📞

Những chủ đề được quan tâm tại Thượng đỉnh G-7 Nhật Bản

09:45 | 26/05/2016
Tờ Nikkei Asian Review ngày 24/5 đăng tải bài viết về những vấn đề được kỳ vọng sẽ xuất hiện trong chương trình nghị sự của Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các quốc gia phát triển (G-7).

Các lãnh đạo G-7 sẽ tập hợp tại thành phố Ise-Shima (Nhật Bản) từ ngày 26-27/5 để thảo luận về một loạt các vấn đề khác nhau, từ tình hình kinh tế thế giới đến hiện tượng biến đổi khí hậu. Dưới đây là một số vấn đề được dư luận kỳ vọng sẽ nằm trong chương trình nghị sự của hội nghị lần này.

Nền kinh tế thế giới

Vấn đề kinh tế thế giới sẽ là tâm điểm của hội nghị, do những bất ổn kéo dài đang khiến viễn cảnh kinh tế toàn cầu ngày càng mờ mịt. Thị trường tài chính được kỳ vọng sẽ hồi phục phần nào khi nhiều quốc gia tăng cường cam kết cùng giải quyết vấn đề tăng trưởng toàn cầu chậm chạp. Nhưng chắc hẳn việc giải quyết vấn đề này vẫn là một yêu cầu khá cao đối với các quốc gia hiện nay.

Cuộc họp ngày 20/5 giữa các Bộ trưởng tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương G-7. (Ảnh: AFP)

Cuộc họp ngày 20/5 giữa các Bộ trưởng tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương G-7 đã cho thấy sự đồng thuận giữa các thành viên G-7 rằng sự thiếu hụt nhu cầu kinh doanh, sử dụng hàng hóa toàn cầu là vấn đề chính cần phải giải quyết. Nhưng trong khi Nhật Bản muốn sử dụng biện pháp kích thích tài chính thì các thành viên khác lại bày tỏ quan điểm khác biệt, đơn cử như việc Đức kêu gọi sử dụng biện pháp cải cách kinh tế trước tiên. Kết quả của cuộc họp là các quốc gia thành viên sẽ tự quyết định việc sử dụng các biện pháp tài chính thích hợp.

Kết luận này sẽ là cơ sở cho các cuộc thảo luận sâu hơn của các nhà lãnh đạo ở Ise-Shima. Có thể, hội nghị Thượng đỉnh lần này sẽ đưa ra một biện pháp cân bằng giữa kích thích tài chính, tiền tệ và cải cách cơ cấu nền kinh tế - một công thức không khác nhiều so với biện pháp được đưa ra từ các cuộc họp trước đó của G-7.

Bên cạnh đó, sau sự kiện rò rỉ tài liệu trốn thuế "Hồ sơ Panama", các quốc gia G-7 dự kiến sẽ đạt được một thỏa thuận về hợp tác chống trốn thuế. Dự kiến, vấn đề Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng sẽ được thảo luận thêm tại đây.

Vấn đề quốc tế

Tuyên bố chung tại hội nghị Thượng đỉnh G7 2016 có thể đề cập đến vấn đề Biển Đông. (Nguồn: Reuters)

Cùng với vấn đề kinh tế thế giới, các lãnh đạo G-7 sẽ dành thời lượng đáng kể để bàn về các vấn đề quốc tế, đặc biệt liên quan đến các tranh chấp lãnh thổ và chủ nghĩa khủng bố.

Tranh chấp lãnh thổ, đặc biệt liên quan đến an ninh hàng hải, sẽ được liệt vào vị trí hàng đầu trong chương trình nghị sự. Bên cạnh Bản Tuyên bố chung về An ninh Hàng hải của các Ngoại trưởng G-7 được thông qua tại Hiroshima hồi tháng 4 vừa qua, các Ngoại trưởng đã đưa ra một loạt các tuyên bố riêng biệt về vấn đề này, dù vẫn không nêu tên cụ thể một quốc gia nào đang mở rộng các hoạt động quân sự hóa của mình ở Biển Đông. Lần này, các nhà lãnh đạo G-7 sẽ tiếp tục phát triển các ý kiến đó và kêu gọi giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế trên biển phù hợp với luật pháp quốc tế.

Bên cạnh đó, trong vấn đề chống khủng bố, các Ngoại trưởng G-7 đã nhất trí về "một bản kế hoạch hành động chung của các nước G-7 về chống chủ nghĩa khủng bố", bao gồm các biện pháp cụ thể để tăng cường nỗ lực chống khủng bố không chỉ của các quốc gia G-7 mà còn hỗ trợ cho phần còn lại của thế giới. Bên cạnh kế hoạch hành động chung, các thỏa thuận về an ninh quốc tế như hạn chế tài trợ khủng bố cũng được mong đợi sẽ thông qua tại kỳ hội nghị này.

Ngoài ra, các vấn đề như chương trình hạt nhân của Triều Tiên, tình trạng bất ổn ở Trung Đông và xung đột ở Ukraine dự kiến cũng cũng sẽ được đề cập ở hội nghị Ise-Shima này.

 

Các quốc gia khách mời

Hội nghị Thượng đỉnh Ise-Shima là hội nghị G-7 đầu tiên trong vòng tám năm qua được tổ chức ở châu Á, và khách mời sẽ là các lãnh đạo từ Indonesia, Sri Lanka, Bangladesh, Papua New Guinea, Việt Nam, Lào và Chad. Người đứng đầu các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng sẽ được tham gia phiên họp chung.

Sẽ có hai vấn đề được giải quyết ở các phiên họp chung đó là: sự tăng trưởng-ổn định ở châu Á và phát triển châu Phi - chuẩn bị cho Hội nghị Quốc tế Tokyo về Phát triển châu Phi  (TICAD) dự kiến được tổ chức tại Kenya vào tháng Tám tới.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham gia Hội nghị Thượng đỉnh G-7 mở rộng tại Nhật Bản sắp tới.

Các vấn đề khác như phát triển cơ sở hạ tầng, trao quyền cho phụ nữ sẽ được trao đổi tại phiên họp về vấn đề châu Á. Bên cạnh đó, các quốc gia dự kiến sẽ có các cuộc đàm phán thêm về an ninh hàng hải trong quan hệ với Trung Quốc. Các phiên họp về vấn đề châu Phi sẽ bao gồm các vấn đề tương tự như an ninh hàng hải, nhưng sẽ tập trung hơn vào các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) của Liên hợp quốc.

(Theo Nikkei Asian Review)