Vai trò của Mỹ bị giảm sút
Giữa trưa ngày 20/1/2009, ông Barack Obama chính thức đặt tay lên cuốn kinh thánh tuyên thệ nhậm chức tổng thống thứ 44 của nước Mỹ, với lời tuyên bố “bắt đầu làm lại nước Mỹ”. Ông tiếp quản việc điều hành đất nước Mỹ với những thách thức gay gắt khi đó, mà theo ông đòi hỏi phải có “một kỷ nguyên mới về trách nhiệm” để có thể vượt qua.
Ông Barack Obama nhậm chức Tổng thống Mỹ hồi năm 2009. (Nguồn: AP) |
Xét trên phương diện chính sách đối ngoại, ông Obama đã cho thấy mình là một chính khách quyết đoán khi cho rút 190.000 lính Mỹ (trên tổng số 200.000 quân vào thời điểm đỉnh cao xung đột) khỏi Iraq và Afghanistan; giữ vững mối quan hệ an ninh đồng minh để không có cuộc khủng bố mới quy mô lớn nào xảy ra trên lãnh thổ nước Mỹ; đạt được thỏa thuận hạt nhân với Iran; thúc đẩy ký kết Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); phát triển các mối quan hệ với Cuba và rộng hơn là việc làm ấm lại các quan hệ với Mỹ Latin…
Tuy nhiên, người ta đặc biệt nhớ tới thất bại của Mỹ trong việc khởi động lại quan hệ với Nga, không đạt được bước tiến nào trong việc giải quyết mối đe dọa Triều Tiên, rút quân vội vã khỏi Iraq, không thể rút lui khỏi Afghanistan, không chia sẻ trách nhiệm cho các đồng minh châu Âu và Trung Đông để họ hành động mà không có sự tham gia của Mỹ. Thất bại của thời kỳ “hậu can thiệp” ở Libya, khi Pháp và Anh chỉ nói nhiều nhưng ít hành động và đầu tư, do đó đã tạo ra một thánh địa mới cho khủng bố.
Nói một cách khái quát hơn, vai trò của Mỹ trên thế giới đã thực sự bị giảm sút. Điều này được giải thích một phần bởi sự đuổi kịp về kinh tế và quân sự của các nước mới nổi, đặc biệt là Trung Quốc; và bởi sự suy giảm ảnh hưởng, uy tín và ý chí của Mỹ tại các khu vực mà Washington thiếu cẩn trọng về mặt quân sự như Iraq, Afghanistan và Libya.
Sự suy giảm này là một rủi ro hơn là một sự lựa chọn có ý thức của Mỹ. Tuy nhiên, mối liên quan trực tiếp giữa sự giảm sút vai trò của Mỹ và sự suy yếu sức mạnh Mỹ còn cần phải được chứng minh. Obama hiểu rõ điều này, và ông đã cố gắng điều chỉnh các mục tiêu của cường quốc Mỹ cho thích ứng với các nguồn lực hạn chế hơn so với trước đây.
Những lựa chọn ít sai lầm
Ngay từ khi nhậm chức, Obama đã đối mặt với cuộc Đại suy thoái và hai cuộc chiến tranh “thừa hưởng” của George W. Bush. Do vậy, ông đã không được “miễn nhiễm” với những biến động của thế giới. Giữa cuộc khủng hoảng di cư chưa từng có kể từ năm 1945, một Triều Tiên bí ẩn, những tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông, sự lây lan của phong trào Hồi giáo cực đoan Salafi trên toàn Trung Đông và vùng Sahel, các cuộc cách mạng Arab, một phần Ukraina bị Nga sáp nhập, và sự bất lực của châu Âu… Barack Obama thường đưa ra sự lựa chọn ít sai lầm.
Bất chấp sự hạn hẹp ngân sách, bất ổn kinh tế và sự cần thiết phải điều chỉnh lại các cam kết và các khả năng của Mỹ, các đồng minh châu Âu, Trung Đông và châu Á luôn đòi hỏi ở Mỹ nhiều hơn.
Tại Phòng Tình huống của Nhà Trắng, ngày 2/5/2011, ông Obama cùng Phó Tổng thống Joe Biden và các thành viên nội các đang theo dõi những tin tức cập nhật cuối cùng về chiến dịch tiêu diệt trùm khủng bố Bin Laden. (Nguồn: AP) |
Trong môi trường rất phức tạp này, chính sách đối ngoại của Barack Obama không thể không phức tạp, nhất là khi Barack Obama là một người ưa thích sự phân tích hợp lý, tính dài hạn và chủ nghĩa thực dụng. Obama cũng là tổng thống của các lệnh trừng phạt và các cuộc đàm phán; người chỉ đạo các cuộc nghe lén của Cơ quan an ninh Mỹ (NSA), người quyết định cuộc không kích của các lực lượng đặc nhiệm chống Bin Laden…
Tóm lại, chính sách đối ngoại của Obama đã bao gồm hoạt động chống khủng bố linh hoạt và có mục tiêu (giám sát điện tử, sử dụng máy bay do thám không người lái, thực hiện các cuộc không kích, sử dụng các lực lượng đặc nhiệm), huấn luyện và trang bị vũ khí cho các tác nhân địa phương đáng tin cậy, xây dựng các quan hệ đối tác về an ninh và quốc phòng, đưa ra các cam kết ngoại giao, áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế, ký kết các hiệp định thương mại tự do, thực hiện các chương trình viện trợ phát triển, đấu tranh chống hoạt động chiêu mộ và hệ tư tưởng của các phần tử cực đoan ở trong nước…
Tư duy chiến lược nhất quán
Giống như bất kỳ chính sách đa chiều nào khác, chính sách đối ngoại của Barack Obama rất khó có thể được tóm gọn trong một khẩu hiệu. Tuy nhiên, chính sách đó bắt nguồn từ một tư duy chiến lược nhất quán:
Một là, khủng bố không phải là thách thức chiến lược duy nhất của Mỹ, do đó, cần thực hiện “phi khủng bố hóa” chính sách đối ngoại.
Hai là, chính sách đối ngoại không chỉ giới hạn ở khía cạnh quân sự, do đó, cần chấm dứt việc quân sự hóa quá mức chính sách đối ngoại.
Ba là, nếu như Mỹ không phải luôn là chủ thể tốt nhất để can thiệp về mặt quân sự, thì họ thường là chủ thể tốt nhất để thức đẩy một giải pháp ngoại giao.
Chính sách đối ngoại của Tổng thống Obama bắt nguồn từ một tư duy nhất quán. (Nguồn: Armenpress) |
Sau 8 năm Barack Obama nắm giữ cương vị tổng thống, nước Mỹ không phải là thiên đường mà những người hâm mộ cuồng nhiệt ông đã hy vọng hồi năm 2008. Ngân sách quốc phòng của Mỹ bằng ngân sách tổng cộng của 7 nước đứng ngay sau Mỹ trong bảng xếp hạng thế giới, trong khi đó Mỹ và các đồng minh Mỹ chiếm 75% chi tiêu quân sự toàn cầu.
Khả năng can thiệp ngoài nước và hoạt động tình báo của Mỹ vẫn không nước nào sánh kịp. Nền kinh tế Mỹ nắm giữ đồng tiền dự trữ thế giới và tỷ lệ tăng trưởng cao nhất so với tất cả các nước phát triển; tỷ lệ thất nghiệp giảm từ 10% trong năm 2009 xuống còn 5% hiện nay; thâm hụt ngân sách công cũng giảm từ 10% trong năm 2009 xuống còn 2,5% trong năm 2015; năm 2014 và 2015 là những năm tạo được nhiều việc làm nhất kể từ đầu thế kỷ này.
Dân số Mỹ năng động, nợ công của Mỹ ở mức vừa phải so với quy mô nền kinh tế nước này, và các doanh nghiệp Mỹ có tính sáng tạo và đột phá.
Việc tái thiết lại mối quan hệ với Iran, Cuba, phần còn lại của khu vực Mỹ Latin, Việt Nam, Lào, Indonesia, hay cả Ấn Độ, đã góp phần tăng cường ảnh hưởng của Mỹ trên thế giới. Việc không dính líu vào nhũng cuộc xung đột bè phái ở các nước xa xôi và không đe dọa những lợi ích sống còn của họ đã giúp Mỹ tránh được những sa lầy quân sự mới và những sự “xao nhãng” chiến lược mới.
Tất cả yếu tố về chính sách đối ngoại trên cho thấy cường quốc Mỹ trong năm 2016 ở trong trạng thái tốt hơn nhiều so với năm 2008.