📞
Kỷ niệm 50 năm Ngày ký kết Hiệp định Paris (27/01/1973-27/01/2023):

Nhớ ‘Một người Việt trầm lặng’ * tại Sài Gòn năm 1973

Jean-Claude Pomonti 19:30 | 30/01/2023
Ngày 27/01/1973, hàng chục phóng viên nước ngoài có mặt tại miền Nam Việt Nam đổ ra đường quan sát tình hình. Giao tranh vẫn diễn ra ở khắp mọi nơi như dự đoán. Điều đó chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Washington đã buộc Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu phải ký một hiệp định hòa bình mà ông ta không muốn. Vì thế, không có ngừng bắn như thông báo trước đó.
Đi vào vùng giải phóng tháng 02/1973. Ông Pomonti là người thứ tám trong hàng sau nhà báo Tiziano (áo sơ mi trắng).

Cách Sài Gòn nửa giờ đường bộ về phía Nam, tôi cùng một nhóm phóng viên truyền hình Pháp chứng kiến những cuộc đấu súng. Súng liên thanh và súng cối. Lính của chính phủ Sài Gòn tấn công. Việt Cộng đáp trả. Đó gọi là ngừng bắn sao?

Tuy vậy, hai mục tiêu chính của hiệp định bắt đầu được thực hiện. Quân đội Mỹ, kể cả không quân, rút ra khỏi các trận chiến. Những người lính Mỹ có 60 ngày để hồi hương, nhưng để lại phía sau họ vài nghìn cố vấn và công chức. Mục tiêu thứ hai là trao đổi tù binh bắt đầu được tổ chức và diễn ra không một sự cố trong cùng một khoảng thời gian.

Nhận thấy việc ngừng bắn không được thực hiện, báo chí quốc tế tại miền Nam lại có một ưu tiên khác, đó là đi vào vùng giải phóng để làm phóng sự. Việc đi vào những khu vực này không phải dễ dàng. Các nhà báo tập hợp thành những nhóm nhỏ. Tôi tham gia nhóm cùng nhiếp ảnh gia Abbas, nhà báo người Italy Tiziano Terzani, đang làm phóng viên của tạp chí Đức Der Spiegel và ông Bửu Chương, phiên dịch của nhóm. Chúng tôi thuê một chiếc xe La Dalat, phiên bản nhiệt đới của dòng xe Citroen Mehari 3 sức ngựa. Lên đường đi qua những đồn điền cao su ở phía Nam Tây Nguyên, chúng tôi lang thang ở đó ba ngày. Một thất bại. Những thông tin có được trước lúc lên đường chưa đầy đủ. Thực ra, do không có các mối quan hệ trực tiếp nên chúng tôi không được giúp. Làm sao đây?

Một ngày nọ, vào buổi chiều, trong khi một vài đồng nghiệp khác đã thực hiện thành công những chuyến đi vào vùng giải phóng, có tiếng gõ cửa phòng tôi trên lầu ba của khách sạn Continental tại Sài Gòn. Tôi rất ngạc nhiên khi mở cửa phòng. Đó là Phạm Xuân Ẩn, một đồng nghiệp người Việt Nam là thành viên của nhóm Time Magazine, một tạp chí của Mỹ có văn phòng tại lầu hai khách sạn.

Nhà báo J-C Pomonti.

Nhà báo J-C Pomonti sinh năm 1940, nguyên phó Ban Quốc tế báo Thế giới (Le Monde), Pháp. Làm báo tại miền Nam Việt Nam trong giai đoạn 1968-1973, ông từng bị chính quyền Nguyễn Văn Thiệu trục xuất. Loạt phóng sự về Việt Nam của ông được trao giải Abert Londres vào năm 1973, giải thưởng danh giá nhất được trao cho những nhà báo viết bằng tiếng Pháp. Hiện ông sống tại Bangkok và đã xuất bản một số đầu sách về Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.

Tôi biết rõ ông Ẩn. Một người có khiếu hài hước và nổi tiếng là một nguồn thạo tin. Tôi thường nhờ cậy vào sự giúp đỡ từ vốn hiểu biết rộng và nhất là những phân tích tình hình sâu sắc của ông. Tôi hay gặp ông ở cà phê Givral, quán cà phê nổi tiếng nằm phía bên kia đường của khách sạn Continental hoặc vào giờ uống khai vị tại phòng của Bob Shaplen, đặc phái viên của tờ New Yorker. Nhưng ông Ẩn chưa bao giờ đến thăm tôi tại phòng.

Chúng tôi gọi đồ uống và trò chuyện một lát. Khi chia tay, lúc đi đến cửa phòng, ông quay đầu lại và hỏi có phải tôi đang tìm cách đi sang phía “bên kia” nhưng chưa được. Ông cho biết, hình như các nhà báo có thể thăm vùng giải phóng nếu đi đường từ Sài Gòn đến đồng bằng sông Mekong về phía Mỹ Tho, đoạn trước phà Mỹ Thuận. Hồi đó chưa có cầu bắc qua sông.

Tôi liền tập hợp nhóm của mình và hôm sau, chúng tôi lên đường từ sáng sớm theo những chỉ dẫn của ông Ẩn. Chúng tôi đến một nơi được gọi là Mỹ Quý. Đến ngang đầu xóm trên Quốc lộ 4, chúng tôi dừng lại trước căn lều của một người thợ cơ khí để xin gửi chiếc La Dalat. Anh ta vui vẻ nhận lời ngay mà không hỏi gì thêm. Mọi việc trôi chảy, không có trở ngại gì. Chúng tôi vượt qua một cánh đồng, rồi lại qua một xóm nhỏ, lẳng lặng rảo bước, cũng không thèm chào hỏi mấy anh dân vệ vũ trang của chính quyền Sài Gòn được coi như có nhiệm vụ canh gác... Đến một xóm nữa ẩn mình trong lùm cây bao quanh những thửa ruộng ngập nước, chúng tôi đọc dòng chữ trên tấm vải đỏ căng trên cao, ngang lối đi vào xóm: “Hoan nghênh các nhà báo quốc tế”. Khắp nơi xung quanh đều treo những lá cờ nửa đỏ, nửa xanh đính ngôi sao vàng ở giữa, là cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Đứng ở đây, người ta vẫn nghe thấy tiếng động cơ trên Quốc lộ 4 vọng về.

Trong 48 tiếng đồng hồ ở đó, chúng tôi có nhiều cuộc trò chuyện với các cán bộ Mặt trận và dự một buổi biểu diễn văn nghệ của đoàn văn công Mặt trận. Chúng tôi biết ơn ông Phạm Xuân Ẩn đã giúp thực hiện phóng sự mà không biết rằng ông là đảng viên Cộng sản từ năm 1952 và những báo cáo của ông gửi ra Hà Nội được đánh giá cao, đặc biệt là bởi Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Với Bob Shaplen, chúng tôi chỉ nghĩ rằng ông Ẩn có quan hệ với “bên kia”. Tôi hoàn toàn không biết lúc đó ông là Đại tá của cơ quan tình báo miền Bắc. Sau năm 1975, ông được thăng lên cấp tướng và được tặng danh hiệu “Anh hùng các lực lượng vũ trang”.

Chiến tranh còn tiếp tục kéo dài thêm hai năm tiếp theo, cho đến khi Sài Gòn đầu hàng vào tháng 4/1975.

Ngoại trưởng Mỹ H. Kissinger đã có thể khép lại trang Việt Nam trong sự nghiệp của mình. Theo ông ta, đó là điều cơ bản. Dù không thể tránh được nỗi nhục 1975, ông ta có thể thoát ra để tập trung xử lý một trang mới, được mở ra từ năm 1971, của mối quan hệ Mỹ - Trung Quốc, giờ đây đã trở thành ưu tiên. Một trang báo hiệu nhiều chông gai.


* Là tên cuốn sách của J-C Pomonti viết về Thiếu tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn. Sách đã được dịch và xuất bản tại Việt Nam.