tổng thống Mỹ George W. Bush phát biểu về chiến thắng trên tàu sân bay USS Abraham Lincoln, Mỹ và đồng minh đã thả hơn 29.000 quả bom và tên lửa các loại.
Thống kê tại thời điểm đó của Iraq Body Count, tổ chức phi chính phủ của Anh, cho thấy ít nhất 7.000 người đã thiệt mạng. Tuy nhiên, con số sau khi Mỹ chính thức rút khỏi Iraq năm 2011 cho thấy ít nhất 200.000 người đã thiệt mạng trong cuộc chiến tám năm này. Thống kê của Tạp chí y khoa Lancet (Mỹ) thì cho rằng con số này có thể lên đến gần 1 triệu người.
Về kinh tế, ước tính cho thấy cuộc chiến đã khiến đất nước Trung Đông mất tới 36% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) chỉ sau vài tuần của chiến dịch. Phần lớn các cơ sở hạ tầng thiết yếu đã bị phá hủy. Ngày nay, những hậu quả của nó sau 20 năm vẫn ám ảnh Iraq. Hơn 40% dân số vẫn đang ở dưới mức nghèo khổ. Dầu mỏ tiếp tục là động lực tăng trưởng chủ chốt của đất nước, song tình trạng tham nhũng, bất bình đẳng thu nhập khiến cuộc sống của người Iraq thêm khó khăn.
Nghiêm trọng hơn, sự xuất hiện ngày càng nhiều của các lực lượng nổi dậy, Al-Qaeda tổ chức Nhà nước Hồi giáo tại Iraq và Levant (ISIL), song hành với sự phân mảnh của chính quyền Iraq khiến tình hình an ninh trở nên nguy hiểm hơn. Gần đây nhất, tháng 12/2022, vụ đánh bom và xả súng ở Kirkuk do IS thực hiện đã khiến ít nhất chín cảnh sát thiệt mạng. Đây chỉ là một trong số hàng chục vụ tấn công khác do lực lượng nổi dậy, tổ chức khủng bố thực hiện tại đây.
Di sản nặng nề
Không sai nếu nói rằng chiến dịch quân sự tại Iraq nói riêng và cuộc chiến chống khủng bố nói chung đã tác động sâu rộng tới nước Mỹ tới ngày nay.
Số liệu cho thấy, hơn 4.600 binh sĩ nước này đã thiệt mạng. Theo nghiên cứu của Đại học Brown (Mỹ), xứ cờ hoa đã tiêu tốn gần 2.000 tỷ USD, trong khi theo ước tính của Đại học Harvard (Mỹ), tính đến năm 2008, con số đã là 3.000 tỷ USD.
Tuy nhiên, điều nguy hiểm hơn cả là sự xói mòn về lòng tin của cử tri vào các xung đột quân sự có sự tham dự của Mỹ nói riêng và Washington nói chung. Năm 2003, hai phần ba người dân nước này tán thành cuộc “chiến tranh phòng ngừa” tại Iraq. Tuy nhiên, khảo sát năm 2019 của Viện nghiên cứu Pew (Mỹ) cho thấy, 61% người dân Mỹ coi đây là quyết định sai lầm. Sự phản đối của nhiều cử tri Mỹ về chiến dịch can thiệp, hoạt động đồn trú của quân đội xứ cờ hoa ở nước ngoài là động lực chính trị quan trọng trong quyết định rút quân khỏi Iraq (2011), Syria (2019) và Afghanistan (2021) của Washington.
Trong khi đó, theo ông Peter Mansoor, giáo sư về lịch sử quân sự tại Đại học bang Ohio (Mỹ), những gì diễn ra tại Iraq còn phản ánh nhận định lạc quan quá mức so với thực tế khi đó: “Họ đã vạch ra kế hoạch cho kịch bản tốt nhất, rằng người dân Iraq sẽ hợp tác với quân đội Mỹ, các lực lượng Iraq sẽ góp phần bảo đảm an ninh cho đất nước sau xung đột và cộng đồng quốc tế sẽ tham gia tích cực vào công cuộc tái thiết Iraq. Tuy nhiên, điều đó đã không diễn ra”.
Đặc biệt, ông Mansoor cho rằng quyết định giải tán quân đội Iraq năm 2003 đã tăng cường sức mạnh cho phe nổi dậy, thậm chí góp phần dẫn đến sự hình thành của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Đồng thời, chiến thắng về mặt quân sự tại Iraq đã lu mờ trước thất bại của chính quyền Mỹ trong thúc đẩy xây dựng một Baghdad bền vững, theo đuổi các hệ giá trị mà Washington đề cao.
Khi Trung Đông “vắng” Mỹ
Đặc biệt, cuộc chiến tại Iraq đã tác động tới vị thế của Mỹ ở Trung Đông, tạo ra nhiều khoảng trống cho các nước khác mở rộng tầm ảnh hưởng tại khu vực này.
Khảo sát năm 2005 của Viện nghiên cứu Pew tại 17 nước Trung Đông - châu Phi cho thấy, phần lớn nhìn nhận tiêu cực về Mỹ, cụ thể do tình hình Iraq, cuộc chiến chống khủng bố, hành động đơn phương và lập trường trong căng thẳng Israel - Palestine. Theo khảo sát tháng 3/2022 của Viện nghiên cứu Washington (Mỹ) với bảy nước khu vực, với người dân Saudi Arabia, Bahrain, Kuwait, Lebanon hay UAE, mối quan hệ tốt với xứ cờ hoa không còn là ưu tiên hàng đầu như trước thì quan hệ với Nga, Trung Quốc hay Iran đang đóng vai trò quan trọng hơn.
Với nền tảng là quan hệ hợp tác toàn diện, sâu sắc với cả Riyadh lẫn Tehran, Bắc Kinh đã tiếp tục mở rộng tầm ảnh hưởng của mình tại khu vực Trung Đông khi làm trung gian thỏa thuận bình thường hóa giữa Saudi Arabia và Iran sau hơn hai năm nỗ lực thúc đẩy. Hợp tác giữa Nga với Iran về quân sự, hay phối hợp giữa Moscow và Riyadh trong xuất khẩu dầu mỏ, vai trò của chính quyền Tổng thống Vladimir Putin tại Syria vẫn đang hiện hữu.
Trong khi đó, chiến dịch quân sự của Washington không chỉ thất bại trong kiểm soát ảnh hưởng, thậm chí còn tạo điều kiện để Tehran mở rộng ảnh hưởng tại Baghdad. Theo New York Times (Mỹ), Iran đã tham gia tái thiết, tư vấn chính trị, thiết lập hãng truyền thông, thậm chí là tăng cường hiện diện quân sự.
Vì thế, di sản của cuộc chiến bắt đầu 20 năm trước vẫn còn phức tạp và sẽ tiếp tục đeo đuổi người dân Iraq, Mỹ, Trung Đông và thế giới trong thời gian tới.