📞

Những điều học được từ đồng chí Nguyễn Cơ Thạch

Vũ Khoan 14:00 | 17/03/2021
TGVN. Đồng chí Nguyễn Cơ Thạch từng chủ trương xây dựng một công trình hoàn chỉnh về phương pháp ngoại giao nói chung và phương pháp nghiên cứu ngoại giao nói riêng nhưng chưa thành...
Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch năm 1984. (Ảnh tư liệu)

Lần đầu tiên tôi được gặp ông Nguyễn Cơ Thạch vào mùa Hè năm 1961, khi ông dừng chân ở Moscow trên đường đi dự Hội nghị Geneva về Lào. Bẵng đi một thời gian dài tôi không được tiếp xúc với ông đơn giản vì ông ở tầm cao vời vợi, còn tôi chỉ là một nhân viên quèn; hơn nữa ông phụ trách khu vực Âu - Mỹ, còn tôi chuyên làm việc theo hướng Liên Xô - Đông Âu dưới trướng các Thứ trưởng khác.

Chỉ từ đầu những năm 70 và nửa sau thập niên 80 thế kỷ trước, tôi mới có cơ may được làm việc dưới sự chỉ đạo trực tiếp của ông khi tham gia Adhoc nghiên cứu chiến lược. Adhoc tổ chức các vụ tổng hợp nội bộ rồi tổng hợp kinh tế cũng như khi tập sự cấp Bộ.

Qua những năm tháng ấy, tôi học được ở ông vô vàn điều quý giá; nếu kể lại tỉ mỉ thì phải viết cả một pho sách giáo khoa. Trong bài viết ngắn ngủi này, tôi chỉ có thể chia sẻ một số cảm nhận riêng tư qua những ý tưởng, quyết sách và hành động của ông.

Bài học thứ nhất: chọn việc mà làm. Có lần ông tâm sự với anh em chúng tôi rằng, công việc lúc nào cũng nhiều, vì vậy cần chọn những việc then chốt mà làm và dám buông bỏ những công việc sự vụ để người khác gánh.

Chẳng thế mà đầu những năm 1970, ông dốc toàn tâm, toàn lực vào công tác nghiên cứu chiến lược nhằm giải quyết nhiệm vụ “4 trong 1”: vừa phục vụ cho cuộc hòa đàm Paris mà ông đóng vai trò hết sức quan trọng, vừa chuẩn bị cho thời “hậu Paris”, vừa tạo nền tảng cho cách tiếp cận độc lập tự chủ về cục diện thế giới, đồng thời xây dựng giáo trình đào tạo cán bộ.

Thế rồi giữa những năm 1980, khi nước ta bị bao vây cô lập bịt bùng và trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội nghiêm trọng, ông lại tập trung tổng lực vào hai việc: góp phần chống lạm phát (1), chuyển sang cơ chế thị trường và mở cửa, đồng thời tìm giải pháp chính trị cho vấn đề Campuchia, tạo bước ngoặt trong quan hệ quốc tế.

Tại một cuộc giao ban, có người đề nghị ông dành thời gian đi thăm nước ngoài, ông đã vặn lại: lúc này đi thì được gì? chẳng lẽ quỳ gối van xin à? Hãy tập trung giải quyết vấn đề Campuchia và lạm phát phi mã đi đã rồi mới có “thế” để đi!

Bài học thứ hai: nghiên cứu là gốc. Ông luôn dành mối quan tâm hàng đầu cho công tác nghiên cứu, dù đó là nghiên cứu ngoại giao, nghiên cứu kinh tế hay xây dựng ngành.

Như trên đã nói, ông đã chọn những đề tài rất thiết thực góp phần giải quyết những vấn đề nóng hổi nhất của đất nước và ngành ngoại giao. Ông không “chỉ tay năm ngón” mà đích thân nghiên cứu như một chuyên viên.

Ông mắc một bệnh trầm kha là mê đọc và tìm tòi tư liệu, là lãnh đạo nhưng ông tự mình ghi fiche (phiếu) và cũng “giữ tủ” chừng nào anh em chưa có gì đánh đổi! Người hay mặc cả với ông nhất là “vua tư liệu” Lưu Đoàn Huynh!

Ông cho phép anh em “tự do tư tưởng” miễn là nói có sách, mách có chứng; khi một số người phê phán anh em chúng tôi đã dám đụng đến những điều cấm kỵ thì ông đã đứng ra bảo vệ mạnh mẽ.

Những tính cách trên của ông đã truyền cảm hứng cho anh em chúng tôi lao vào công việc về bề ngoài có vẻ chán ngán, ít có điều kiện “thể hiện bản thân”.

Ông luôn luôn lắng nghe ý kiến nhiều chiều. Chẳng thế mà ông đã trực tiếp tham khảo ý kiến các nhà kinh tế và khoa học như Thống đốc Ngân hàng Lữ Minh Châu, Giáo sư Trường Nguyễn Ái Quốc Đào Xuân Sâm nổi tiếng vì cổ súy cho kinh tế thị trường, các Tiến sỹ khoa học Nguyễn Văn Hiệu, Vũ Đình Cự… và cả các ông Nguyễn Xuân Oánh - nguyên Thống đốc Ngân hàng của chính quyền Sài gòn, Trần Văn Thình - Đại sứ EU bên cạnh GATT, Vũ Quang Việt - một chuyên gia thống kê của Ban thư ký Liên hợp quốc…

Ngoài ra, ông còn tranh thủ ý kiến của nhiều chính khách, nhà khoa học hay nhà báo nước ngoài.

Trong nghiên cứu, ông luôn vận dụng rất sáng tạo các quy luật và phạm trù triết học duy vật biện chứng. Ví dụ khi nghiên cứu chiến lược, ông yêu cầu chúng tôi phải xem xét các vấn đề theo chiều dài của lịch sử, nhiều khi hàng trăm năm và theo chiều rộng của không gian toàn cầu, nhất là lợi ích và cách hành xử của các nước lớn.

Khi nghiên cứu kinh tế, ông yêu cầu tìm hiểu cho kỹ những xu hướng, những quy luật chung của nhân loại để vận dụng vào điều kiện cụ thể của nước nhà chứ không nên hành xử theo kiểu “đường ta, ta cứ đi”…

Rất tiếc, ông đã từng chủ trương xây dựng một công trình hoàn chỉnh về phương pháp ngoại giao nói chung và phương pháp nghiên cứu ngoại giao nói riêng nhưng chưa thành.

Ông Nguyễn Cơ Thạch tiếp ông I.A.Rogatchev - Thứ trưởng Ngoại giao Liên Xô ngày 27/11/1988. (Ảnh tư liệu)

Bài học thứ ba: đột phá về chủ trương và kiên định niềm tin. Thời kỳ ông gánh trách nhiệm Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao rơi vào lúc đất nước đứng trước ba thách thức lớn: khủng hoảng trầm trọng về kinh tế - xã hội; bị bao vây về kinh tế, cô lập về chính trị và các nước đồng minh chủ yếu, kể cả Liên Xô, trượt dần vào khủng hoảng sâu sắc và sụp đổ.

Tình hình ngàn cân treo sợi tóc ấy đòi hỏi phải có những quyết sách mang tính đột phá mạnh mẽ. Nghị quyết của Đại hội VI là kết tinh của cả quá trình toàn Đảng, toàn dân trăn trở tìm tòi lối thoát bắt đầu từ cuối những năm 1970. Trên cương vị của mình, ông Thạch đã có nhiều đóng góp đầy tinh thần đổi mới, sáng tạo vào quá trình này.

Về đánh giá cục diện thế giới, ông nhấn mạnh xu thế phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ cũng như xu thế quốc tế hóa đưa tới sự hình thành một thị trường thế giới, trong đó các nền kinh tế vừa hợp tác vừa cạnh tranh nhau, các nước có chế độ chính trị - xã hội khác nhau vừa hợp tác vừa đấu tranh trong cùng tồn tại hòa bình, làm gia tăng khả năng đẩy lùi nguy cơ chiến tranh thế giới …

Từ những nhận thức rất mới mẻ vào thời điểm những năm 1980, ông đã đề xuất những kiến nghị mang tính bước ngoặt như nhấn mạnh lợi ích dân tộc cao nhất là giữ vững hòa bình để tập trung sức lực phát triển kinh tế, muốn vậy cần quán triệt tư tưởng của Bác Hồ về “thêm bạn, bớt thù”, từng bước rút quân tình nguyện ra khỏi Campuchia, thúc đẩy giải pháp chính trị, bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, trong đó có việc sửa đổi phần liên quan tới nước này trong Lời nói đầu Hiến pháp 1980, đẩy mạnh quan hệ với các nước Đông Nam Á, tiến tới gia nhập ASEAN, cải thiện quan hệ với Mỹ và Tây Âu….

Có thể nói, đó là những chủ trương táo bạo mang tính đột phá, tạo nên bước ngoặt chiến lược, tạo nền móng cho quá trình đổi mới chính sách đối ngoại trong thời kỳ đổi mới.

Về những vấn đề trong nước, ông ủng hộ mạnh mẽ việc chuyển sang cơ chế thị trường, thực hiện cơ chế một giá, chấm dứt việc phát hành tiền quá mức, thay vào đó cần nâng lãi suất ngân hàng lên cao hơn tỷ lệ lạm phát, áp dụng nền kinh tế nhiều thành phần, mở cửa với bên ngoài, tranh thủ vốn đầu tư; về phương châm “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra”, ông luôn nhấn mạnh cả yêu cầu “dân hưởng”…

Chẳng thế mà ông đã cho dịch và phổ biến cuốn “Kinh tế học” nổi tiếng của nhà kinh tế Paul Samuelson và trực tiếp chỉ đạo việc soạn thảo Luật đầu tư nước ngoài đầu tiên của nước ta được thông qua năm 1987.

Cần nói rằng, những ý tưởng trên nảy sinh và phát triển thông qua sự trăn trở và tranh luận nảy lửa, trong đó ông luôn kiên định quan điểm và niềm tin của mình cho dù chịu không ít sức ép.

Ngay trong công tác xây dựng ngành, ông cũng đưa ra những chủ trương mang tính đột phá như tập sự cấp Vụ rồi cả cấp Bộ, hình thành các đơn vị tổng hợp, đánh giá theo sản phẩm, thực hiện cơ chế ba mặt (Đảng, chính quyền và đoàn thể) và các chính sách đòn bẩy…

Bài học thứ tư: vừa kiên định, vừa linh hoạt trong đàm phán. Từng trực tiếp tham gia và đóng vai trò “tham mưu trưởng” của đoàn đàm phán nước ta tại các cuộc hòa đàm Geneva về Lào và Paris về Việt Nam, trực tiếp chỉ đạo và tiến hành đàm phán về vấn đề Campuchia cùng nhiều cuộc đàm phán song phương và đa phương khác, chắc rằng ông đã tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm, bài học quý giá về hoạt động cốt lõi này trong lĩnh vực ngoại giao.

Theo lời kể của nhiều người và được trực tiếp chứng kiến một số sự kiện, một nét độc đáo của ông là vừa kiên định và sắc sảo bảo vệ lợi ích của đất nước, vừa làm cho cả đối tác lẫn đối thủ kính nể. Tiếc rằng, ông đã không để lại bút tích gì về những kinh nghiệm ấy mà đã mang theo về thế giới bên kia!

Bài học thứ năm: dùng người thông qua thử thách. Cá nhân tôi từng là “nạn nhân” của phép dùng người có phần lạ kỳ của ông. Năm 1982, từ Đại sứ quán ta ở Liên Xô về nước, tôi bỗng được giao làm công tác tổ chức rồi công tác xây dựng ngành - một việc tôi chưa hề có kiến thức và kinh nghiệm; khi khuyết vị trí Vụ trưởng Vụ Liên Xô, tôi đã nuôi hy vọng được về “quê cũ” nhưng ông đã bất ngờ điều tôi “đi làm kinh tế” - một lĩnh vực tôi mù tịt; khi tập sự cấp Bộ, tôi lại được ông yêu cầu “làm phễu”, nghĩa là xử lý các công việc sự vụ trong Bộ - một việc rất cơ cực và dễ rơi vào tình thế “sảy một ly đi một dặm”.

Xem ra ông đã dùng người theo phương châm ông từng chia sẻ: “chưa biết bơi cứ đẩy xuống nước khắc phải ngoi lên!”. Suốt đời tôi nhớ ơn ông đã đẩy mình xuống đủ loại ao, hồ, sông suối nông sâu khác nhau nhưng rất may không bị đuối nước khi được giao những việc mới mẻ trong suốt các đoạn đời về sau này.

Khi phân công lãnh đạo Bộ, ông kiên quyết phá bỏ cơ chế “vương quốc”, nghĩa là mỗi Thứ trưởng phụ trách một số đơn vị, gây khó khăn cho việc điều động cán bộ, hạn chế tầm nhìn của đội ngũ và gây tư tưởng ỷ lại đùn đẩy lên cấp trên.

Thay vào đó, ông phân công mỗi Thứ trưởng phụ trách một hướng lớn như tư lệnh chiến dịch, còn các Vụ trưởng phải tự chịu trách nhiệm đến cùng về những nhiệm vụ được giao…

Mới chỉ sơ lược lẩy ra đôi ba bài học lĩnh hội được từ người Thủ trưởng đáng kính nhưng bài viết đã khá dài. Muộn còn hơn không, có lẽ nên thu thập tài liệu và nghiên cứu căn cơ để biên soạn cho được một cuốn sách đầy đặn hơn về sự nghiệp phong phú, sôi động của một con người đã có nhiều công lớn đối với đất nước, không chỉ để tôn vinh mà còn để các thế hệ ngày nay và mai sau noi theo, làm cho nước nhà sớm tiến lên đài quang vinh, sánh vai cùng bè bạn năm châu.


(1) Ông được phân công phụ trách tổ tài chính – tiền tệ trong Ban chỉ đạo chống lạm phát của Bộ Chính trị.