📞

Nội các mới của Malaysia: Kỳ vọng trong thách thức

Minh Vương 22:38 | 10/03/2020
TGVN. Nội các mới của tân Thủ tướng Malaysia Muyihiddin Yassin khiến người kỳ vọng, song không ít kẻ nhướng máy. Đâu là nguồn cơn cho thái độ khác biệt này? Bình luận của Thế giới & Việt Nam.
Tân Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin. (Nguồn: AFP)

Trước đó ít lâu, tân Thủ tướng cam kết sẽ xây dựng nội các “sạch”, phản ánh nguyện vọng của người dân, bất kể màu da hay địa vị xã hội.

Về tổng thể, nội các mới của Malaysia chứng kiến sự trở lại của nhiều bộ trưởng từng xuất hiện trong các Chính phủ của Mặt trận Quốc gia (BN) hay Liên minh Hy vọng (PH), song cũng xuất hiện nhiều nhân vật mới, trong đó có những người chưa từng làm chính trị.

Đáng chú ý, ông Muhyiddin không bổ nhiệm Phó Thủ tướng ở thời điểm hiện tại và thay vào đó là 4 Bộ trưởng cao cấp phụ trách Thương mại Quốc tế & Công nghiệp, Quốc phòng, Lao động và Giáo dục; 3 đến từ các đảng lớn như Bersatu, Tổ chức Dân tộc Malaysia Thống nhất (UMNO), Liên minh Đảng Sarawak (GPS), người còn lại là chính khách độc lập. Trong trường hợp Thủ tướng vắng mặt, 4 người này sẽ thực hiện các nhiệm vụ của Thủ tướng, bao gồm chủ trì nội các.

Các bộ trưởng, thứ trưởng và quan chức tại Thượng viện sẽ tuyên thệ nhậm chức trong cùng ngày và ngay lập tức bắt tay vào giải quyết hàng loạt vấn đề cấp bách của Malaysia, từ tác động tiêu cực của giá dầu với nền kinh tế, tới sự bùng phát của dịch viêm phổi cấp do virus corona (Covid-19). Tuy nhiên, với những sự thay đổi như vậy, liệu nội các mới của Malaysia có làm nên chuyện?

Nhân tố mới

Thứ nhất, theo tờ Malay Mail, màn thể hiện Chính phủ sẽ phụ thuộc vào các nhân tố mới. Một trong số đó là ông Zulkifli Mohamad Al-Bakri, Bộ trưởng Văn phòng Thủ tướng phụ trách Tôn giáo. Từng là Luật sĩ Lãnh thổ Liên bang dưới thời ông Mahathir và nhân vật được ưa thích cùng tầm ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội, ông được kỳ vọng là sẽ hàn gắn chia rẽ trong nội bộ các đảng phái cầm quyền và né tránh đòn tấn công chính trị cần thiết.

Nhân tố khác đáng chú ý là tân Bộ trưởng Tài chính Zafrul Aziz. Từng là CEO Tập đoàn CIMB, ngân hàng hàng đầu trong ASEAN và trong các quốc gia Hồi giáo khi chỉ mới 46 tuổi, ông được kỳ vọng là làn gió mới cho chính phủ Malaysia, đồng thời đa dạng hóa thành phần trong nội các.

Cuối cùng, ông Mohd Radzi Md Jidin, nguyên Thứ trưởng Kinh tế, sẽ đảm nhận cương vị Bộ trưởng Giáo dục. Một số Bộ trưởng sẽ tiếp tục nhiệm kỳ như Bộ trưởng Văn phòng Thủ tướng phụ trách Kinh tế Mustapa Mohamed, Bộ trưởng Khoa học Khairy Jamaluddin hay Bộ trưởng Ngoại giao Hishammuddin Hussein.

Lễ nhậm chức Thượng Nghị sỹ của tân Bộ trưởng Tài chính Malaysia Zafrul Aziz, “làn gió mới” cho chính trường Malaysia. (Nguồn: Bernama)

Hoài nghi và hy vọng

Thứ hai, việc không bổ nhiệm Phó Thủ tướng cho thấy ông Muhyiddin muốn tránh bài học từ mối bất hòa giữa cựu Thủ tướng Mohamad Mahathir và phó tướng Anwar Ibrahim, điều khiến Chính phủ trước sụp đổ. Tuy nhiên, bổ nhiệm một số chẵn (4) thay vì số lẻ (3 hoặc 5) Bộ trưởng Cao cấp chia sẻ trách nhiệm của Phó Thủ tướng sẽ gây khó khăn trong quyết định chính sách khi thiếu vắng Thủ tướng. Đáng chú ý, một trong 4 Bộ trưởng Cao cấp có ông Azmin Ali, người đã dẫn 11 Nghị sỹ Quốc hội rời đảng PH và được coi là “truyền nhân” của ông Mahathir. Ông Azmin Ali sẽ phụ trách lĩnh vực Thương mại Quốc tế & Công nghiệp.

Thứ ba, quyết định của tân Thủ tướng về đưa Bộ Kinh tế về Văn phòng Thủ tướng; nâng bộ phận Đoàn kết Quốc gia thành Bộ hay tách Bộ Tài nguyên, Khoa học, Công nghệ và Bộ Nước, Đất và Tài nguyên Môi trường thành 3 Bộ mới sẽ nâng tổng số Bộ trưởng và Thứ trưởng quốc gia này lên 70. Do đó, có người cho rằng việc tăng số lượng bộ trưởng này là cách ông Muhyiddin “trao thưởng” cho các nghị sỹ ủng hộ mình trên con đường giành ghế Thủ tướng.

Thứ tư, phần lớn vị trí quan trọng được nắm giữ bởi người Malaysia Hồi giáo; một số được trao cho chính trị gia đến từ phía Tây Malaysia, đặc biệt là đảng GPS, với duy nhất 1 Bộ trưởng đến từ cộng đồng người gốc Hoa và Ấn Độ, dù họ chiếm tới 30% dân số. Không có bộ trưởng nào trẻ hơn 40 tuổi và chỉ 5/31 thành viên nội các là nữ. Do đó, Malay Mail cho rằng nội các mới không phản ánh đa dạng văn hóa, sắc tộc, màu da hay tôn giáo ở Malaysia như Thủ tướng Muhyiddin tuyên bố. Đáng ngại hơn, sự mất cân bằng trong nội các có thể dẫn đến xung đột lợi ích do khác biệt về sắc tộc, tôn giáo, địa vị xã hội, khiến Chính phủ một lần nữa đổ vỡ.

Thứ năm, chính phủ mới của tân Thủ tướng Muhyiddin Yassin sẽ phải đối mặt với sóng gió đến từ người tiền nhiệm Mohamad Mahathir, vốn khẳng định sẽ tiến hành bỏ phiếu bất tín nhiệm một khi Quốc hội hoạt động ngày 18/5. Dù thất bại, ông Mahathir vẫn là thế lực đáng gờm trên chính trường Malaysia và hoàn toàn có thể làm lung lay nền móng của Chính phủ mới.

Thuận lợi đã rõ, thách thức đã tường; mọi chuyện sẽ phụ thuộc vào tài chèo lái của tân Thủ tướng cùng đoàn thủy thủ dày dặn, đưa Malaysia vượt sóng gió trùng trùng, vươn tầm thế giới.